Cuộc đối thoại liên tôn giáo của Công giáo và Phật giáo đã được tổ chức trực tuyến vào ngày 26 tháng 10 để thảo luận về những điểm tương đồng và khác biệt giữa chính nghĩa trong thần học và nghiệp báo trong Phật giáo. Buổi nói chuyện có tổng cộng 10 người tham dự. Người chủ trì là ông Michael Kerze, giáo sư tại Valley College ở Los Angeles. Ông chia sẻ rằng, khi nhắc đến từ “công lý”, người ta thường nghĩ đến nữ thần công lý ở các nước phương Tây, một tay cầm kiếm một tay cầm cán cân, mắt bị che bởi tấm vải trắng. Hình tượng này cũng giống như trong truyền thuyết về nữ thần Isis trong thần thoại Ai Cập, một bên cầm tim người chết một bên cầm “chiếc lông chân lý” để đo bên nặng bên nhẹ.
Pháp Sư Huệ Trạch chùa Tây Lai Phật Quang Sơn chia sẻ rằng vua Diêm Vương trong văn hóa phương Đông có nguồn gốc từ thần thoại Ấn Độ. “Cuốn Sách Sinh Tử” trong tay Ngài ghi lại nghiệp thiện và ác của mỗi chúng sinh đã gieo trồng trong quá khứ. Sau khi chết đi, chúng sinh tùy theo nghiệp báo thiện ác mà luân hồi vào trong sáu đường. Đây là quan niệm của Phật giáo về “nghiệp”. Khái niệm này so sánh với thần thoại của phương tây và các nền văn hóa cổ khác cũng có nhiều quan điểm tương đồng.
Ông Michael Kerze nói rằng luân hồi (Samsara) trong tiếng Phạn có nghĩa là “cùng nhau trôi nổi”. Hành vi và nhân duyên quả báo sẽ theo con người từ đời này sang đời khác cho đến khi tiêu hao gần hết. Quá trình này có thể sẽ mất nhiều đời nhiều kiếp và “cùng nhau trôi nổi” với nhân duyên quả báo của người khác, từ đó sinh ra nghiệp báo chung. Trả lời ông Kerze, Pháp Sư Huệ Trạch bổ sung rằng, từ tiếng Phạn “luân hồi” của Phật Giáo có nghĩa là “lang thang, luẩn quẩn trong vòng lặp sinh tử”.
Jeanie Hayes, nghiên cứu tại Chủng viện Thần học Fuller cho biết, trong truyền thống Kitô giáo, Thượng Đế luôn quan tâm đến mọi mọi hành vi cử chỉ của người thế gian và luôn nhắc nhở các tín đồ hằng ngày nên đối xử với người khác bằng sự chân, thiện, mỹ. Không biết liệu Phật tử có giống như vậy không? Vì họ biết tất cả hành vi tạo tác của mình đều sẽ có báo ứng nhân quả tương xứng, từ đó hằng ngày trong lúc hành trì, từng giờ từng phút đều khởi chính niệm.
Cuộc đối thoại liên tôn giáo của Công giáo và Phật giáo ngày 26 tháng 10
Thầy Huệ Trạch đáp rằng nếu muốn chú ý đến ba nghiệp thân, khẩu, ý trong đời sống hằng ngày thì mấu chốt là ở chỗ bản thân có đề khởi “chính niệm” hay không. Người có chính niệm thì có thể hướng về chân, thiện, mỹ trong mọi khoảnh khắc. Còn thiện nghiệp, ác nghiệp tạo tác trong cuộc sống sẽ quyết định hướng đi sau khi vãng sinh. Bởi vì người Phật tử tin rằng thời khắc con người chết đi, tất cả những duyên thiện ác đã tạo trong quá khứ sẽ được hiện ra rất rõ ràng. Vì vậy, trong tư tưởng Phật giáo, đích đến của sự luân hồi không phải do thần thánh quyết định mà được phán xét bởi nghiệp thiện và ác của chính mỗi chúng sinh.
Cha xứ Alexei cho rằng giáo lý về sự phán quyết trong Công giáo xuất phát từ phép ẩn dụ về “Sự phán xét cuối cùng” trong Kinh thánh. Khi cuộc phán xét cuối cùng diễn ra, Chúa Giêsu sẽ hỏi thế gian, và mọi người sẽ tự trả lời: “Khi chúng con thấy Người đói, chúng con dâng đồ ăn lên Người. Khi chúng con thấy Người khát, không phải chúng con đã dâng nước uống cho Người sao? Khi chúng con thấy Người đến làm khách, chúng con hoan nghênh Người, khi y phục Người không đủ, không phải chúng con đã dâng y phục tặng Người hay sao”
Sư Thầy Rev. Noriaki Ito cho biết, Phật giáo Nhật Bản cho rằng nội tâm phàm phu tràn ngập phiền não, nên cần phải luôn luôn kiểm điểm hành vi của chính mình, để đảm bảo bản thân đang đi trên con đường chính đạo. Nếu bạn liên tục xem lại chính mình thì tâm có thể trở nên từ bi hơn. Tiếp dẫn chủ đề của Sư Thầy, ông Michael Kerze kể lại câu chuyện trích từ cuốn sách “Dòng sông lửa, dòng sông nước” (River of fire, river of water) của Taitetsu Unno, câu chuyện về một người cha nhận được thông báo của đồn cảnh sát vào lúc nửa đêm. Ông tìm thấy con trai mình đang ngồi trên hàng ghế băng ở đồn cảnh sát, thay vì tức giận, người cha lại ngồi bên cạnh đứa con và nói: “Con trai, bố đã làm con thất vọng! Nếu bố biết cách làm một người cha tốt thì tối nay con đã không phải ngồi ở trên chiếc ghế băng này rồi!” Đây quả là một suy ngẫm đầy sâu sắc!
Người chủ trì, ông Michael Kerze hy vọng hai bên sẽ thảo luận về cách giải thích địa ngục giữa Phật giáo và Công giáo trong buổi hội đàm tiếp theo. Tham gia vào cuộc đối thoại trực tuyến có đại diện Công giáo đến từ giáo đường Saint Andrew Church, Cha xứ Alexei Smith; giáo sư Đại học Loyola Marymount, ông James Fredricks; giáo sư Michael Kerze của Đại học Valley tại Los Angeles; nghiên cứu sinh Chủng viện Thần học Fuller, Jeanie Hayes; và đại diện Phật giáo là Thầy Trụ Trì Chiếu Sơ Pháp Sư của Chùa Bồ Đề ở Los Angeles; Sư Thầy Huệ Trạch của chùa Tây Lai; Sư Thầy Noriaki Ito và Sư Thầy Mayuki Nagami của chùa Đông Bổn Nguyện (Higashi Honganji); bà Debra Boudreaux và bà Sabrina Ho đến từ hội Từ Tế.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door