Vào ngày 20/11, đại diện lãnh đạo các tôn giáo ở Bangladesh, gồm có Phật giáo, Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo đã tổ chức một cuộc họp báo tại Dhaka, Bangladesh. Nội dung chính của cuộc họp báo là nhằm kêu gọi Chính phủ tổ chức cuộc bầu cử quốc gia sắp tới một cách công bằng, không thiên vị và không có bạo lực.
Tổng thư ký Hội đồng Liên tôn, ông Rana Dasgupta cho biết: “Các cộng đồng thiểu số ở Bangladesh sợ hãi trước cuộc bầu cử, và kêu gọi không có bạo lực trong các cuộc bỏ phiếu”.
Các thành viên trong Hội đồng Liên tôn tham gia buổi họp báo
Hội đồng Liên tôn cũng kêu gọi các khu vực của Bangladesh, nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số, được xác định là có nguy cơ bạo lực, cần được tổ chức các biện pháp tăng cường an ninh, đặc biệt là trong hai ngày trước cuộc bầu cử, và trong vòng 15 ngày sau cuộc bầu cử.
Ông Dasgupta còn kêu gọi cử tri không bỏ phiếu cho người nào bị cáo buộc là có hành động chống lại cộng đồng, hoặc chống lợi ích của người thiểu số. Ông cũng cho biết, Hội đồng Liên tôn đã tổ chức một đơn vị giám sát để quan sát tình hình trước cuộc bầu cử.
Trước đó, vào ngày 12/10, bảy thành viên của Hội đồng Liên tôn đã gặp Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Bangladesh, và trao một bản ghi nhớ, kêu gọi Ủy ban hành động để bảo vệ quyền của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo trong cuộc bầu cử sắp tới.
Khung cảnh buổi họp báo kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử quốc gia một cách công bằng, bình đẳng và không bạo lực
Đáp lại, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Bangladesh nhấn mạnh rằng, họ sẽ lên tiếng để bảo đảm các hành vi vi phạm nhân quyền không xảy ra trước, trong hoặc sau cuộc bầu cử, và mọi người thuộc mọi tôn giáo đều có thể bỏ phiếu tự do và công bằng.
Cùng ngày, các thành viên của Hội đồng Liên tôn cũng đã gặp trưởng Ban bầu cử, ông Kazi Habibul Awal tại Dhaka, để trao đổi và lên kế hoạch bảo vệ người dân trong cuộc bầu cử.
Cũng vì vấn đề nhân quyền, vào ngày 06/10, Hội đồng Liên tôn đã tổ chức một cuộc biểu tình trước Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, nhằm kêu gọi chính phủ thực hiện đúng bản Tuyên ngôn bầu cử của mình, đặc biệt là nội dung liên quan đến việc đảm bảo an toàn, công bằng và bình đẳng các nhóm thiểu số của Bangladesh thực hiện quyền bầu cử.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Thedailystar.net