Liên đoàn Phật giáo Quốc tế tổ chức hội nghị hành hương Phật giáo tại New Delhi

Vào ngày 1/8, Liên đoàn Phật giáo Quốc tế, dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Ấn Độ, đã tổ chức Hội nghị về “Tầm quan trọng của Hành hương Phật giáo”. Mục đích của hội nghị này là để tìm hiểu về các khía cạnh khác nhau của du lịch hành hương mà giới trẻ đang quan tâm. Hội nghị được tổ chức tại New Delhi, với sự tham gia của hơn 70 học giả trẻ đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Hội nghị lần này có sự tham gia của Cố vấn Bộ trưởng thuộc Cao ủy Sri Lanka, ông Sarath Godakanda; Cố vấn trưởng của Đại sứ quán Myanmar, ông Tin Tin Htwe Win; và đại diện của Đại sứ quán Lào, ông Keo Sengdavong; chủ tịch Tổ chức Tín thác Di sản và Phát triển Nông thôn Ấn Độ, ông SK Mishra; cùng nhiều học giả có uy tín đến từ các đại học của Ấn Độ và các quốc gia khác.

Liên đoàn Phật giáo Quốc tế tổ chức hội nghị hành hương Phật giáo tại New Delhi

Các nhà lãnh đạo, các học giả cùng tham dự hội nghị

Hội nghị mang đến một môi trường cởi mở và thân thiện cho các nhà nghiên cứu trẻ chia sẻ các hoạt động của họ, giúp họ gắn kết với nhau và đóng góp cho lĩnh vực học thuật của Phật giáo.

Các tổ chức học thuật và chính phủ Ấn Độ trong những năm gần đây đã tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy hành hương Phật giáo, đặc biệt là 8 địa điểm hành hương chính của Phật giáo. Nhóm 4 địa điểm đầu tiên chính là tứ động tâm, gồm có: Lumbini, nơi đản sinh của thái tử Tất đạt đa; Bodh Gaya, nơi Đức Phật thành đạo; Sarnath, nơi Ngài giảng bài pháp đầu tiên; và Kushinagar, nơi Đức Phật nhập niết bàn. Nhóm 4 địa điểm chính thứ hai gồm có: Rajgir, gắn liền với núi Linh Thứu; Vaishali, nơi thường trú lâu dài của Đức Phật trong quá trình hoằng hóa độ sanh; Shravasti, là thành Xá-vệ năm xưa; và Sankassa, nơi Đức Phật đã trở về sau khi thuyết giảng Vi Diệu Pháp trên cung trời Đao Lợi. Trong các địa điểm này, chỉ có Lumbini là ở Nepal, các địa điểm còn lại đều ở Ấn Độ.

Liên đoàn Phật giáo Quốc tế tổ chức hội nghị hành hương Phật giáo tại New Delhi

Khung cảnh hội nghị “Tầm quan trọng của Hành hương Phật giáo”

Một học giả đến tham dự hội nghị chia sẻ rằng: “Hành hương đến các thánh tích Phật giáo vừa có ý nghĩa về thể chất, vừa có ý nghĩa về tinh thần. Ở khía cạnh tinh thần, hành hương là một hành động thể hiện lòng sùng mộ và niềm tin của người con Phật. Bằng cách viếng thăm những thánh tích Phật giáo và chiêm bái các thánh tích với lòng nhiệt thành và thể hiện sự tôn kính của mình đối với Đức Phật, khách hành hương có thể thanh lọc tư tưởng, lời nói và hành động của mình”.

Liên đoàn Phật giáo Quốc tế tổ chức hội nghị hành hương Phật giáo tại New Delhi

Các đại biểu tham dự hội nghị cùng chụp hình lưu niệm

Trong bài tham luận của mình, học giả Jigmet Olden, đến từ Đại học Delhi, đã nhận định: “Hành hương là một phần thiết yếu của Phật giáo, vì nó tạo cơ hội cho các Phật tử càng tin tưởng sâu sắc vào con đường tâm linh của mình, và cũng là dịp để họ thực hành chánh niệm và thực tập tâm từ bi. Và đấy cũng là cách để chuyển hóa các nghiệp bất thiện, đạt được công đức và năng lượng tâm linh tích cực trên hành trình tu tập của bản thân. Thông qua việc hành hương đến các thánh tích Phật giáo, người Phật tử có hấp thụ năng lượng tâm linh tại nơi thánh tích để quá trình tu tập được thuận lợi hơn”.

Tổng giám đốc Liên đoàn Phật giáo Quốc tế, ông Abhijit Halder nhận định, hội nghị lần này cho thấy nhiều động lực và sự nhiệt tình của các học giả, các nhà lãnh đạo, đặc biệt là các học giả trẻ đối với lĩnh vực học thuật của Phật giáo. Do vậy, Liên đoàn Phật giáo Quốc tế sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị về nhiều chủ đề tương tự, thu hút sự tham gia của các học giả trẻ trong thời gian tới.

Minh Nguyên biên dịch

Nguồn: theprint.in

 

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares