Đại học Gautam Buddha tổ chức triển lãm nghệ thuật về cuộc đời Đức Phật

Vừa qua, một nhóm gồm 12 nghệ nhân đã được Trường đại học Phật giáo Gautam Buddha tập hợp để điêu khắc các tác phẩm về cuộc đời Đức Phật, chủ yếu nhắm vào 3 sự kiện trọng đại trong cuộc đời Ngài, đó là: Đản sanh, Thành đạo và Nhập Niết Bàn . Sau khi điêu khắc xong, các nghệ nhân sẽ trưng bày những tác phẩm của mình tại khu triển lãm trong khuôn viên của trường Đại học để phục vụ cho khách tham quan trong đợt triển lãm nghệ thuật Phật giáo diễn ra vào ngày 22 – 24/9/2023.

Trường Đại học Phật giáo Gautam Buddha được thành lập vào năm 2002, tọa lạc trên một khu đất rộng lớn đến 207 hecta tại quận Nagar, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Trường được đặt theo tên của Thái tử Siddhartha Gautama (tiếng Việt đọc là: Tất-đạt-đa Cồ-đàm), người sau này đã trở thành một bậc Đại Giác Ngộ, khai sáng ra Đạo Phật tại thế gian. Ngôi trường là một trong những cơ sở giáo dục góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu và truyền bá giáo lý của Đạo Phật đến với công chúng. Nhà trường tổ chức đào tạo trình độ Đại học và Sau Đại học về các chuyên ngành liên quan đến Phật giáo. Đặc biệt, công tác giảng dạy và nghiên cứu của nhà trường hướng đến việc thúc đẩy tinh thần hòa bình, cộng sinh hòa hợp, và phát triển toàn diện của xã hội.

Nghệ nhân đang điêu khắc tác phẩm cho đợt triển lãm ngày 22-24/9

Các nghệ nhân tham gia vào chương trình sáng tác, triển lãm lần này đa phần là sinh viên thuộc khoa Mỹ thuật của trường. Các nghệ nhân này có nhiệm vụ chính là cùng nhau sáng tác 3 tác phẩm điêu khắc kích thước lớn, dài 3,6 mét và rộng 2,7 mét, đặc tả về 3 giai đoạn chính trong cuộc đời của Đức Phật. Ông Anchal Bohra, thư ký của Hiệp hội xuất khẩu hàng dệt may và thủ công mỹ nghệ, cho biết: “Ba giai đoạn chính trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca gồm sự ra đời và thời kỳ đầu của Ngài khi Ngài còn là Thái tử Tất-đạt-đa, lúc Ngài giác ngộ, và lúc Ngài nhập Niết bàn

Một góc trong khuôn viên trường Đại học Gautam Buddha

Nghệ nhân Tapash Jana, nghệ nhân chính trong nhóm 12 nghệ nhân, cho biết: “Những bức tranh này ban đầu được tìm thấy trên tường của 29 di tích hang động Phật giáo bằng đá có niên đại từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đến khoảng năm 480 sau Công nguyên ở quận Aurangabad, của bang Maharashtra. Và nay chúng tôi đang cố gắng tái tạo lại các bức tranh ấy”.

Nghệ nhân Tapash Jana giải thích thêm rằng, các tác phẩm lần này được làm bằng chất liệu thermocol, được cắt thành các khối, sau đó ghép lại với nhau, được hỗ trợ bởi các khối gỗ và sơn theo trường phái chủ nghĩa hiện thực. Các nghệ nhân chỉ có hai tuần để chuẩn bị cho một dự án thường phải mất bốn tháng. Cho nên họ phải chạy đua với thời gian để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trường Đại học Gautam Buddha lúc về đêm

Nghệ nhân Alok thì cho biết: “Đây là một dự án đầy thách thức, nhưng chúng tôi rất thích nó. Và đây cũng là cơ hội tuyệt vời, là nguồn cảm hứng cho nhóm nghệ sĩ trên con đường nghệ thuật của mình”.

Minh Nguyên biên dịch

Nguồn: Indiatimes.com

 

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares