DANH LAM THÁNH TÍCH KÌ 31: ANGKOR WAT – VIÊN NGỌC QUÝ CỦA ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP

Đền thiêng Angkor Wat được xem là một trong 07 kỳ quan của thế giới được ghi nhận như một kiệt tác kiến trúc của mọi thời đại và là di tích Tôn giáo lớn nhất thế giới. Nơi đây còn lưu lại dấu vết cổ đại với nhiều hình ảnh nghệ thuật chạm khắc đá như các tấm phù điêu khổng lồ, các cột, cửa, trần, tường, hành lang,… tất cả toát lên sức mạnh phi thường và bàn tay điêu luyện của người Khmer xưa.

Trong chương trình “Danh Lam Thánh Tích” kỳ này, kính mời quý vị cùng tìm hiểu về ngôi đền thiêng Angkor Wat – Một viên ngọc quý của đất nước chùa Tháp. 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH:

Vào đầu thế kỷ XII công trình Ngôi đền thiêng Angkor được xây dựng làm đền thờ Ấn Độ giáo của Đế quốc Khmer, được Vua Khmer Suryavarman II khởi công tại Yashodhara-pura (tức là Angkor ngày nay), Thủ đô của Đế quốc Khmer và nó được xem như là đền thờ, cũng như lăng mộ của ông. 

Sau này, vào cuối thế kỷ XII, dần chuyển thành đền thờ Phật giáo. Khác với truyền thống theo Giáo phái Shaiva (thờ thần Shiva) của các vị vua tiền nhiệm, Angkor Wat thờ thần Vishnu. Được bảo tồn tốt nhất trong khu vực, Angkor Wat là ngôi đền duy nhất vẫn giữ được vị trí trung tâm tôn giáo.

CƠ CẤU KIẾN TRÚC:

Quần thể kiến trúc Angkor Wat nằm trên một diện tích hơn 162,6 hecta. Quần thể bao gồm có 72 ngôi đền lớn và một số ngôi đền nhỏ thể hiện nhiều giai đoạn lịch sử của triều đại Khmer từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 15. Mặc cho rêu phong nhuộm phủ lấy ngôi đền, Angkor Wat vẫn tự hào hiện hữu khi khoác trên mình lớp áo lộng lẫy của thời gian. Toàn cảnh ngôi đền in bóng xuống mặt nước hồ, lại càng tăng thêm bội phần vẻ đẹp huy hoàng cổ kính đầy tráng lệ. Một thế giới huyền thoại như được mở ra, cội nguồn của sức mạnh, quyền lực và tín ngưỡng tâm linh. 

Angkor Wat là sự kết hợp của hai nét cơ bản của kiến trúc Khmer: Kiến trúc Đền – Núi, được hình thành cùng với những dãy hành lang dài và nhỏ hẹp. Có một điều thú vị đã khiến những du khách hết sức ngạc nhiên khi đến Angkor Wat, đó là khi nhìn từ xa theo hướng trực diện, thường chúng ta chỉ sẽ thấy được ba ngọn tháp, nhưng thực tế ngôi đền có đến 5 ngọn tháp! Đến khi bước vào bên trong đền, chúng ta mới có thể thấy rõ đủ số ngọn tháp ấy. Trong đó, tháp chính lớn nhất cao 65m, 4 tháp phụ còn lại cao 40m. 

Tổng chu vi đền là 6km, tường đá cao 8m, bề dày tường lên đến 1m. Đường vào đền phải đi qua một chiến hào bảo vệ, như cầu nối thế giới bên ngoài với ngôi đền bằng một chiếc cầu làm bằng đá tảng dài 230m, bề mặt cầu rộng gần 10m, có chiều cao 5m so với mặt nước hồ trong xanh ở hai bên. 

Hào nước bao bọc khuôn viên đền Angkor Wat rộng 190m tạo nên một hình vuông diện tích 3,6 km. Nằm giữa một con hào và lớp tường bao dài là khu Chính điện ba tầng với kiến trúc hình chữ nhật, kết nối với nhau bởi những dãy hành lang sâu thẳm. Trung tâm của ngôi đền là tổ hợp 5 tháp với một tháp trung tâm và bốn tháp tại bốn góc hình vuông.

Bức tường bên ngoài có chiều dài 1,024m, chiều rộng 802m và chiều cao 4,5m, được bao quanh bởi một khu đất rộng 30m và một con hào rộng 190 m. Lối vào đền là một bờ đất ở phía Đông và một đường đắp bằng sa thạch ở phía Tây. Lối vào chính ở phía Tây được thêm vào sau, có thể nhằm thay thế cho một cây cầu gỗ. 

