Vừa qua, Hiệp hội Phật tử trẻ Indonesia và Hiệp hội Phật tử trẻ Malaysia đã tổ chức một cuộc hội đàm trực tuyến để thảo luận về việc truyền bá Phật pháp thông qua các phương tiện truyền thông truyền thống và các nền tảng truyền thông hiện đại.
Trong phiên họp, các thành viên của Hiệp hội Phật tử trẻ Indonesia đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về việc ứng phó với các nội dung trực tuyến độc hại và giải quyết những lo ngại liên quan đến ý nghĩ tự làm hại bản thân.
Hai nhà báo Phật giáo cao cấp đến từ Malaysia cùng với hai nhà sáng tạo nội dung Phật giáo đến từ Indonesia đã phát biểu, chia sẻ trực tuyến trong cuộc hội đàm. Họ đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc phổ biến giáo lý Phật đà thông qua các kênh truyền thông khác nhau mà họ tham gia.
Biên tập viên của Tạp chí Eastern Horizon , ông Benny Liow, đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc về ấn phẩm phi học thuật Eastern Horizon của Hiệp hội Phật tử trẻ Malaysia. Với chủ trương tập trung nhấn mạnh vào việc thực hành giáo pháp trong cuộc sống hàng ngày, Tạp chí Eastern Horizon đã và đang đối mặt với một số thách thức, như là phải tìm cách tăng hứng thú đọc báo của bạn đọc và tìm cách trình bày nội dung phù hợp, hấp dẫn với nhiều nhóm tuổi khác nhau. Ông Liow cho biết: “Tuy nhiên, triển vọng cho ấn phẩm này đang tăng lên, nhờ sự trợ giúp của công nghệ và sự góp mặt của các định dạng kỹ thuật số (tạp chí điện tử) mà tạp chí có thể tiếp cận lượng độc giả rộng hơn, với quy mô toàn cầu”.
Ông Dato Keoh Lean Cheaw, chủ tịch của Pu Ai Komuniti và là biên tập viên của Tạp chí Buddha Digest và Tạp chí Yu Hu, một tạp chí dành cho trẻ em, giải thích rằng: “Tạp chí Buddha Digest đã được lưu hành từ năm 1972. Mục đích chính của Buddha Digest là để truyền bá Phật pháp thông qua các bài báo Phật giáo từ nhiều quốc gia khác nhau – đặc biệt là Trung Quốc và Đài Loan. Để phù hợp với thời đại, Buddha Digest không chỉ có ấn phẩm in mà còn phải có phiên bản kỹ thuật số, với thiết kế hấp dẫn và chất lượng cao để thu hút giới trẻ”.
Hiệp hội Phật tử trẻ Indonesia và Hiệp hội Phật tử trẻ Malaysia cùng tham gia cuộc hội đàm trực tuyến
Cùng với đó, Sư Samanera Abhisarano, Giáo thọ sư của chương trình nghiên cứu Phật học STAB Kertarajasa, cho biết: “Tổ chức của thầy có hai dự án truyền bá giáo lý Phật giáo, đó là kênh YouTube Kertajasa Podcast và kênh GoMindful ID. Mục đích của kênh Kertajasa Podcast là mang Phật pháp đến với cộng đồng rộng lớn, tập trung vào việc áp dụng các nguyên tắc Phật giáo vào cuộc sống hàng ngày. Còn kênh GoMindful ID thì tập trung nhiều hơn vào thiền định”.
Sư Samanera Abhisarano cũng đã chia sẻ về các mẹo trong cách ứng phó với hoạt động internet độc hại. Sư lưu ý mọi người về những bình luận và cách tương tác trên các kênh truyền thông. Thông qua những tương tác, những bình luận và trả lời bình luận trên các kênh truyền thông mà người quản lý có thể đưa ra những lời giải thích toàn diện hơn về những chủ đề mà một số người xem có thể chưa hiểu rõ.
Chủ tịch Ủy ban Xuất bản của Hiệp hội Phật tử trẻ Indonesia, cô Jessclyn Tjandra, cho biết: “Các thành viên trong Hiệp hội Phật tử trẻ Indonesia đều đánh giá cao mạng xã hội và việc chia sẻ Phật pháp thông qua mạng xã hội. Do đó, Hiệp hội Phật tử Trẻ Indonesia sẵn sàng đón nhận những quan điểm khác nhau, đồng thời sẵn sàng cộng tác với bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu. Hiệp hội Phật tử Trẻ Indonesia không chỉ tạo nền tảng để tải lên và chia sẻ nội dung, mà còn là nơi để tất cả mọi người chia sẻ và tìm kiếm lời khuyên”.
Cô Jessclyn Tjandra kết luận rằng: “Dù thế nào đi nữa thì các phương tiện truyền thông dưới dạng ấn phẩm in ấn, và phương tiện truyền thông kỹ thuật số sẽ tiếp tục cộng tác với nhau, tiếp tục song hành trong việc truyền bá Phật giáo và truyền bá lòng từ bi”.
Bằng sự hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa 2 Hiệp hội Phật tử trẻ của 2 quốc gia, Malaysia và Indonesia, hy vọng rằng, việc truyền bá Phật giáo của Hiệp hội Phật tử trẻ Malaysia và Hiệp hội Phật tử trẻ Indonesia sẽ ngày càng hiệu quả và càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door