Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành.
Thưa quý vị, dân gian lưu truyền câu ca trên bởi từ xưa tới nay, chùa Vĩnh Nghiêm luôn đóng vai trò là một trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây còn là chiếc cầu nối giữa Phật tử cả nước với dòng chảy Phật giáo Trúc Lâm. Nằm cách trung tâm thành phố Bắc Giang 20 km về phía Đông Nam, chùa Vĩnh Nghiêm tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Kinh Bắc. Đây không chỉ là trụ sở của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, gắn liền với Trúc Lâm tam tổ mà còn là di tích quốc gia đặc biệt, lưu giữ hàng nghìn mộc bản quý hiếm, mang đậm bản sắc lịch sử, văn hóa của Việt Nam.
Trong chuyên mục Danh lam thánh tích kì này, kính mời quý vị cùng Phật sự Tản Viên khám phá ngôi Chùa Vĩnh Nghiêm – Chốn tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.
LỊCH SỬ CHÙA VĨNH NGHIÊM
Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng từ thời Lý, có tên là Chúc Thánh. Về sau, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã cho sửa sang, trùng tu, tôn tạo lại, đổi tên là chùa Vĩnh Nghiêm, tên chữ Vĩnh Nghiêm tự với mong muốn ngôi chùa mãi mãi trường tồn, mãi mãi tôn nghiêm. Ngoài ra chùa còn có tên là Đức La, chùa La, chùa Ông La, do nằm ở làng Đức La.
Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Đây là nơi ba vị “Trúc Lâm tam tổ”: Trần Nhân Tông (1258 – 1308), Pháp Loa (1284 – 1330), Huyền Quang (1254 – 1334) từng trụ trì, lập nên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam và mở trường thuyết pháp. Trong suốt chiều dài lịch sử, chùa Vĩnh Nghiêm đã đào tạo rất nhiều tăng chúng, góp phần lan tỏa tư tưởng tốt đẹp của Thiền phái Trúc Lâm và hòa cùng dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Tam tổ Trúc Lâm và các cao tăng kế truyền chốn tổ
Phật Hoàng Trần Nhân Tông – người khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – vị tổ sư thứ nhất được thờ ở nhà tổ đệ nhất chùa Vĩnh Nghiêm.
– Đệ nhất tổ Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông (1258- 1308): Ngài tên húy là Trần Khâm, con trưởng vua Trần Thánh Tông, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1258).
Tổ là con trưởng vua Trần Thánh Tông, năm 16 tuổi được lập làm Thái tử. Vốn là người mến mộ đạo Phật nên tổ quyết chí tu hành. Khi là Thái tử, tổ một mình trốn vào Yên tử để tu học nhưng bị vua cha phát hiện nên bất đắc dĩ phải trở lại kinh thành. Năm 21 tuổi, tổ lên ngôi Hoàng đế, tuy ở ngôi vua nhưng rất quan tâm đến pháp môn thiền trong Phật Giáo. Khi đế quốc Nguyên – Mông đưa quân xâm lược Đại Việt, tổ phát huy tư tưởng nhập thế, gắn đạo với đời, đoàn kết nhân dân, trọng dụng nhân tài, hai lần chỉ huy đánh thắng đế quốc Nguyên Mông, ngăn chặn không cho chúng tiến xuống vùng Đông Nam Á. Với tư tưởng hòa hiếu vốn có của đạo Phật, tổ thực thi chính sách hòa bình thân thiện với các nước láng giềng (Ai Lao, Chămpa). Năm 1301, tổ sang thăm Chămpa, gặp vua nước này để xây dựng quan hệ hòa bình trên nền tảng Phật giáo.
Năm Quý Tỵ (1293) ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng hoàng. Đến tháng Mười năm Kỷ Hợi (1299) ngài xuất gia và tu ở núi Yên Tử. Ở đây, ngài chuyên cần tu tập theo hạnh Đại Đầu đà. Sau đó, ngài lập chùa, cất tịnh xá, khai giảng để tiếp độ chúng tăng. Học chúng đua nhau đến rất đông. Sau, ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường lập giảng đường, giảng dạy mấy năm. Ngài lại đi vân du đến trại Bố Chánh lập am Tri Kiến rồi ở đó.
Đến năm Giáp Thìn (1304) ngài dạo đi khắp nơi khuyên dân dẹp bỏ dâm từ và dạy họ tu hành thập thiện. Mùa đông năm ấy, vua Anh Tông dâng biểu thỉnh ngài về đại nội để truyền giới Bồ Tát tại gia.
Sau đó, ngài đến chùa Sùng Nghiêm ở núi Linh Sơn để truyền bá Thiền tông.
Ngày mồng một tháng Giêng năm Mậu Thân (1308) ngài sai Pháp Loa đến huyện Siêu Loại tại Báo Ân thiền tự khai giảng trụ trì. Tháng tư năm ấy, ngài đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang để kiết hạ và sai Pháp Loa khai giảng trụ trì. Chính ngài giảng Truyền đăng lục, bảo quốc sư Đạo Nhất vì chúng giảng kinh Pháp Hoa. Bãi hạ, ngài vào núi Yên Tử, mời hết những người cư sĩ theo hầu hạ và những kẻ nô dịch trong chùa trở về, không được trực hầu như trước. Thị giả cũng xuống núi gần hết, còn đệ tử thượng túc là Pháp Loa tiếp tục theo ngài.
Trong quá trình hoằng pháp, Ngài đã thu nhận và truyền dạy tư tưởng cho hàng nghìn đệ tử với những tư tưởng nhập thế của thiền phái Trúc Lâm. Đặc biệt thể hiện rõ nhất trong kệ gồm 4 câu thơ:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Sau khi qua đời, tổ được tôn làm Tổ đệ nhất của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử vì có công thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Đệ nhị tổ Pháp Loa Ðồng Kiên Cương Thiền sư (1284 1430) là Tổ đời thứ hai của thiền phái Trúc Lâm trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, người đã tổ chức nhiều đợt in kinh sách Phật tại thiền viện Quỳnh Lâm và Chốn Tổ Vĩnh Nghiêm trong thế kỷ XIV.
Đệ tam tổ Huyền Quang Lý Đạo Tái Thiền sư (1254 – 1334):
Năm 21 tuổi (1274), tổ thi đỗ đại khoa được bổ làm quan ở Hàn lâm viện. Một hôm ngài được hộ giá vua Anh Tông đến huyện Phượng Nhãn nghe tổ Pháp Loa giảng kinh chợt tỉnh ngộ. Sau nhiều lần tổ dâng sớ xin từ quan, khi 52 tuổi mới được xuất gia tu hành nhập thọ giới tại chốn tổ Vĩnh Nghiêm rồi theo làm thị giả đức Điều ngự. Tổ đã được đức Điều ngự tin tưởng giao soạn sách: Chư phẩm kinh, Công văn tập, Thích Khoa giáo, Ngọc tiên tập, Phổ Tuệ ngữ lục…
Tổ được vua Trần Minh Tông ban phong thụy hiệu: Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại.
Sau khi 3 vị tổ sư khai sáng Thiền phái Trúc Lâm mất, tại chùa Vĩnh Nghiêm đã xây dựng nhà Tổ đệ nhất để thờ ba vị.
Các sư tổ kế truyền qua các thời tiền sử được thờ ở chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng.
Sau tam tổ trụ trì, thời gian sau đó Chốn tổ Vĩnh Nghiêm có các vị cao tăng khác kế truyền được truyền đăng trụ trì. Theo tư liệu sưu tầm được có thể chưa đầy đủ, các tổ truyền thừa tại chốn tổ Vĩnh Nghiêm gồm: Thiền sư Linh Không, Thiền sư Tính Thành, Tì Khiêu ni Vũ Thị Lương, Tì Khiêu Thích Hải Hài, Nhà sư Tịnh Phương (pháp hiệu Tâm Viên), Thích Thanh Tuyên, Thích Thanh Quýnh, Thiền gia pháp chủ Hòa thượng Thích Thanh Hanh, Hòa thượng Thích Tâm Duyệt, Hòa thượng Trần Như và tổ Thích Thanh Kim.
Trong đó, tổ Thích Thanh Hanh (1841 – 1936) được đánh giá là tổ có công lớn nhất trong công cuộc chấn hưng Phật giáo đương thời.
