Cải thiện sức khỏe tâm lý của trẻ với chính niệm
Trong một xã hội đầy cạnh tranh như hiện nay, ngay từ độ tuổi mẫu giáo, rất nhiều trẻ em phải đối mặt với áp lực phải đạt được thành tựu trong học tập và các hoạt động ngoại khoá. Áp lực về việc phải luôn xuất sắc khiến nhiều em nhỏ cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, và căng thẳng, dẫn đến não bộ bị ảnh hưởng xấu.
Tình trạng lo âu và căng thẳng, nhất là ở độ tuổi nhỏ như thế này, có thể sẽ làm giảm khả năng của não, đóng khung phản ứng chiến-chạy-hay-đóng-băng (fight-flight-or-freeze responses), hay làm trầm trọng thêm các rối loạn tâm thần ở trẻ. Một bộ não căng thẳng sẽ luôn trong tình trạng “bó buộc”, khó chịu, và lo lắng quá mức.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC, Mỹ) đã công bố một kết quả khảo sát về sức khỏe tâm lý thanh thiếu niên. Trong đó, thực hành chính niệm là một trong các phương pháp hàng đầu giúp cải thiện sức khỏe tâm lý của trẻ.
Cải thiện khả năng học tập của trẻ với chính niệm
Theo CDC, chính niệm còn tác động đến khả năng học tập và những kỹ năng quan trọng để giúp các em phát triển trong và ngoài lớp học. Đơn vị này cũng khuyến khích các lớp học phổ thông K-12 (từ mẫu giáo đến hết lớp 12) nên cho học sinh thực hành chính niệm thường xuyên.
Bright Horizons, một đơn vị giáo dục toàn cầu chuyên về giáo dục mầm non, đã và đang tích hợp chính niệm vào chương trình học hằng ngày của học sinh.
“Trẻ nhỏ chưa biết cách nhận biết và quản lý cảm xúc của mình. Các em chỉ có thể phản ứng một cách bản năng cho đến khi học được các phương pháp mới. Nhận biết và điều chỉnh cảm xúc là một kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng mà ai cũng nên được dạy từ khi còn nhỏ. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất mà ta có thể dạy cho trẻ là “chính niệm”, Rachel Robertson, Giám đốc Học thuật của Bright Horizons cho biết.
“Chính niệm“ là chú ý một cách có chủ đích và chúng tôi biết rằng nó có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ nhỏ quản lý cảm xúc và hành động của mình. Nhưng kỹ năng này đòi hỏi sự hỗ trợ đúng cách từ giáo viên và cha mẹ để phát triển. Bắt đầu thực hành chính niệm ở độ tuổi nhỏ cũng giúp phát triển các kỹ năng nhận thức quan trọng. Chính niệm có tác động đáng kể đến chức năng điều hành, giúp bồi dưỡng những thói quen mà trẻ em sẽ giữ đến tuổi trưởng thành và nuôi dưỡng một số kỹ năng cần thiết cho thành công trong tương lai”.
Một số bài tập thực hành chính niệm
Giám đốc Robertson cũng đưa ra một số bài tập thực hành để các phụ huynh và nhà giáo có thể kết hợp vào trong quá trình nuôi dạy trẻ:
- Chiến lược STOP: Dừng lại để tập trung (Stop, pause and focus). Hít một hơi thật sâu (Take a deep breath). Quán chiếu việc xảy ra xung quanh và bên trong bạn (Observe what’s going on around you and inside yourself). Tiếp tục với việc đang làm dở (Proceed).
- Khoảnh khắc biết ơn: Dành vài phút mỗi ngày để chia sẻ những điều bạn thấy biết ơn trong cuộc sống.
- Giai điệu của thiên nhiên: Nhắm mắt lại, tập trung, và cố gắng kể tên nhiều nhất có thể các âm thanh mà bạn nghe được.
- Hít thở như Sao biển: Vừa hít thở sâu 5 lần vừa vuốt từng ngón tay trong mỗi nhịp thở.
- Bước đi tỉnh thức: Chọn một trong các giác quan, ví dụ như thị giác, và quan sát xem bạn có thể nhìn thấy bao nhiêu màu sắc khác nhau.
- Giũ bỏ mọi năng lượng xấu: Hãy tưởng tượng mình là một bức tượng, hít một hơi thật sâu, và lắc mạnh để giũ bỏ năng lượng xấu ra ngoài!
Phật sự Tản Viên lược dịch
Nguồn tham khảo: New York Family