Tại mỗi hướng chính đều có một Gopura (kiến trúc cổng vào). Trong năm cánh cổng trước đền thì cổng giữa là cổng chính lớn nhất, cánh cổng này xưa kia là cánh cổng dành riêng cho Đức Vua, ngày nay khách du lịch được phép đi qua.

Angkor Wat là ví dụ điển hình của phong cách cổ điển của kiến trúc Khmer, còn được gọi là phong cách Angkor Wat. Cho đến thế kỷ thứ XII, các Kiến trúc sư Khmer đã trở nên thành thục và tự tin trong việc sử dụng Sa thạch làm vật liệu xây dựng chính. Hầu hết các khu vực kiến trúc có thể nhìn thấy là các khối sa thạch, trong khi đá ong đã được sử dụng cho các bức tường bao phía bên ngoài và các phần cấu trúc ẩn bên trong đền. Các vật liệu được sử dụng để kết nối vẫn chưa được xác định, mặc dù có giả thuyết khối kiến trúc được kết dính bằng các loại nhựa cây hoặc vôi tôi.

Về mặt kiến trúc, bao gồm các yếu tố đặc trưng: các tháp dạng oval giống như búp sen; hệ thống hành lang nhỏ để mở rộng lối đi; dãy phòng dọc trên các trục cấu trúc có tác dụng kết nối các khoảnh sân; đặc biệt là các bậc thang hình chữ thập xuất hiện dọc theo các trục chính của ngôi đền. 

Chính điện Angkor Wat là một kiến trúc ba tầng vững chãi xây dựng từ những tảng đá lớn xếp chồng tạo nên một kết cấu tổng thể vững chắc. Trên các mặt tường bao quanh đền, ở đâu cũng thấy chạm trổ hoa văn, phù điêu theo tích xưa truyện cổ mà các chuyên gia nói rằng chúng được xuất phát từ sử thi Ấn Độ Mahabharata và Rayamana. Những phù điêu được trang trí điển hình là Thiên thần (deva-ta) hoặc Vũ thần (apsara). Một số các chi tiết thiết kế đã bị phá hủy bởi nạn cướp bóc và sự bào mòn của thời gian, như là các lớp mạ vàng trên tháp, ở một số bức phù điêu, những tấm trần và các cửa ra vào bằng gỗ.

Các phân tầng bên trong đền Angkor Wat

Đền Angkor Wat có 398 gian phòng, nối liền nhau bởi 1.500m hành lang. Khu đền chính được xây dựng theo kiến trúc Kim Tự Tháp, với 5 tháp chính tượng trưng cho núi Sumeru của Ấn Độ. Cấu trúc tháp được chia làm 3 tầng và được phân cấp từ dưới lên trên với tên gọi: Địa ngục, Trần gian Thiên đàng. 

  • Tầng 1: Địa ngục

Có thể nói, Angkor Wat được xem là công trình được xây dựng vào nền cực thịnh của thời kỳ Angkor. Ở tầng 1 có rất nhiều bức tranh điêu khắc trên đá được xem là các bức tranh lớn nhất, dài nhất thế giới được điêu khắc hoàn toàn bằng tay. Với chiều cao 2,5m và chạy dài hơn 800m, nội dung bức tranh miêu tả những điển tích trong kinh điển Veda (Vệ-đà) của đạo Bà-la-môn, cùng với những chiến công của Vua Suryavarman II – người tạo dựng ngôi đền.

Những Nhà Khảo cổ đã chỉ ra rằng các vật liệu đá trong ngôi đền được gia công một cách hoàn hảo về thông số kỹ thuật, cũng như kích thước. Tất cả các tượng Thần, Phật, người,… đều được mài nhẵn các góc cạnh sống động như thật, và con người thời đó gần như không thể có được công cụ kỹ thuật làm được điều này chỉ với đục và búa. 

Mỗi viên đá dù lớn hay nhỏ trong ngôi đền đều được chạm khắc tinh xảo, bao phủ bởi những bức tranh phù điêu với tay nghề đỉnh cao mỹ thuật, một trình độ thẩm mỹ tuyệt vời. Phải mất hai giờ để đánh bóng một viên đá nặng chưa đến 100kg, và trọng lượng của viên đá đơn lớn nhất ở Angkor Wat đã vượt trọng lượng trên 10 tấn. 

