Nhiều người bị tăng acid uric máu rất e ngại chế độ ăn nhiều purin, vì nếu quá trình chuyển hóa acid uric bất thường, ngoài việc tăng acid uric dẫn đến lắng đọng tinh thể urat ở khớp gây ra bệnh gút, nó còn có thể dẫn đến tổn thương thận, là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh thận mãn tính. Đối với vấn đề này, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn chay có thể giảm 31% nguy cơ biến chứng thận do tăng acid uric máu, kết quả nghiên cứu hiện đã được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế “Nutrients”.
Ảnh: internet
Chế độ ăn chay có thể ngăn ngừa bệnh thận mãn tính
Tiến sĩ Quách Khắc Lâm, Giám đốc Trung tâm Thận nhân tạo Bệnh viện Từ Tế Đài Bắc, đồng thời là người dẫn đầu dự án, chỉ ra rằng chế độ ăn uống là một yếu tố rất quan trọng, nhưng trong quá khứ, các nghiên cứu về nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính do tăng acid uric máu chỉ tập trung vào giảm purin trong thức ăn, chứ không giới hạn ở chế độ ăn chay.
Hàm lượng purin trong chế độ ăn thịt cao hơn so với thực vật, do đó, dựa trên luận điểm trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết chế độ ăn chay có thể là một trong những chiến lược phòng ngừa bệnh thận mãn tính cho những người bị tăng acid uric máu.
Ảnh internet
Nghiên cứu này được thực hiện đối với những người bị tăng acid uric máu đến khám sức khỏe tại Bệnh viện Từ Tế Đài Bắc từ ngày 5 tháng 9 năm 2005 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016. Trong số 3.618 người tham gia khảo sát về thói quen ăn uống, có 225 người ăn thuần chay, 509 người ăn chay có trứng và sữa và 2.884 người ăn tạp.
Sau khi loại trừ các yếu tố nhiễu (confounding factors) khác, mô hình nghiên cứu cho thấy những người bị tăng acid uric máu có thói quen ăn thuần chay thường có tỷ lệ mắc bệnh thận thấp hơn.
Tiến sĩ Quách Khắc Lâm giải thích rằng, kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng thận do tăng acid uric máu bao gồm: Chế độ ăn nhiều purin dẫn đến nồng độ acid uric cao, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, thói quen hút thuốc lá, bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Chế độ ăn thuần chay có thể giúp giảm thiểu hai yếu tố nguy cơ đầu tiên, từ đó giảm 31% nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính.
Ông cho biết, dựa trên kết quả nghiên cứu này, có thể thấy chế độ ăn chay mang lại lợi ích cho sức khỏe. Do vậy, ông khuyến cáo những người bị tăng acid uric máu nên tuân thủ chế độ ăn ít purin. Nếu có thể áp dụng chế độ ăn thuần chay làm chế độ ăn uống chính và kết hợp với vận động phù hợp, có thể phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính hiệu quả hơn.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door