“Kinh Pháp Hoa” một trong những bảo vật quốc gia của Đài Loan cùng với các văn vật nghệ thuật cổ sẽ được triển lãm tại Phật Đà Kỷ Niệm Quán Phật Quang Sơn trong nửa năm tới đây.
Phật Đà Kỷ Niệm Quán chuẩn bị cung nghênh cổ vật Phật giáo
Ngày 19/9, quốc bảo điển tịch Đài Loan cùng với các tác phẩm nghệ thuật được lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung Quốc gia đã được chuyển đến trưng bày tại Phật Đà Kỷ Niệm Quán Phật Quang Sơn ở Cao Hùng. Sự kiện này mang đến cho người dân miền Nam Đài Loan cơ hội chiêm ngưỡng 43 bộ kinh sách trải dài qua 5 triều đại từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh đến thời nhà Thanh, trải qua 1500 năm lịch sử.
Triển lãm được chia thành hai đợt, dự kiến sẽ kết hợp công nghệ trình chiếu và hoạt hình nhằm giúp người xem hiểu sâu hơn về vẻ đẹp của các văn vật Phật giáo. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 16 tháng 3 năm sau, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên Phật Đà Kỷ Niệm Quán tiếp nhận các bảo vật quốc gia của Đài Loan.
“Kinh Pháp Hoa” là một bộ kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa thời kỳ đầu, Kinh được du nhập vào Trung Quốc từ thế kỷ thứ 3. Vì khuyến khích việc sao chép kinh sách và tạc tượng, những câu chuyện trong kinh đã trở nên phổ biến với người dân và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật tôn giáo. Được biết, hang động tạng kinh Đôn Hoàng là nơi chứa số lượng “Kinh Pháp Hoa” nhiều nhất thế giới, đứng thứ hai là Bảo tàng Cố Cung.
“Phẩm Phổ Môn” và những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng
Pháp sư Tuệ Truyền, phó trụ trì thường trực của Phật Quang Sơn, cho biết triển lãm lần này có ba điểm nhấn chính. Trong số đó có các câu chuyện, sự tích về những vị hoàng đế hộ trì “Kinh Pháp Hoa” từ Tùy Văn Đế cho đến vua Càn Long thời nhà Thanh.
Ngoài ra trong số các văn vật được trưng bày còn có các tác phẩm thư pháp tuyệt mỹ thể hiển tầm ảnh hưởng của “Phẩm Phổ Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm” trong “Kinh Pháp Hoa”, những tác phẩm nghệ thuật này được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của các nhà thư pháp nổi tiếng như Tô Thức, Nhan Chân Khanh và Quản Chính Nhân.
Ông Chung Tử Dần, người giám tuyển kiêm phó trợ lý phân viện miền Nam, cho biết “Phẩm Phổ Môn Của Bồ Tát Quán Thế Âm” được các Phật tử tại khu vực Đông Á đón nhận và tụng niệm hàng ngày do đó tín ngưỡng thờ Quán Thế Âm ở nơi đây rất phổ biến.
Kinh điển thường được chia ra làm ba phần, phần tựa, phần chính tông và phần lưu thông. Triển lãm đã sử dụng phương pháp phân tích này để giới thiệu về bối cảnh ra đời ở Ấn Độ và sự phát triển của nội dung mỹ thuật, hình ảnh của “Kinh Pháp Hoa”.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn tham khảo: UDN