Đại Sư Huệ Viễn: Sơ Tổ Của Tịnh Độ Tông

Ngài Huệ Viễn, hay còn gọi là Huệ Viễn Đại sư, là vị Sơ tổ của Tinh Độ tông. Đại sư sinh vào thời nhà Tấn. Thuở nhỏ Ngài đã thông thạo tứ thư, ngũ kinh và học thuyết Lão, Trang. Năm mười một tuổi, nhân nghe pháp sư Đạo An giảng kinh Bát Nhã, Ngài liễu ngộ mà phát tâm xuất gia, lấy việc hoằng pháp lợi sinh làm nghĩa vụ trọng yếu. Sau khi vào Lô Sơn, thấy phong cảnh đẹp đẽ, nhàn tịch, Ngài bèn kết cỏ tranh làm nhà, giảng kinh Niết Bàn.

Huệ Viễn Đại sư thần sắc nghiêm dung, tiếng nói êm dịu, khuôn mặt vuông vắn, cương nghị, ai trông thấy cũng kính sợ. Khi đồ chúng đến tu học với Ngài ngày càng đông, Ngài đã lập chùa Đông Lâm để tiếp Tăng độ chúng. Sư cho đào ao trồng sen, nên chốn ấy còn gọi là Liên xã. Lại tập hợp chúng, sáu thời niệm Phật cầu sanh Tây phương. Đây là sự khởi đầu cho việc hình thành Liên tông Tịnh Độ ở Trung Quốc. Vào cuối đời của Viễn Công, những người gia nhập Liên xã để tu Tịnh độ và được vãng sanh Cực Lạc rất nhiều. Từ đó, chùa Đông Lâm trở thành trung tâm Phật giáo phương Nam. Pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn tu hành khá dễ dàng, nhưng lại đạt được lợi ích lớn trong đời này và đời sau, được chư Phật và chư Bồ Tát ca ngợi và xiển dương:

“Gọi là Tịnh độ tu trì,

Nghĩa là thanh tịnh tội thì không sinh.

Ba tạng mười hai bộ kinh,

Kinh nào cũng nói phân minh pháp này”.

Trong quá trình tu trì pháp môn Tịnh độ, ngài Huệ Viễn đã nhiều lần thấy thánh tướng của cõi Tây phương Cực Lạc, nhưng lặng lẽ không nói cho ai biết. Mãi về sau này, vào một đêm cuối tháng Bảy, ngài trì niệm đến nhất tâm bất loạn. Khi vừa xuất định liền nhìn thấy đức Phật A Di Đà. Phật hiện thân giữa vầng hào quang tròn sáng bao trùm khắp cả hư không. Lại thấy có vô số các vị hóa Phật, mỗi vị đều có các Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hầu hai bên. Lại thấy các vị Phật Đà Da Xá, Tuệ Trì, Tuệ Vĩnh, Lưu Di Dân… đều đứng hầu bên Phật. Lúc đó mới biết họ đã vãng sinh từ trước. Đại sư trong lòng rất hoan hỷ, hôm sau nói với đồ chúng rằng: “Ta từ khi đến tu tập ở đất này, đã ba lần nhìn thấy thánh tướng. Hôm nay lại nhìn thấy, nhất định sẽ sinh về Tịnh độ”. Đúng bảy ngày sau, Đại sư an nhiên thị tịch trong tư thế tĩnh tọa. Hôm ấy là ngày mồng sáu tháng tám (ngày 6/8 ÂL), niên hiệu Nghĩa Hy năm thứ 12. Ngài trụ thế 83 năm, hơn 30 năm xiển dương và hoằng truyền pháp môn Tịnh Độ ở Lô Sơn. Ngài đã xã báo an tường và vãng sanh Tịnh Độ. Hiện này, tín đồ Phật tử ở Việt Nam cũng như ở các nước có theo Tịnh Độ tông, đều lấy ngày 6/8 ÂL hằng năm làm ngày tưởng niệm Đại sư Huệ Viễn.

Tuy xiển dương Pháp môn Tịnh Ðộ, những Huệ Viễn Đại sư vẫn lưu tâm đến các pháp môn khác. Ngài có lưu lại nhiều bài tựa về kinh luận và để lại nhiều tác phẩm rất giá trị cho đời sau, điển hình là:

  1. Đại Trí Luận Yếu Lược (20 quyển).
  2. Pháp Tánh Luận.
  3. Sa Môn Bất Kính Vương Giả Luận.
  4. Đại Thừa Nghĩa Chương (3 quyển).
  5. Thích Tam Bảo Luận.
  6. Minh Báo Ứng Luận.
  7. Sa Môn Đản Phục Luận.
  8. Biện Tâm Thức Luận.
  9. Phật Ảnh Tán.
  10. Du Lô Sơn Thi.
  11. Lô Sơn Lược Ký.
  12. Du Sơn Ký.

Do Huệ Viễn Đại Sư là người đầu tiên xiển dương pháp môn Tịnh độ hết sức sâu rộng tại Trung Hoa, nên hậu thế tôn xưng ngài là Sơ tổ Tịnh Độ tông.

Ngài Huệ Viễn là một bậc long tượng của Phật giáo, trí đức nghiêm thân, tu trì tinh mật như thế, nên ai cũng kính phục, chẳng phải là người phàm thường. Cho nên thật xứng đáng để hàng hậu học chúng ta kính lễ và noi theo tu học.

 

Minh Nguyên

Nguồn tham khảo: https://kinhnghiemhocphat.com/2021/03/hue-vien-dai-su-la-so-to-lien-tong.html 

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares