Chính phủ quân sự Myanmar khánh thành tượng Phật ngồi khổng lồ

Theo nguồn tin từ trang ABC News, vừa qua, Chính phủ quân sự Myanmar đã khánh thành một pho tượng Phật ngồi vĩ đại trên một khu đất rộng 92 hecta ở thủ phủ Naypyitaw, Myanmar. Dự kiến bức tượng sẽ được làm lễ thánh hiến vào ngày 1 tháng 8.

Bức tượng Phật ngồi trong tư thế kiết già phu tọa này có chiều cao 19 mét, cao hơn gần 4 mét so với bức tượng Phật vĩ đại ở Chùa Đông Đại ở Nhật Bản.

Thượng tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Myanmar, đứng đầu chính phủ lâm thời, chính là người bảo trợ của dự án và đã giám sát phần lớn việc lắp đặt dự án. Trong khuôn viên của pho tượng còn có một số ngôi chính điện, phòng truyền giới, nhà nghỉ, đài phun nước, hồ nước và công viên.

Thượng tướng Hlaing cho biết, việc xây dựng pho tượng Phật ở Naypyitaw nhằm thể hiện sự hưng thịnh của Phật giáo Nguyên thủy ở Myanmar, biến Myanmar thành tâm điểm của Phật giáo Nguyên thủy, đảm bảo sự thịnh vượng của đất nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định của thế giới.

Nếu tính cả phần bệ thì tổng chiều cao của pho tượng là 24,7 mét, nặng hơn 5.000 tấn, được chạm khắc theo phong cách nghệ thuật của triều đại Yadanabon vào thế kỷ 18 và 19, triều đại cuối cùng nắm quyền điều hành đất nước Myanmar trước khi thực dân Anh cai trị.

Pho tượng Phật cao 24,7 mét do chính phủ quân sự Myanmar mới xây dựng tại Naypyitaw

Do các cuộc nổi dậy đã và đang diễn ra kể từ khi Mynamar giành độc lập từ chính quyền thực dân Anh vào năm 1948, nên quốc gia này được coi là nơi diễn ra các cuộc nội chiến kéo dài nhất trên thế giới. Bà Aung San Suu Kyi, một chính trị gia ​​được đào tạo ở Anh, dành rất ít thời gian tham gia trong chính phủ, nhưng lại bị quản thúc tại gia và trong tù đến vài chục năm.

Bà Suu Kyi trở nên nổi tiếng trong cuộc nổi dậy 8888, sở dĩ gọi tên như thế là vì nó diễn ra vào ngày 8 tháng 8 năm 1988, với nhiều tháng biểu tình, tuần hành, đình công và bạo loạn trên khắp đất nước, tất cả đều vì thúc đẩy dân chủ. Khi cuộc bầu cử được tổ chức vào năm 1990, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi đã giành được 81% số ghế trong chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ quân sự đã không nhận kết quả bầu cử, bắt giữ bà Suu Kyi và tiếp tục chế độ độc tài độc đảng.

Bà Suu Kyi được trả tự do vào năm 2010, mở ra một thời kỳ lạc quan cho người dân ở Myanmar. Bà tiếp tục giành được một ghế trong quốc hội vào năm 2012 và trở thành một thành viên của chính phủ.

Vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, bà Suu Kyi lại bị bắt cùng với các nhà lãnh đạo của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, chính phủ quân sự một lần nữa nắm toàn quyền kiểm soát đất nước. Trong hai năm qua, các nhóm ủng hộ dân chủ trên khắp đất nước đã chiến đấu chống lại chính quyền quân sự, đôi khi dẫn đến những trận chiến khốc liệt và đẫm máu.

Bất chấp sự lên án từ cộng đồng Phật giáo quốc tế và các nhà lãnh đạo trên toàn cầu, chế độ quân sự ở Myanmar vẫn chưa kết thúc.

Minh Nguyên biên dịch

Nguồn: abcnews.com

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares