Đức Đạt Lai Lạt Ma đón tiếp các nhà hoạt động vì hòa bình đến từ Châu Âu

Sáng ngày 08/11, tại Tu viện Thekchen Choling, Dharamsala, Ấn Độ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đón tiếp phái đoàn các nhà hoạt động vì hòa bình đến từ châu Âu. Phái đoàn do bà Sofia Stril-Rever, người Pháp, làm trưởng đoàn. Họ đến thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma và để được nghe ngài chỉ dạy thêm về công cuộc vận động, tổ chức các chiến dịch hoạt động vì hòa bình thế giới.
Tại buổi gặp mặt, đại diện phái đoàn, bà Sofia Stril-Rever đã phát biểu. Trong lời phát biểu của mình, bà Sofia Stril-Rever đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự đón tiếp của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bà còn cho biết, tất cả những người đến Dharamsala lần này đều là những người được truyền cảm hứng từ tấm gương phụng sự nhân sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhờ đó mà họ có thêm nhiệt huyết và sự quyết tâm trong việc tổ chức các chương trình vận động vì hòa bình của thế giới.
Bên cạnh đó, bà Sofia Stril-Rever còn chia sẻ rằng, những thành viên trong phái đoàn đã tham dự lễ Kỷ niệm Ngày Lương Tâm (Day of Conscience), tức là ngày 05 tháng 4, đã được Liên hiệp quốc công nhận. Và lễ kỷ niệm Ngày Lương Tâm cũng chính là dịp để họ cùng nhau thiết lập các quyền tự do và nhân quyền cơ bản cho tất cả mọi người, không có sự phân biệt.

Bà Sofia Stril-Rever phát biểu tại buổi diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma

Nhân dịp diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, bà Sofia đã đặt vấn đề rằng: “Làm thế nào để lương tâm và tình yêu thương tốt đẹp có thể đóng góp cho hòa bình lâu dài trên thế giới?”.
Với vấn đề này, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời rằng: “Là con người, tất cả chúng ta đều nhận được tình yêu của mẹ ngay khi chúng ta được sinh ra. Lúc còn nhỏ, chúng ta không ngần ngại chơi với các bạn nhỏ khác, mà không quan tâm các bạn ấy đến từ đâu, hoặc bạn ấy và gia đình các bạn tin vào điều gì. Sự cởi mở này là bản chất cơ bản của con người chúng ta. Thế nhưng, đến khi trưởng thành, quá nhiều người trong chúng ta nhìn người khác theo góc độ ‘chúng ta’ và ‘họ’, chúng ta tạo ra sự phân biệt đối xử dựa trên sự khác biệt chính trị hoặc tôn giáo giữa người với người. Nếu chúng ta muốn đóng góp cho hòa bình, thì chúng ta phải thừa nhận rằng, về cơ bản, là con người, tất cả chúng ta đều giống nhau. Chúng ta có những trải nghiệm giống nhau. Chúng ta được sinh ra theo cùng một cách và cuối cùng, tất cả chúng ta đều sẽ chết. Chú trọng vào sự khác biệt về quốc tịch hoặc đức tin thì chúng sẽ trở thành nguyên cớ để giết hại lẫn nhau. Ngay cả các loài động vật cũng biết sống hòa bình với nhau. Vậy mà con người lại đi gây chiến, giết hại lẫn nhau. Nếu mọi thứ thay đổi, 8 tỷ người hiện tại phải học cách sống chung với nhau trên hành tinh này. Chúng ta phải công nhận nhân loại chung của mình. Tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình chung, đó là gia đình nhân loại”. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ với các nhà hoạt động vì hòa bình

Đức Đạt Lai Lạt Ma còn chia sẻ thêm: “Để kiến tạo hòa bình trên thế giới thì cần phải nuôi dưỡng ý thức về tình huynh đệ và giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta cần phải mở rộng tình yêu cơ bản của con người mà mẹ chúng ta đã dành cho chúng ta lúc sinh ra, và mở rộng tình thương yêu đó đối với người khác trong suốt quãng đời còn lại của mình”.
Bàn về vai trò của tôn giáo trong việc kiến tạo hòa bình thế giới, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho hay: “Bản chất của tôn giáo là sự lương thiện. Đây là tất cả những gì mà các tôn giáo chỉ dạy, bất luận tôn giáo ấy đứng trên lập trường triết thuyết nào. Sự lương thiện là bản chất. Cho nên, nếu mỗi tín đồ, và mỗi người đều trau dồi lòng lương thiện ấy thì sẽ không còn chiến tranh, không còn bất hòa, gây hại cho nhau nữa”.

 Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Dalailama.com

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares