Đại học Hồng Kông tổ chức đào tạo ngôn ngữ Phật giáo

Đại học Hồng Kông tổ chức đào tạo ngôn ngữ Phật giáo

Theo nguồn tin từ Đại học Hồng Kông, bắt đầu từ năm học 2023–2024, Trung tâm Nghiên cứu Phật học của Đại học Hồng Kông sẽ tổ chức các khóa học về ngôn ngữ Phật giáo, như là tiếng Pali, tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng, từ cơ bản đến nâng cao cho sinh viên đang theo học các chương trình đại học và sau đại học của nhà trường. Các khóa học này được thiết kế để giúp người học đi sâu vào thế giới các kinh điển Phật giáo thiêng liêng và khám phá nguồn gốc của những triết lý phương Đông.

Đại học Hồng Kông tổ chức đào tạo ngôn ngữ Phật giáo

Poster tuyển sinh của Đại học Hồng Kông

Mỗi khóa học ngôn ngữ sẽ bao gồm bốn cấp độ. Cấp độ I và III sẽ được giảng dạy trong học kỳ I, kéo dài từ đầu tháng 9 năm 2023 đến cuối tháng 11 năm 2023. Trong học kỳ II, cấp độ II và IV sẽ được giảng dạy từ giữa tháng 1 năm 2024 đến cuối tháng 4 năm 2024. Các kỳ thi cho các khóa học tương ứng sẽ được tổ chức vào cuối mỗi học kỳ. Trong tất cả các khóa học, sinh viên sẽ học về văn hóa, ngôn ngữ, văn học và triết học Phật giáo Ấn Độ.

Tất cả các khóa học sẽ được dạy trực tiếp. Những ai quan tâm đều có thể đăng ký học, bao gồm sinh viên hiện tại, cựu sinh viên của trường và cả người bên ngoài. Các khóa học này được tổ chức vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần tại khuôn viên trường Đại học Hồng Kông.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật học của Đại học Hồng Kông, Giáo sư Georgios Halkias, cho biết: “Việc học các ngôn ngữ Phật giáo có thể mang lại nhiều lợi ích, từ việc hiểu sâu hơn về giáo lý đến việc mở ra các cơ hội học thuật và nghề nghiệp. Hiểu ngôn ngữ giúp chúng ta có thể làm việc với các văn bản gốc, thay vì dựa vào các bản dịch, giúp chúng ta có được sự hiểu biết chính xác và sâu sắc hơn về các giáo lý của Phật giáo.

Theo Giáo sư Halkias: “Các bản dịch đôi khi có thể bị giới hạn bởi sự hiểu biết của người dịch, thành kiến văn hóa hoặc những ràng buộc của ngôn ngữ đích. Bằng cách học các ngôn ngữ gốc, chúng ta có thể loại bỏ những hạn chế này và tiếp cận các giáo lý ở dạng nguyên bản của chúng. Nó cũng có thể giúp chúng ta hiểu sâu hơn về bối cảnh văn hóa mà trong đó các giáo lý được phát triển, đánh giá cao đối với sự phong phú và đa dạng của các truyền thống Phật giáo.”

Đối với cấp độ I của tất cả các loại ngôn ngữ, nhà trường không yêu cầu điều kiện gì đối với học viên. Đối với cấp độ II, III và IV, học viên phải có các điều kiện tiên quyết là đã hoàn thành cấp độ I, giáo viên của khóa học sẽ đánh giá trình độ thành thạo ngôn ngữ liên quan của ứng viên.

Giáo sư Halkias còn cho biết: “Học ngôn ngữ Phật giáo có thể giúp người học phát triển các phẩm chất như kiên nhẫn, bền bỉ và khiêm tốn, đồng thời tạo điều kiện hiểu sâu hơn về các giáo lý quan trọng, điều này có thể truyền cảm hứng cho sự quán chiếu, hướng nội và phát triển tâm linh”. Hơn nữa, khi có một nền tảng vững chắc về ngôn ngữ Phật giáo thì đây là tài sản quý giá, có thể giúp chúng ta kết nối với các học giả, hành giả từ khắp nơi trên thế giới, thúc đẩy sự hợp tác và trao đổi học thuật. Đấy cũng chính là chủ đích mà trường Đại học Hồng Kông mở ra các chương trình đào tạo này.

Minh Nguyên biên dịch

Nguồn: Buddhistdoor.net 

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares