Lễ hội Vu Lan tại đất nước Campuchia

Lễ Vu Lan là một lễ hội truyền thống có tính quốc tế của Phật giáo. Nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức lễ hội Vu Lan vào những thời điểm khác nhau và có tên gọi khác nhau.

Tại Campuchia, lễ Vu Lan được gọi là lễ Pchum Ben trong tiếng Khmer. Từ Pchum Ben có nghĩa là “Ngày của tổ tiên” hay “Ngày lễ chăm sóc người quá cố”, là một trong những ngày lễ Phật giáo quan trọng nhất ở Campuchia.

Lễ hội Pchum Ben tại Campuchia thường kéo dài 15 ngày, từ mùng 1 đến ngày 15 tháng Mười trong lịch của người Khmer, dịp này thường rơi vào cuối mùa an cư của chư Tăng nước này.

Đây là thời điểm người dân Campuchia bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn của mình đến cha mẹ nhiều đời, tổ tiên nhiều kiếp thông qua việc dâng cúng vật thực đến tổ tiên, ông bà. Cùng với đó, người dân Campuchia còn sắm lễ phẩm, vật thực mang đến các chùa để cúng dàng Tam bảo, cúng dàng chư Tăng, và làm các việc phúc thiện để hồi hướng phúc đức ấy cho người thân đã quá vãng, cầu nguyện cho họ nương nhờ vào phúc đức ấy mà được siêu sinh về các cảnh giới an lành.

Người dân Campuchia đến chùa cúng dàng Tam bảo trong dịp lễ Pchum Ben

Trong 14 ngày đầu của Lễ hội Pchum Ben, các gia đình thay phiên nhau dâng cúng thức ăn đến chư Tăng tại ngôi chùa ở địa phương để cầu nguyện cho vong linh của tổ tiên họ thoát khỏi các nghiệp xấu ác. Ngoài ra, họ dùng một nắm xôi có kèm theo vừng và nước dừa để cúng cho các vong linh vào lúc sáng sớm, vì họ tin rằng các vong linh mang tội nghiệp nặng nề thì không thể nhận thức ăn vào ban ngày.

Đến ngày thứ 15, ngày chính thức của mùa lễ hội, mọi người đều mặc trang phục truyền thống của người Khmer, và tập trung đến chùa để cúng dàng bánh nếp, thức ăn, y áo và thuốc men đến chư Tăng. Đây cũng là ngày Tự tứ của chư Tăng sau ba tháng an cư. Họ tin rằng, với việc hồi hướng những phúc đức cúng dàng thù thắng này, các vong linh tổ tiên, ông bà, cha mẹ của họ sẽ sớm được siêu thoát và tái sinh về các cõi lành.

Món ăn đặc trưng của ngày lễ này là món bánh “Bay Ben”, được làm từ bột gạo nếp nấu với nước cốt dừa, vo tròn thành từng cục nho nhỏ. Đây là món vật thực chính mà người dân mang đến chùa để dâng lên chư Tăng, cúng dàng Tam bảo.

Trong đêm cuối cùng của mùa lễ hội Pchum Ben, người dân tập trung về các chùa để tham dự lễ cầu nguyện dưới sự dẫn dắt của chư Tăng. Mọi người cùng tụng kinh và cầu nguyện cho linh hồn của tổ tiên, ông bà được siêu thoát. Trong quá trình diễn ra buổi lễ cầu nguyện, người dân dâng cúng vật thực, đốt nến, dâng hương cúng dàng tổ tiên, ông bà. Họ đặt vật thực (chủ yếu là báng Bay Ben), đèn, nến trên mặt đất để cúng.

Người dân Campuchia tham dự lễ cầu nguyện trong đêm cuối cùng của lễ Pchum Ben

Ngoài ra, tại một số chùa, hoặc một số nhà dân, người ta còn đặt một cái bàn ở ngoài cửa, và đặt các lễ phẩm, thức ăn lên đó để cúng cho những cô hồn không nơi nương tựa, không còn người thân nào cúng dàng, cầu nguyện cho họ.

Lễ hội Pchum Ben là dịp để tưởng nhớ người thân và các thành viên trong cộng đồng đã quá vãng. Đồng thời, đây cũng là dịp người dân tụ họp bên nhau, xây dựng và củng cố tinh thần gắn kết cộng đồng và tôn trọng lẫn nhau, là thời điểm mà tất cả mọi người đều có thể tham gia vào các hoạt động tâm linh, tôn giáo, và thậm chí là cả những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính cộng đồng.

Minh Nguyên biên dịch

Nguồn: Nationaltoday.com

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares