Vừa qua, Phật giáo Tây Tạng đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp geshema cho các Ni sinh đã theo học và vượt qua các kỳ thi quan trọng theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Tại buổi lễ, có 7 Ni sinh đã được vinh dự nhận bằng geshema.
Vào năm 2011, một Ni sinh người Đức, là Sư cô Kelsang Wangmo, đã trải qua 21 năm tu học tại Ấn Độ, và đã trở thành người nữ tu sĩ Phật giáo đầu tiên được trao bằng geshe. Và đến năm 2012, thì Hội đồng đào tạo của Phật giáo Tây Tạng đã phê duyệt bằng geshema dành cho chư Ni.
Các vị đại biểu và các Ni sinh chụp hình lưu niệm tại buổi lễ
Bằng geshema dành cho chư Ni tương đương với bằng geshe dành cho chư Tăng. Bằng geshe/geshema có giá trị tương đương với bằng tiến sĩ trong hệ thống giáo dục của các quốc gia.
Đây là lần thứ 6, Phật giáo Tây Tạng tổ chức lễ trao bằng geshema đến các Ni sinh. Lễ tốt nghiệp và trao bằng geshema được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016. Lúc đó, nhiều người còn nghi ngờ về khả năng của chư Ni khi họ dược trao bằng geshema. Đến năm 2022, trên thế giới có 53 người nữ tu sĩ Phật giáo được bằng geshema. Năng lực của những vị ấy đã được cộng đồng Phật giáo công nhận và có sức ảnh hưởng ngày càng tăng trong các Ni viện và trong cộng đồng người Tây Tạng.
Trong lời phát biểu chào mừng, ngài Kunga Gyatsen đã thay mặt Ban Tổ chức gửi lời chúc mừng đến các geshema mới. Trong bài phát biểu của mình, ông khuyến khích các Ni sinh phát huy tinh thần Phật giáo, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục cộng đồng tại địa phương về những giá cốt lõi của đạo Phật. Ngài cũng kêu gọi các geshema tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, Phật giáo trong và ngoài các tổ chức Phật giáo, tham gia vào các dự án giáo dục nhằm mang lại sự hiểu biết Phật pháp một cách sâu sắc theo góc độ khoa học cho các tu sĩ.
Bảy Ni sinh được trao bằng geshema tại lễ tốt nghiệp
Để được cấp bằng geshema, các Ni sinh phải trải qua các khóa học kéo dài 17 năm, và kết quả học tập đều phải đạt trên 75% tổng số điểm. Trong các khóa học đó, các Ni sinh được đào tạo cả về những kiến thức Phật học, triết học và cả khoa học, ngôn ngữ… để trở thành một hành giả, một học giả có thể hướng dẫn tâm linh và giảng dạy cho người khác.
Ngày nay, trong cộng đồng Phật giáo Tây Tạng, những Tu sĩ được trao bằng geshe/geshema đều được đánh giá rất cao, đều có những cống hiến giá trị, đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp tại Ấn Độ cũng như trên thế giới.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door