Myanmar: Khoảng 1.900 Bảo Tháp Ở Bagan Cần Được Trùng Tu

Mưa lớn và lũ lụt trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại cho khoảng 1.900 bảo tháp tại Cố đô Bagan, nơi được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO. Bên cạnh đó, nhiều bảo tháp Phật giáo cổ kính hiện đang có nguy cơ sụp đổ.

Nguyên nhân xuống cấp của các bảo tháp 

Theo Thura Aung, cựu thư ký Hiệp hội Khảo cổ học Myanmar, công tác bảo tồn yếu kém trong nhiều năm qua dẫn đến tình trạng các bảo tháp ngày càng xuống cấp vài tháng gần đây, đặc biệt là đối với những ngôi bảo tháp lâu đời được xây dựng từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13.

Năm 1975, một trận động đất lớn tại Bagan đã gây thiệt hại nặng nề cho hơn một nửa số bảo tháp và ngôi chùa tại địa phương, trong đó phải kể đến Chùa Buphaya nổi tiếng, nó đã bị sập đổ và rơi xuống sông Irrawaddy.

Theo một người dân Bagan từng tham gia trùng tu bảo tháp chia sẻ, “Nếu sự sụp đổ là do tuổi tác, điều đó có thể hiểu được. Nhưng hiện nay, nhiều ngôi bảo tháp đang sụp đổ trước thời hạn, điều này là do phương pháp và quan trọng nhất là chất lượng của vật liệu được sử dụng.”

Công tác phục hồi và bảo tồn

Công tác phục hồi từng được tiến hành vào những năm 1990, khi chính quyền quân sự trước đây cai trị Myanmar. Tuy nhiên, công trình này đã bị các nhà sử học nghệ thuật và những những người làm công tác bảo tồn trên toàn thế giới chỉ trích vì sử dụng vật liệu hiện đại và hầu như không tuân thủ theo phong cách kiến ​​trúc ban đầu.

Một cư dân của Bagan cho rằng việc bảo trì bảo tháp đòi hỏi phải nung gạch đúng cách và đảm bảo tỷ lệ chính xác. Công nhân cũng phải bịt kín các dốc và bậc thềm bằng vật liệu chống thấm nước và dọn sạch hết cây dại mọc trên các ngôi chùa.

Những thách thức trong việc bảo tồn di tích

Ông Kyaw Myo Win, Giám đốc chi nhánh của Cục Khảo cổ tại Bagan cho biết: “Kể từ khi trở thành Di sản Thế giới, mọi công việc khôi phục di tích đều tuân thủ theo nguyên tắc truyền thống. Ngay cả việc sử dụng xi măng cũng bị cấm. Chúng tôi làm ra loại vữa nguyên bản bằng phương pháp truyền thống, bên cạnh đó chúng tôi còn sử dụng loại gạch có kích thước và màu sắc giống với bản gốc”. 

Nhưng theo ông Thura Aung, không có biện pháp thống nhất trong việc trùng tu các bảo tháp thay vào đó họ thường sử dụng các vật liệu hiện đại và có sẵn để sửa chữa.

Các nhà phê bình cũng chỉ ra ngày càng có nhiều dự án xây dựng trong thành phố cổ trong khi đó lại không có báo cáo về mức độ ảnh hưởng tới di sản. Điều này đã làm gián đoạn hệ thống tưới tiêu và thoát nước trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng phát triển.

Phật sự Tản Viên biên dịch

                                                       Nguồn tham khảo: Tin tức Quốc tế

 

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares