Vào ngày 6/7, trong dịp kỷ niệm và đón mừng sinh nhật lần thứ 88 của Đức Đạt Lai Lạt Ma được cộng đồng Phật giáo và người dân Tây Tạng long trọng tổ chức tại Dharamsala, Ấn Độ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có lời phát biểu chào mừng và kêu gọi mọi người chung tay kiến tạo một cộng đồng toàn cầu hòa bình và hòa hợp hơn.
Ngài nhắc nhở mọi người hãy lấy lòng từ bi làm nền tảng trong cuộc sống hàng ngày của mình, dựa trên trí tuệ và nhận thức về mối tương quan lẫn nhau giữa tất cả chúng sinh, Ngài hứa sẽ tiếp tục phụng sự chúng sinh trong vai trò và sứ mạng của một người lãnh đạo tinh thần của người dân Tây Tạng, lành đạo tinh thần của những người yêu mến đạo Phật, yêu chuộng hòa bình ở khắp nơi trên thế giới.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trong ngày sinh nhật thứ 88 của Ngài
Nội dung bài phát biểu trong dịp sinh nhật của Đức Đạt Lai Lạt Ma có đoạn:
“Nhiều người trên thế giới đã nghe đến tên tôi và đánh giá cao những gì tôi nói. Hơn nữa, tôi đã được trao giải Nobel Hòa bình. Về phần mình, tôi nguyện đóng góp hết sức mình để góp phần mang lại hòa bình cho thế giới, bằng cách truyền bá sự hiểu biết về tính đồng nhất của nhân loại. Mặc dù tôi chỉ là một người bình thường, nhưng trước mắt, tôi mong muốn đóng góp cho hòa bình thế giới bằng suy nghĩ, lời nói và hành động. Tôi vui mừng vì tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau đều cầu nguyện vì lợi ích của tất cả mọi người.
Cộng đồng người Tây Tạng đến chúc mừng sinh nhật Đức Đạt Lai Lạt Ma
Trong truyền thống Phật giáo, chúng ta nói rằng tất cả chúng ta đều có Phật tính, tiềm năng giác ngộ bên trong. Nếu chúng ta chăm sóc, nuôi dưỡng Phật tính này, giống như chúng ta chăm sóc một con người khác, thì cuối cùng chúng ta sẽ đạt được giác ngộ. Đối với cá nhân tôi, tôi nguyện cống hiến tất cả những gì tôi có trong hiện tại để giúp đỡ mọi người, mọi loài bằng tất cả khả năng của mình. Và cho đến tận cùng của không gian, tôi quyết tâm mang lại cho người khác càng nhiều lợi ích càng tốt. Chừng nào còn có những chúng sinh khao khát hạnh phúc, thì tôi sẽ còn quay trở lại, hết kiếp này đến kiếp khác, để giúp đỡ họ”.
Ông Sukhvinder Singh Sukhu phát biểu chúc mừng sinh nhật
Trong lễ sinh nhật lần thứ 88 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thống đốc bang Himachal Pradesh, ông Sukhvinder Singh Sukhu, cùng với các thành viên trong gia đình, và các thành viên trong chính quyền bang Himachal Pradesh đã đến dự lễ, tặng hoa và phát biểu chúc mừng. Ông Sukhvinder Singh Sukhu phát biểu rằng: “Thưa Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong hơn 60 năm qua, Ngài đã được chào đón tại Himachal Pradesh. Nhân dịp sinh nhật của Ngài, tôi kêu gọi mọi người làm việc để thực hiện tầm nhìn của Ngài về một nền giáo dục hoàn thiện hơn. Tất cả chúng ta nên noi theo tấm gương của Ngài và cố gắng sống một cuộc sống có ý nghĩa. Tôi đặc biệt khuyên các bạn trẻ nên chú ý đến những gì mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ dạy”.
Biểu diễn văn nghệ chúc mừng sinh nhật lần thứ 88 của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Cũng trong dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Antony Blinken, đã gửi lời chúc mừng sinh nhật đến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông Antony Blinken viết rằng: “Tôi xin gửi những lời chúc nồng nhiệt nhất đến Đức Đạt Lai Lạt Ma nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của Ngài, một ngày tốt lành cho cộng đồng Tây Tạng. Lòng tốt và sự khiêm tốn của Ngài là nguồn cảm hứng cho nhiều người trên khắp thế giới, và tôi vô cùng ngưỡng mộ sự cam kết không ngừng của Ngài đối với hòa bình và bất bạo động. Hôm nay, mong rằng chúng ta sẽ suy ngẫm về những thông điệp về lòng trắc ẩn và lòng khoan dung của Ngài khi chúng ta tái khẳng định cam kết duy trì nhân quyền của tất cả mọi người, kể cả những người thuộc cộng đồng Tây Tạng. Chính phủ Hoa Kỳ kiên định trong cam kết hỗ trợ giữ gìn bản sắc ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của người Tây Tạng, bao gồm khả năng tự do lựa chọn và tôn kính các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cắt bánh sinh nhật
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sinh năm 1935, tại làng Taktser ở đông bắc Tây Tạng, và được xác định là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 13 khi Ngài mới hai tuổi. Hiện tại, Ngài là vị lãnh đạo tinh thần tối cao của người dân Tây Tạng ở khắp nơi trên thế giới. Tính đến hiện nay, Ngài đã giành được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý. Vào năm 1989, ngài đã được trao giải Nobel Hòa bình cho chiến dịch tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho người dân Tây Tạng dựa trên bất bạo động và đối thoại.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Dalailama.com