Đối với một hòn đá như vậy, thời gian tạo hình chỉ với búa và đục, thực sự là không thể tính toán được. Trọng lượng của đá được sử dụng trong toàn bộ công trình Angkor Wat là rất nhiều. Những khối đá này được vận chuyển từ những nơi xa xôi, nó phải mất một quãng đường dài mới đến được địa điểm xây dựng. 

Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là toàn bộ Angkor Wat được xây dựng trên một đầm lầy mà không có bất kỳ cấu trúc móng nào. Trong sự tồn tại cùng với thời gian, Angkor Wat không hề bị sụt lún. Tại các cây cột ở tầng thứ nhất vẫn còn vết tích của những bức tranh điêu khắc còn dang dở, chứng tỏ rằng từ xa xưa ngôi đền vẫn không ngừng được hoàn thiện. 

Dù trên thực tế, nó đã bị lãng quên trong rừng rậm nhiều trăm năm cho đến ngày được phát hiện. Ở Tầng đầu tiên vẫn còn các hồ nước bằng đá dùng cho vua tắm rửa, hiện nay đã khô cạn nước và nhằm bảo vệ cho di tích.

  • Tầng 2: Trần gian

Tại các gian điện thờ các vị thần Vishnu giáo to lớn bằng đá đen. Trên các bức tường đá xuyên suốt ngôi đền có vô số những bức tranh Appsara đa dạng với nhiều kiểu dáng khác nhau. Ở điểm giao tiếp của hai hành lang là trung tâm đền Angkor Wat. Xưa kia trung tâm đền có tượng thần Vishnu bằng vàng, nhưng tượng đã bị đánh cắp. Thay vào đó, trung tâm của tầng hai có một bức tượng với hình dáng Phật Thích-Ca. Đây là địa điểm có nhiều tín đồ Phật tử đến đỉnh lễ cầu nguyện và nơi đây được thiết trí không gian thờ cúng rất trang nghiêm.  

Tương truyền, nơi đây là cấm địa của những lời nguyện, vì khi thành tâm cầu nguyện, thì lời nguyện sẽ được linh ứng. Những câu chuyện cầu nguyện hiệu nghiệm đã được truyền tai nhau ở ngôi đền này với những người đến đây cầu nguyện. 

Ở tầng 2, có một nơi rất thú vị, du khách thường đến đó đứng sát tường nắm chặt bàn tay và vỗ lên ngực nhẹ nhẹ thì lập tức có tiếng vang vọng như mình đang đánh trống. Điều thú vị này được tạo nên từ kết cấu đặc biệt của gian phòng trong ngôi đền, thế nhưng điều này cũng đã mang lại một trải nghiệm thích thú dành cho du khách.

  • Tầng 3: Thiên đàng

Đây chính là tầng cao nhất, với độ cao 65m, được xem là nơi cư ngụ của thần thánh. Các cầu thang đi lên các tháp trung tâm chia thành 4 mặt. Tầng thứ ba gồm hai hành lang chữ thập cắt nhau thẳng góc ở giữa. Các cầu thang đi lên dốc đứng gần như 45 độ, hẹp và vô cùng khó để leo lên. Kết cấu ở tầng 3 có 7 vòng tượng trưng cho bảy rặng núi thiêng bao quanh đỉnh núi Sumeru vươn lên giữa rừng già, mỗi tháp có hình dáng một đóa hoa sen đang nở. 

Đến ngày nay, Angkor Wat vẫn được người bản địa cho rằng các di tích Angkor được tạo ra không phải từ bàn tay của con người, mà là sự sáng tạo của các vị thần. Nó vẫn uy nghiêm sừng sững, tồn tại mặc sự xói mòn của thời gian và sự công phá chiến tranh. 

Sự hiện hữu của những quần thể di sản quý giá này luôn đặt cho nhân loại những câu hỏi khó giải đáp trọn vẹn. Nó đã khiến cho mọi thế hệ phải thổn thức kinh ngạc, nhưng đồng thời vẫn có niềm tin vào khả năng vô hạn của con người.

