Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham, Anh đã phát hiện rằng việc thực hành chính niệm có thể giúp ngăn ngừa căng thẳng và kiệt sức trong công việc một cách đáng kể.
Việc môi trường làm việc hiện đại nhưng “căng như nồi áp suất” vốn không phải là bí mật gì. Từ lâu, người ta đã xác định rằng sự căng thẳng như vậy không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất công việc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của nhân viên. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đầy hứa hẹn đã đưa ra gợi ý về một liều thuốc mạnh mẽ: chính niệm.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham, Anh, đã phát hiện rằng việc thực hành chính niệm có thể giúp nhân viên ngăn ngừa căng thẳng và kiệt sức trong công việc một cách đáng kể. Pháp hành cổ xưa này, theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychological Association, APA), bao gồm trau dồi nhận thức về trạng thái bên trong và môi trường xung quanh mà không có sự phán xét. APA giải thích rằng, chỉ đơn giản là việc quan sát suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm ở thời điểm hiện tại đã có thể giúp bạn “tránh những thói quen và phản ứng bản năng mang tính phá hoại”.
Tăng năng suất làm việc thông qua thực hành chính niệm
Về cơ bản, nghiên cứu này nhấn mạnh chính niệm là một công cụ quan trọng đối với người lao động thế kỷ 21, đưa ra giải pháp tiềm năng hướng tới một cuộc sống làm việc lành mạnh hơn, cân bằng hơn.
Shaunak Ajinkya, bác sĩ tham vấn tâm lý thuộc bệnh viện Kokilaben Dhirubhai Ambani, Mumbai, giải thích rằng, các phương pháp chính niệm khuyến khích các cá nhân nhận thức rõ hơn về suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác cơ thể của họ. Vì vậy, nó có thể giúp chống lại những áp lực hàng ngày thường gặp ở nơi làm việc, thúc đẩy sự thư giãn bằng cách xoa dịu tâm trí.
“Chính niệm rèn luyện mọi người tập trung sự chú ý vào thời điểm hiện tại, điều này giúp cải thiện sự tập trung, giảm bớt xao lãng, đồng thời giúp tinh thần thêm minh mẫn và tăng năng suất trong công việc. Điều này cũng có thể giúp mọi người điều chỉnh phản ứng cảm xúc của họ trước những thách thức trong công việc, giảm khả năng bị choáng ngợp”, Tiến sĩ Ajinkya giải thích trong một phỏng vấn với báo Indianexpress.com.
Làm thế nào một người có thể thực hành chính niệm?
Tiến sĩ Ajinkya khuyên bạn nên làm những điều sau để thực hành chính niệm.
- 1. Tập thở trong chính niệm: Dành một vài phút trong ngày để tập trung vào hơi thở của bạn. Nhắm mắt lại, hít thở chậm và sâu, chú ý đến cảm giác không khí đi vào và đi ra từ mũi của bạn.
- Đi bộ trong chính niệm: Thay vì vội vã làm hết việc này đến việc khác, hãy đi bộ trong chính niệm quanh văn phòng, chú ý đến từng bước đi, cảm giác bàn chân chạm đất và chuyển động của cơ thể, chú ý đến cảnh vật, âm thanh, và mùi xung quanh bạn mà không phán xét.
- Lắng nghe trong chính niệm: Tập chủ động lắng nghe trong các cuộc họp/cuộc trò chuyện, tập trung hoàn toàn vào người nói mà không làm gián đoạn hoặc chuẩn bị tinh thần cho câu trả lời của bạn, chú ý không chỉ lời nói mà còn cả giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của họ.
- Ăn uống trong chính niệm: Tập trung vào hương vị, kết cấu và mùi thơm của món ăn, nhai chậm và thưởng thức từng miếng ăn. Tránh mọi phiền nhiễu như nói chuyện, sử dụng điện thoại di động/máy tính hoặc làm việc tại bàn trong khi ăn.
- Kiểm tra chính mình trong chính niệm: Dành vài phút để tạm dừng và nhìn lại bản thân, để ý xem bạn đang cảm thấy thế nào về mặt thể chất, cảm xúc và tinh thần. Nhận thức mọi căng thẳng và lo lắng mà bạn có thể gặp phải mà không phán xét. Tập các động tác giãn cơ nhẹ nhàng để giải phóng căng thẳng về thể chất. Nghỉ giải lao ngắn để duỗi tay, vai, cổ và lưng, tập trung vào cảm giác trong cơ thể khi bạn di chuyển.
- Chú ý khi chuyển giao trong công việc: Trước khi bắt đầu một nhiệm vụ mới, hãy dành một chút thời gian để tạm dừng và vạch ra cách bạn muốn tiếp cận nó. Tập trung sự chú ý của bạn vào thời điểm hiện tại, và buông bỏ mọi suy nghĩ còn vương vấn về đầu công việc trước đó.
- Chú ý đến cách bạn sử dụng các thiết bị tại nơi làm việc: Có các khoảng thời gian nghỉ ngơi để rời xa màn hình cho mắt và đầu óc được thư giãn. Thực hiện việc giải độc kỹ thuật số trong giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ làm việc để giảm sự kích thích quá mức và thúc đẩy tinh thần minh mẫn.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn: The Indian Express