Tổ về kế thừa chùa Vĩnh Nghiêm trong điều kiện đã thay đổi nhưng chí hướng nối nghiệp tổ tiên khai hóa hậu lai thì không thay đổi. Tổ chuyên tâm lui tới trường Bác Cổ tìm tòi ba tạng kinh điển Đại Thừa. Sai các môn đồ sao lục về khắc bản lưu thông. Tự tổ đã gây nên phong trào giữa các sơn môn hăng hái vào việc sao kinh, khắc ván, khiến cho kho tàng kinh Phật ở chùa thêm những bộ kinh điển quý báu. Các bộ Kinh, luật, được khắc ván in, đều mang lời tựa và bạt của tổ.
Năm 1929 hòa thượng đã cử nhiều thiền sư, thiện chiếu ra Bắc gặp các môn sư để bàn thành lập Việt Nam Phật giáo tổng hội. Nhưng vì nhiều lý do công việc không thành. Ngày 5 tháng 12 năm 1934, Bắc Kỳ Phật giáo hội mới chính thức được thành lập.
Tháng 11 năm Ất Hợi (1935) tổ đã 95 tuổi, còn hăng hái đứng ra chủ trương chấn hưng Phật giáo, hiệp lực với thập phương tăng ni thiện tín thành lập Hội Việt Nam Phật giáo với hơn mười nghìn, Phật tử trong cả nước. Hội Phật giáo Bắc Kỳ có hơn hai nghìn hội viên tăng ni. Các hội viên bầu ra ban trị sự và Hòa Thượng Thích Thanh Hanh được vinh phong ngôi Thiền gia pháp chủ. Tổ đã kêu gọi tăng ni theo nguyên tắc lục hòa của Phật dạy mà bỏ hết dị biệt của tông nọ phái kia để dốc lòng chấn hưng Phật giáo. Cùng với việc tu bổ chùa, ngài đã bỏ ra nhiều tâm sức biên soạn lịch sử chùa Vĩnh Nghiêm và cho khắc nội dung vào bia dựng ở trong tòa thánh tổ, tức nhà tổ Đệ nhất chùa Vĩnh Nghiêm. Tổ là người tổ chức san/khắc sách Yên Tử nhật trình (gồm các tác phẩm: Thiền tông bản hạnh, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Thiền tịch phú, Cư trần lạc đạo phú, Thiếu thất phú, giáo tử phú).
Ngày 8 tháng Chạp năm Bính Tý (1936) tổ đã tịch, thọ 96 tuổi. Thi hài được an nhập vào khu tháp gạch bên trái tổ Vĩnh Nghiêm.
Thầy Thích Thanh Vịnh – Đương gia chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: “Sau năm 1934, thì Hòa thượng Thiền gia Pháp chủ Thanh Hanh đã chuyển về 73 Quán Sứ, nên vì vậy cho đến nay chùa Vĩnh Nghiêm không còn đóng vai trò là trung tâm Phật giáo của Phật giáo Trúc Lâm, trung tâm của Phật giáo Bắc Kỳ hay còn gọi là trung tâm Phật giáo Việt Nam ngày nay nữa.
Nhưng chùa Vĩnh Nghiêm vẫn còn giữ được khá đậm những cái đặc sắc của một công trình kiến trúc Phật giáo thời Trần và thời Lê. Đặc biệt là có một số cái công trình thời Nguyễn, đó là cái công trình hệ thống giá trị mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.”
Chùa Vĩnh Nghiêm trải qua chiều dài lịch sử vẫn còn hiện hữu, đúng như ý nghĩ tên gọi. Với bề dày lịch sử là trung tâm Phật giáo mà còn là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Vậy nên hàng năm, cứ vào dịp lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm từ ngày 12 – 14 tháng 2 Âm lịch, thì các Phật tử và du khách thập phương lại trở về chốn tổ về lễ Phật và chiêm bái.
Năm 2013, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với những giá trị tiêu biểu nổi bật, năm 2015, chùa Vĩnh Nghiêm được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
KIẾN TRÚC CHÙA VĨNH NGHIÊM
Với vai trò quan trọng đó, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế, nhiều hạng mục, mang tính quy chuẩn, mẫu mực của kiến trúc chùa tháp xứng danh là một “đại danh lam cổ tự”.
