Hòa thượng Surei Sasai Nỗ Lực Phục Hưng Phật Giáo Ở Ấn Độ

Hòa thượng Surei Sasai, người Nhật Bản, đã dành cả đời trong công cuộc nỗ lực khôi phục Phật giáo và đấu tranh chống bất công xã hội tại Ấn Độ. 

Một trong những người tiên phong khôi phục Phật giáo tại Ấn Độ

Hòa thượng Surei Sasai, tu sĩ 89 tuổi người Nhật Bản, là một trong những nhân vật đi đầu trong việc nỗ lực khôi phục Phật giáo tại Ấn Độ. Hòa thượng tập trung vào việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử dựa trên giai cấp xã hội, điều đã từng khiến nhiều cộng đồng chịu thiệt thòi trong lịch sử. Tháng trước, tại thành phố Nagpur thuộc miền Trung Ấn Độ, ngài đã tổ chức một lễ chuyển đạo quy mô lớn thu hút khoảng 15.000 người tham gia, và 15 tu sĩ Nhật Bản bày tỏ nguyện vọng xuất gia.

Ảnh 1: Nguồn The Japan Times

Hành trình chuyển đạo và sứ mệnh đấu tranh vì công bằng xã hội 

Buổi lễ diễn ra từ ngày 10 đến 12 tháng 10 nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ tín chúng. Phát biểu tại sự kiện, Hòa thượng khẳng định: “Tôi không làm vì phúc báo, không làm để cầu sinh về cõi lành. Tôi làm vì nhiệm vụ của tôi là dẫn dắt mọi người đến với giáo lý của Đức Phật”. (The Japan Times)

Hơn sáu thập kỷ qua, Hòa thượng đã cống hiến hết mình để giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội ở Ấn Độ, đặc biệt là nạn phân biệt giai cấp tại đây. Sau khi chuyển đến Ấn Độ sinh sống, Hòa thượng đã tận mắt chứng kiến sự áp bức mà cộng đồng Dalit phải gánh chịu, bao gồm cả những hạn chế ngăn cản họ tiếp cận các nguồn tài nguyên chung như giếng nước. Những trải nghiệm này thúc đẩy Hòa thượng đấu tranh không ngừng nghỉ cho bình đẳng và cải cách xã hội.

Ảnh 2: Nguồn The Japan Times

Đóng góp nổi bật trong xã hội và chính trị

Sau khi nhập quốc tịch Ấn Độ, Hòa thượng tham gia tích cực vào các chính sách của chính phủ nhằm hỗ trợ cộng đồng thiểu số. Năm 2003, Hòa thượng trở thành thành viên của một ủy ban chính phủ chuyên về quyền lợi các nhóm thiểu số, đồng thời ngài còn làm việc không biết mệt mỏi để giành lại các chùa Phật giáo nằm dưới sự quản lý của đạo Hindu. Những nỗ lực này nằm trong kế hoạch lớn hơn, nhằm phục hưng các thánh địa Phật giáo và củng cố bình đẳng tôn giáo.

Thách thức và tranh cãi trong công cuộc phục hưng Phật giáo

Mặc dù Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng theo thống kê từ cuộc điều tra dân số quốc gia năm 2011, chỉ 0,7% dân số Ấn Độ (khoảng 8,4 triệu người) tự nhận mình là Phật tử. Tuy nhiên, Hòa thượng ước tính con số thực tế có thể lên tới 150 triệu người, bởi nhiều người ngần ngại khi công khai bản thân là Phật tử do sợ mất đi các phúc lợi xã hội.

Nạn phân biệt giai cấp vẫn là một vấn đề dai dẳng ở Ấn Độ, kể cả trong bối cảnh chính phủ đã ban hành lệnh cấm trong hiến pháp và kinh tế quốc gia đang ngày càng tăng trưởng. 

Phật giáo và hy vọng đổi thay xã hội

Phật giáo tại Ấn Độ đang dần hồi sinh nhờ các nhà lãnh đạo như Hòa thượng Surei Sasai, những người kiên trì đấu tranh cho công lý và bình đẳng xã hội. Mục tiêu hoằng dương Phật pháp của Hòa thượng Surei Sasai không chỉ nhằm tăng số lượng người chuyển sang Phật giáo mà còn tìm cách thách thức và xóa bỏ hệ thống giai cấp vốn bám rễ sâu trong xã hội Ấn Độ.

Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn tham khảo: Buddhist Door

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares