Theo thông tin từ trang thông tin của Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong tuần qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến thăm Trường Choglamsar ở Leh, Ladakh, Ấn Độ. Trường Choglamsar là một ngôi trường dành cho trẻ em người Tây Tạng ở khu vực Ladakh.
Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đến trường, các học sinh, thầy cô giáo và cộng đồng người dân Tây Tạng ở đấy đã long trọng đón tiếp Ngài theo nghi thức truyền thống của người dân Tây Tạng. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị nhiều tiết mục văn nghệ truyền thống của người Tây Tạng để chào đón sự quang lâm của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Đức Đạt Lai Lạt Ma được đón tiếp theo truyền thống Tây Tạng
Đại diện chính quyền và người dân ở Ladakh, ông Dhondup Tashi, lãnh đạo cấp cao của cộng đồng người Tây Tạng, đã phát biểu chào mừng và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài đã không quản ngại đường xa, tuổi cao, sức yếu để đến thăm người dân ở Ladakh.
Trong chuyến viếng thăm lần này, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chia sẻ bài pháp thoại ngắn dành cho toàn thể hội chúng hơn 5.000 người tại trường Choglamsar. Trong bài pháp thoại, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng: “Người Tây Tạng có sự gắn kết đặc biệt với Đức Quán Thế Âm, đấng Đại Từ Bi. Kể từ thời vua Songtsen Gampo, chúng ta đã có ngôn ngữ viết của riêng mình. Sau đó, dưới triều đại của Trisong Detsen, vị Viện trưởng vĩ đại và là học giả hàng đầu của Nalanda, Shantarakshita được mời đến Xứ Tuyết. Ngài ấy đã khuyên rằng, chúng ta có ngôn ngữ riêng, cho nên chúng ta nên dịch văn học Phật giáo Ấn Độ từ tiếng Phạn và tiếng Pali sang tiếng Tây Tạng. Bộ sưu tập các bản dịch kinh điển của Phật giáo và các luận thuyết của các bậc thầy trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng đã được chúng ta giữ gìn cẩn thận và hiện trở thành tài sản vô giá của chúng ta”.
Ông Dhondup Tashi phát biểu chào mừng sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Và Ngài nói thêm rằng: “Truyền thống Phật giáo Tây Tạng chú trọng vào logic và lý trí. Điều này trở thành một nét đặc sắc, hấp dẫn đối với các nhà khoa học hiện đại. Chúng ta đã lưu giữ truyền thống của mình tồn tại hơn một nghìn năm, nhưng chúng ta không giữ những gì chúng ta có cho riêng mình. Chúng ta rất vui khi chia sẻ với những người khác”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ pháp thoại đến toàn thể hội chúng tại trường Choglamsar
Kết thúc bài pháp thoại của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chia sẻ lời phát nguyện rằng:
Bất cứ nơi nào Phật pháp chưa được truyền bá
Và bất cứ nơi nào Phật pháp đã truyền bá nhưng đã suy tàn
Xin nguyện, với lòng đại bi, con sẽ làm sáng tỏ rõ ràng
Kho tàng lợi ích và hạnh phúc tuyệt vời ấy đến với tất cả chúng sinh.
Và Ngài cũng không quên khuyến khích các em học sinh cố gắng học Tạng ngữ, vì nó là một trong phương tiện chính xác để giải thích các tư tưởng triết học Phật giáo.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: dalailama.com