Hình ảnh “Angkor Wat” trên thế giới

Cho đến thế kỷ XVII, Angkor Wat vẫn chưa hoàn toàn bị bỏ hoang và có chức năng như một đền thờ Phật giáo. Mười bốn bản khắc chữ có niên đại từ thế kỷ thứ XVII được phát hiện ở khu vực Angkor, cho thấy những người Nhật Bản đi hành hương về đất Phật có thể đã thành lập các khu định cư nhỏ cùng với người dân địa phương Khmer. Thời điểm đó, các du khách Nhật Bản đã lầm tưởng ngôi đền là khu vườn Jetavana (Tinh xá Kỳ Viên) nổi tiếng của Đức Phật, nằm trong Vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) của Ấn Độ.

Angkor Wat có hệ thống thủy lợi rộng lớn cung cấp nước sinh hoạt và bổ sung nước ngầm cho nơi này. Angkor Wat tồn tại được trên vùng đất cát nhờ có nguồn nước ngầm ổn định tăng giảm theo mùa. 

Tuy nhiên, thực trạng các khách sạn quanh khu vực di tích này và người dân địa phương đang bơm hút nguồn nước ngầm để phục vụ nhu cầu kinh doanh và sinh hoạt đang đe dọa sự bền vững của nền móng Angkor Wat.

Ngôi đền Angkor được giới thiệu đến với thế giới tại Paris và Marseilles vào giữa những năm 1889 và 1937. Vẻ đẹp của Angkor Wat cũng xuất hiện trong bảo tàng thạch cao của Louis Delaporte với tên gọi Bảo tàng Đông Dương, hình ảnh quần thể Angkor Wat từng nằm trong Cung điện Trocadéro tại Paris từ năm 1880 cho đến giữa thập niên 1920. 

Từ năm 1992, Angkor Wat được cả thế giới công nhận là một trong bảy kỳ quan của thế giới và là địa danh có hệ thống kiến trúc khảo cổ ấn tượng của nhân loại. Sau lời kêu gọi giúp đỡ của Quốc vương Norodom Sihanouk, Angkor Wat được cho vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa. 

Cùng năm này, UNESCO công nhận nơi đây là Di sản Thế giới vì những giá trị trên các phương diện Văn hóa, Lịch sử, Kiến trúc và Nghệ thuật. Theo đó là lời kêu cứu đến cộng đồng quốc tế đối với tình trạng xuống cấp của công trình kỳ quan vĩ đại này.

  • TÓM KẾT: 

Ngôi đền Angkor được xem là một hạng mục đỉnh cao của phong cách kiến trúc Khmer cổ. Hình ảnh của Angkor Wat đã trở thành biểu tượng của đất nước Chùa Tháp, vinh dự được đại diện trên quốc kỳ Campuchia từ năm 1950. Bởi thế, quần thể đền đài Angkor Wat là niềm tự hào của tất cả người dân trong Vương Quốc Campuchia. Là điểm thu hút nhiều khách du lịch hàng đầu, nơi đây đã thu hút hàng triệu bước chân hàng năm của du khách khi đến tham quan Thánh tích của nền Vương quốc Cổ đại. Và đây cũng là lựa chọn hàng đầu cho du khách mỗi khi đến đất nước này, mỗi năm nơi đây thu hút số lượng lớn du khách đến tham quan thánh tích của Vương quốc Khmer xưa.

Chỉ có thể đến, chiêm ngưỡng tận mắt và chạm tận tay vào những đường nét hoa văn trên từng phiến đá, lắng nghe những câu chuyện thú vị từ những Hướng dẫn viên bản địa và chư Tăng nơi đây mới càng cảm nhận được nguồn năng lượng tâm linh kỳ bí của một nền Thánh tích vĩ đại. Nếu ai chưa từng đến Campuchia, hãy nên đến đây một lần để cảm nhận sự giao thoa giữa những nền văn minh cổ đại và hiện đại thông qua những năng lượng tâm tinh kỳ diệu này.

KẾT THÚC:

Thưa quý vị, Đền Angkor Wat là một thành tựu kiến trúc huy hoàng, thể hiện một trình độ sâu sắc về mọi mặt, được xây dựng vào nền cực thịnh của Angkor và chính là viên ngọc quý nhất của đất nước Chùa Tháp – Campuchia. 

Mỗi lần viếng thăm Angkor Wat, du khách không khỏi xúc động và ấn tượng trước kỳ quan vĩ đại, huyền bí. Ngày nay, Angkor Wat được biết đến như là một trong những kỳ quan của loài người, di sản nhân tạo được UNESCO công nhận.

Chương trình “Danh Lam Thánh Tích” đến đây xin được phép khép lại. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong số phát sóng kì sau!

Phật Sự Tản Viên Tổng hợp

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares