Vừa qua, Trường Y tế Cộng đồng TH Chan của Đại học Harvard đã ra mắt Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh về Sức khỏe Cộng đồng. Trung tâm được thành lập với khoản kinh phí 25 triệu đô la Mỹ của một nhà tài trợ ẩn danh. Buổi lễ ra mắt Trung tâm đã được long trọng tổ chức tại Đại học Harvard, với sự tham dự của các Tu sĩ Phật giáo, các học giả, cùng nhiều người khác. Buổi lễ cũng là dịp để tôn vinh cuộc đời và di sản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Khung cảnh lễ ra mắt Trung tâm
Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh vì Sức khỏe Cộng đồng lấy cảm hứng từ cố thiền sư Thích Nhất Hạnh, một nhà hoạt động vì hòa bình, một học giả, đồng thời cũng là người tiên phong truyền bá phương pháp Chánh niệm đến với cộng đồng phương Tây. Mục đích chính của việc thành lập Trung tâm là để góp phần cải thiện cuộc sống của mọi người thông qua việc nghiên cứu dựa trên chứng cứ rõ ràng về sự ăn, uống chánh niệm và các cách thức bảo vệ môi trường tốt hơn.
Theo thông tin trên trang web của Trung tâm, sứ mệnh của Trung tâm là giúp cho “mọi người trên toàn thế giới sống có mục đích, bình tĩnh và an vui thông qua việc thực hành chánh niệm”.
Giáo sư Michelle Williams, Trưởng khoa Nghiên cứu và Thực hành Chánh niệm của Trường Y tế Cộng đồng TH Chan cho biết: “Chúng tôi rất hạnh phúc khi được vận hành trung tâm đột phá này tại nhà trường. Về sức khỏe cộng đồng, chúng tôi làm việc ở quy mô lớn, chúng tôi nhắm đến việc tiếp cận và nâng cao tinh thần cho toàn bộ cộng đồng. Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh vì Sức khỏe Cộng đồng sẽ hoạt động trên tinh thần đó”.
Giáo sư Lilian Cheung, Lãnh đạo Chương trình Nghiên cứu và Thực hành Chánh niệm tại Khoa Dinh dưỡng, Đại học Harvard, hy vọng rằng, trung tâm sẽ giúp mọi người trên khắp thế giới khám phá ra những lợi ích của việc thực hành Chánh niệm. “Nhiều năm qua, tôi đã quan tâm sâu sắc đến việc tìm hiểu và áp dụng phương pháp chánh niệm vào lĩnh vực y tế công cộng, nhằm ngăn ngừa bệnh tật và nâng cao sức khỏe ở quy mô lớn. Đó chính là những gì mà Trung tâm này sẽ làm.”
Theo nội dung trong bản thông cáo báo chí, Trung tâm Chánh niệm Thích Nhất Hạnh vì Sức khỏe Cộng đồng sẽ đáp ứng nhu cầu đánh giá tốt hơn những tác động của phương pháp chánh niệm đối với con người. Họ sẽ chỉ ra những tồn tại của gần 25.000 nghiên cứu về chánh niệm đã được công bố trên các tạp chí khoa học từ trước đến nay.
Tăng thân Làng Mai tham dự lễ ra mắt Trung Tâm
Dựa trên những nghiên cứu hiện có và nhiều nghiên cứu sắp tới, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm lên kế hoạch triển khai một số hướng nghiên cứu sau:
– Quan tâm đến tương lai của mỗi chúng ta. Hướng hành động này tập trung vào việc phát triển các chương trình liên ngành, dựa trên bằng chứng khoa học để giúp mọi người sống khỏe mạnh hơn. Trong đó, có một hướng nghiên cứu sẽ xem xét cách thực hành chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm cả việc thiết kế không gian ăn uống chánh niệm, thực đơn và chia sẻ kinh nghiệm về thực phẩm mà chúng có thể góp phần giúp mọi người sống thọ, khỏe mạnh lúc về già.
– Ăn, đi lại & sống Chánh niệm. Với hướng này, Ban giám đốc trung tâm hướng tới việc thiết kế một chương trình giảng dạy, ở đó tích hợp các bài học về dinh dưỡng, hoạt động thể chất và chánh niệm nhằm giúp thế hệ trẻ thiết lập các thói quen chánh niệm, lành mạnh, tốt cho bản thân và cho cả hành tinh của chúng ta.
– Triển khai chương trình nghiên cứu, giáo dục về ăn uống có chánh niệm tại Đại học Harvard và mở rộng đến nhiều nơi khác.
Ông Walter Willett, Giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng, Giám đốc của Trung tâm, cho biết: “Tôi rất vui vì trung tâm mới này sẽ hỗ trợ việc nghiên cứu khoa học về chánh niệm và sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi mong trung tâm sẽ trở thành một nơi khảo sát nghiêm ngặt để hợp tác với các đồng nghiệp trên khắp thế giới, thúc đẩy khoa học về chánh niệm”.
Trung tâm đặt trụ sở tại Khoa Dinh dưỡng của Trường Đại học Harvard, sẽ triển khai kế hoạch cộng tác với các học giả trong các lĩnh vực nghiên cứu lẫn các truyền thống tu tập khác nhau trên khắp thế giới.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Buddhistdoor.net