Từ ngày 8 tháng 10 đến ngày 1 tháng 12 năm 2024, Bảo tàng quốc gia Kyoto sẽ tổ chức trưng bày các bảo vật liên quan đến Tịnh Độ tông nhân dịp kỷ niệm 850 năm thành lập tông phái.
Theo lịch sử, vào cuối thời kỳ Heian các cuộc nội chiến diễn ra liên miên, cùng với đó là thiên tai và dịch bệnh thường xuyên xảy ra đã khiến tình hình xã hội trở nên rối ren, hoàn cảnh sống của người dân dần rơi vào tình trạng kiệt quệ. Trong bối cảnh như thế, Đại sư Pháp Nhiên, từng tu học tại núi Hiei và chịu ảnh hưởng từ giáo lý của Đại sư Thiện Đạo, nhị tổ của Tịnh Độ Tông sống vào thời nhà Đường, Trung Quốc, đã nỗ lực truyền bá tư tưởng Tịnh Độ rằng bất kỳ ai cũng có thể được Đức Phật A Di Đà cứu độ và tiếp dẫn vãng sinh về cõi Cực Lạc bằng cách niệm danh hiệu Ngài. Vào năm 1175 (năm Thừa An thứ 5), Đại sư Pháp Nhiên đã sáng lập Tịnh Độ Tông tại Nhật Bản, lúc bấy giờ giáo lý của đại sư đã nhận được sự ủng hộ đông đảo từ tầng lớp quý tộc quan lại cho đến tầng lớp thường dân Nhật Bản. Không chỉ thế, cho đến ngày nay giáo lý của đại sư vẫn được tiếp tục truyền thừa trên đất nước mặt trời mọc này.
Buổi triển lãm lần này được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 850 năm thành lập tông phái Tịnh Độ tại Nhật Bản. Được biết buổi triển lãm sẽ tập trung giới thiệu lịch sử thành lập tông phái từ thời Đại sư Pháp Nhiên, tiếp theo đó là sự hình thành của các chi phái và việc xác lập giáo lý bởi các đệ tử của đại sư, cho đến khi tông phái được phát triển mạnh mẽ nhờ sự bảo trợ của gia đình Tướng quân Tokugawa. Triển lãm sẽ trưng bày các bảo vật quý giá bao gồm quốc bảo và tài sản văn hóa quan trọng đến từ các tự viện Tịnh Độ Tông trên toàn quốc. Đây là cơ hội quý báu để khám phá cuộc sống của Đại sư Pháp Nhiên và các đệ tử, những người đã hoằng dương Phật pháp cứu độ chúng sinh không quản ngại gian lao thử thách trong các thời kỳ khó khăn, cũng như chiêm ngưỡng những di sản văn hóa được bảo tồn và lưu giữ cẩn thận qua thời gian.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn tham khảo: Tsumugu