Vị liên hữu Lý Thủy Cẩm trưởng ban Kim Cang trong Liên Xã ở Đài Trung là một vị đệ tử Phật phát tâm Bồ Tát rất thành khẩn. Nhà của bà ở số 31 đường Nam Kinh trong nội thành, chẳng những làm cho cả gia đình theo Phật mà còn độ được cả nhà của mẹ mình. Nhà của mẹ bà ở trên núi làng Minh Tú trấn Sa Lộc. Vào ngày mồng 8 tháng 9, tám năm về trước, bắt đầu mời các vị hoằng pháp trong Liên Xã đến đó tuyên giảng chánh pháp, khuyên người niệm Phật. Trong nhà bà thờ phụng tượng Tây phương Tam Thánh, đặt tên là “Tín Nghĩa Đường”, lại còn lấy ngày mồng 8 tháng 9 hằng năm làm ngày lễ kỷ niệm định kỳ. Những tín đồ ở gần đấy, mỗi lần đến ngày đó đều sắm sửa hương hoa quả phẩm đến Tín Nghĩa Đường lễ Phật, nghe pháp. Ngày mồng 8 tháng 9 năm Dân Quốc thứ 52, học nhơn (lời khiêm xưng của tác giả sách này: Khán Trị) được mời đến đó giảng Phật Pháp kết duyên. Hôm đó có một bà lão cùng một người nam trong tay bưng một khung kiếng đi đến Tín Nghĩa Đường, trên mặt hai người lộ nét rất vui vẻ, ở trước Phật, năm vóc sát đất, rất là cung kính dập đầu ba lạy, tôi nhìn thấy không khỏi hiếu kỳ liền đến hỏi bà lão: “Các vị tin Phật lễ bái thành khẩn như thế, không biết là nhân duyên gì?”. Lúc đó bà lão lập tức trả lời rằng: “Tôi đến để đáp tạ Phật, Bồ Tát đã phò hộ”. Tôi tìm cho bà ta một chỗ ngồi, thế là bà từ từ nói ra một đoạn nhân duyên tin Phật như sau:
“Vào trung tuần tháng rồi, có một đêm tôi nằm mộng thấy răng của tôi toàn bộ rụng hết. Trời sáng thức dậy suy nghĩ đây là một điềm báo trước không tốt lành, tôi liền đem việc chiêm bao không tốt lành này nói với em dâu Cẩm Tỉ, cô ta dạy tôi quỳ trước Phật, nhứt tâm niệm Phật, khẩn cầu Phật Tổ phò hộ cho cả nhà bình an, gặp dữ hóa lành, nạn lớn biến thành nhỏ, nạn nhỏ biến thành không”. Bà lão nói một mạch đoạn nguyên nhân trước này, dừng lại một chút lại nói tiếp: “Tôi có đứa con lớn tên là Thành, làm công nhân đốt than trong vùng núi sâu ở miền Trung. Sáng hôm đó nó đang công tác nổi lửa đốt củi, thì bên tai bỗng nghe có người gọi: “Thành à! Về nào!”. Nó quay nhìn xung quanh, hoàn toàn không thấy ai, tại sao lại có tiếng kêu? Lại chạy ra bên ngoài nhìn xem cũng chẳng thấy người nào gọi nó, nhưng khi nó đi lại vào trong nhà, thì bên tai lại nghe tiếng gọi: “Thành à! Về nào!”. Lúc đó anh Thành cảm thấy rất kinh ngạc, liền nghĩ đến bà mẹ già hơn bảy mươi tuổi ở nhà, có phải đã xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn rồi không? Lập tức đến ông chủ xin nghỉ phép, kiên quyết sửa soạn hành trang về nhà thăm. Khi anh Thành vai mang quần áo, mền bông rời khỏi nơi đốt than khoảng hơn một trăm bước, thì bỗng nhiên nghe “bình” một tiếng thật to, quay đầu nhìn lại xem thử, thì chính là cái gian nhà của anh ta ở đốt than vừa bị sập xuống, anh Thành lúc đó thở phào ra một hơi, mừng rỡ đã thoát khỏi tai nạn bị đè chết, trong lòng rất là an ủi, sau đó anh vẫn cứ vai mang hành lý lên đường về nhà.
Suốt đường đi toàn là đường núi, anh Thành vượt qua mấy ngọn núi rồi, còn phải đi qua một cái khe núi lớn, cái khe núi này không có cầu, mà phải dùng một loại dây thừng to, cái giỏ tre để làm dụng cụ qua lại hai bờ, người ngồi trong cái giỏ tre, trên hai bờ đều có người kéo dây thừng qua lại cho khách, anh Thành cần qua khe núi này cũng không ngoại lệ, ngồi trong giỏ tre, mền bông và các thứ đồ… đều để kế bên, đang lúc được kéo đến giữa khe thì bỗng nhiên dây thừng bị đứt, cả người và hành lý đều bị rớt xuống khe và bị nước cuốn đi, do vì khe sâu mấy trượng, nên nước trong khe chảy rất mạnh, người ở hai bên bờ đều đành bó tay, không có cách gì, chỉ có kêu lên “tội nghiệp” mà thôi! Anh Thành rơi vào trong khe cũng tự lượng không sống được, nhưng bị nước cuốn đi một đoạn, kỳ tích lại phát sanh: anh ta đang quẫy đạp trong nước, mạng sống như ngàn cân treo sợi tóc, bỗng ở trong khe phát hiện một đám cỏ nước, tay mặt tức thời nắm đám cỏ nước đó, chuyển mình một cái liền đứng lại trong nước, sau đó bò dần lên trên bờ, đương nhiên là những hành lý… đã bị nước cuốn trôi mất, đơn độc một thân, rốt cuộc được bình an vô sự về đến nhà”. Trên đây là câu chuyện thật, không thể nghĩ bàn như thế, do bà lão đó kể lại, nhờ mẹ già nhứt tâm niệm Phật mà cảm ứng được người con tiêu tai thoát nạn nguy hiểm hai lần.
Tác giả: Lâm Khán Trị
Người dịch: Thích Hoằng Chí
Nguồn tham khảo: https://www.chuabuuchau.com.vn/chuong/4-me-gia-niem-phat-con-duoc-tai-qua-nan-khoi_58497.html