Một nghiên cứu của giáo sư Ulrich Kirk, thuộc Đại học London, Anh, được đăng trên Scientific Reports đã bước đầu chứng minh việc thực hành chính niệm ngắn hạn giúp con người dễ cân bằng cảm xúc trước sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế hơn.
Cái bẫy kỳ vọng-thực tế và tác dụng của chính niệm
Kỳ vọng là những gì chúng ta nghĩ sẽ xảy ra, còn thực tế là những gì thực sự diễn ra. Ai cũng hy vọng mọi chuyện sẽ diễn ra theo đúng những gì ta kỳ vọng, và khi điều đó không đúng, ta thường khó tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, bất mãn, hay những cảm xúc tiêu cực khác.
Trong một số trường hợp, con người có thể trở nên quá chấp vào những kỳ vọng của mình đến mức ta không thể nhìn thấy thực tế. Điều này có thể khiến ta không hành động hoặc đưa ra được những quyết định tốt nhất cho bản thân mình.
Khi kỳ vọng của bạn vượt xa thực tế, nghĩa là bạn đang không thực sự trân trọng những điều mình đang có, và bạn đang mong đợi nhiều hơn hoặc đang so sánh bản thân với mọi người xung quanh. Ví dụ, một nghiên cứu phát hiện ra rằng, so với những người không được gợi nhắc về sự giàu có, những người được gợi nhắc về chủ đề này dành ít thời gian để thưởng thức một thanh sôcôla, và tỏ ra ít thích thú với trải nghiệm đó hơn. 1
Nghiên cứu của giáo sư Ulrich Kirk2 đã đưa ra một trong những phương pháp giúp cân bằng tâm lý trước sự chênh lệch giữa kỳ vọng và thực tế: chính niệm.
Chính niệm giúp phản ứng tích cực hơn trước chênh lệch kỳ vọng-thực tế
Những người tham gia vào khảo sát kéo dài 8 tuần này được phân ngẫu nhiên vào một trong 3 nhóm: nhóm thực hành chính niệm (MT), nhóm kiểm soát tích cực (CT), và nhóm thực hành chính niệm một lần (MI). Mỗi người đều được chụp cộng hưởng từ chức năng fMRI vào đầu và cuối quá trình khảo sát.
Kết quả cho thấy, ở nhóm thực hành chính niệm (MT), phản ứng ở nhân bèo sẫm (putamen – vùng não liên quan đến quá trình xử lý kết quả) giảm đáng kể, và thấp hơn so với phản ứng của nhóm kiểm soát tích cực (CT).
Ở nhóm MT, vùng thuỳ sau (liên quan đến quá trình xử lý thụ cảm) cũng được kích hoạt để có phản ứng tích cực hơn với sự chênh lệch giữa thực tế và kỳ vọng so với 2 nhóm còn lại.
Phát hiện này cho thấy, việc thực hành chính niệm ngắn hạn làm giảm tác động của kỳ vọng và tăng cường phản ứng tích cực của con người trước những chuyện xảy ra trong thực tế, giúp con người sớm trở lại trạng thái cân bằng, tránh rơi vào những cảm xúc tiêu cực như hụt hẫng, mất mát, hay bất mãn.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn tham khảo: Nature