Chùa nằm trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi Cô Tiên, mặt hướng ra nơi tụ hội của sông Thương và sông Lục Nam, chùa Vĩnh Nghiêm có tổng diện tích khoảng 1 ha. Chùa được xây dựng nhìn theo hướng Đông Nam, kiến trúc theo 1 trục đường thần đạo đối đỉnh bao gồm: kiến trúc trên một trục, hướng đông nam gồm 4 khối: toà Tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà Tổ đệ nhị, hai dãy hành lang Đông Tây và một số công trình khác. Phía trước, nhìn từ trong chùa ra ngoài, thì bên trái sân chùa có khu Tháp mộ sư, nơi chứa xá lợi của các vị sư đã trụ trì và viên tịch tại chùa. Toàn bộ các hạng mục tạo nên một tổng thể “nội Công – ngoại Quốc”.
PHẦN II MỘC BẢN CHÙA VĨNH NGHIÊM
Đã hơn 700 năm kể từ khi thiền phái Trúc Lâm được ra đời đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn luôn hiện hữu gắn liền với các di tích thuộc thiền phái Trúc Lâm.
Với vai trò là một trung tâm Phật giáo thời Trần, chùa Vĩnh Nghiêm từng là nơi an cư kiết hạ cho hàng trăm tăng ni tu học.
Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ kính, nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, tiêu biểu nhất là bộ mộc bản đã được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2012.
Nơi đây cũng được các nhà nghiên cứu coi là “Bảo tàng văn hóa Phật giáo Đại thừa”. Dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca:
Thứ nhất là chùa Đức La,
Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng.
Với số lượng 3050 mộc bản quý hiếm, có giá trị nghiên cứu lịch sử – văn hóa Phật giáo nói chung, nghiên cứu về tư tưởng thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam nói riêng; chùa Vĩnh Nghiêm còn được biết đến là lưu giữ ván khắc bằng gỗ có số lượng lớn và nhiều đầu mục sách hiện còn bảo tồn được tại Việt Nam. Tiêu biểu có các bộ: Hoa Nghiêm sớ sao, Di Đà sớ sao, Yên Tử nhật trình, Giới kinh ni, Sa di kinh, Bản nguyện chân kinh…
Mộc bản được chế tác trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Trên các mộc bản có những hoa văn và hình chạm khắc đặc biệt thể hiện triết lý Phật giáo.
Nội dung mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn đối với xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện như: Lịch sử, triết học, y học, giáo dục, ngôn ngữ, nghệ thuật. Đặc biệt, các mộc bản quý có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt ra đời từ thế kỷ XI.
Trong đó, Mộc bản Yên Tử Sơn Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh ở chùa Vĩnh Nghiêm được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (USA) lấy làm mẫu font chữ nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính.
Không chỉ có ý nghĩa đặc biệt về mặt tinh thần trên nhiều phương diện mà các mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn quý hiếm bởi về đặc tính về phương pháp chế tác. Để tạo nên những tuyệt tác mộc bản còn lưu giữ đến tận ngày nay thì chứng tỏ thời xưa, các vị tổ sư đã đầu tư rất nhiều tâm huyết cả về tinh thần lẫn vật chất.
Thầy Thích Thanh Vịnh – Đương gia chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: ““Đối với mộc bản Vĩnh Nghiêm thì chiếm độ 99% là các cụ sử dụng gỗ thị. Bởi vì khắc mộc bản và khắc ván khắc tranh có hai loại gỗ. Ở miền Bắc chúng ta có hai loại, một là gỗ thị. 2 là gỗ thừng mực. Gỗ thừng mực mềm, mịn, dai nhưng lại không có giá trị cứng như gỗ thị. Thế nên gỗ thị của chúng ta đến lúc nó khô như thế này thì rất là cứng nhưng gỗ thường mực thì quá trình in dập nhiều lần thì nó thấm nước nhiều hơn gỗ thị nên các cụ không dùng gỗ thường mực để khắc ván. Đó cũng là giá trị của ván chùa Vĩnh Nghiêm. Tồn tại lâu như vậy cũng nhờ vào chất liệu gỗ, mà toàn bộ gỗ này đều được các cụ xử lý trên phương diện luộc. Ngày xưa các cụ luộc gỗ nhưng ngày nay chúng ta gọi là luộc sấy, xong lúc đó mới làm đồ đó.”
Ngoài bộ mộc bản quý hiếm, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng Phật, bia đá, hoành phi, câu đối…
Quả thật, nước biếc non xanh, nền cổ tự, khiến người lưu luyến chốn Thiền môn. Chùa Vĩnh Nghiêm là một đại danh lam rất hùng vĩ, uy nghiêm, mang cả tâm hồn người con Phật vào lòng Đất Việt. Thổi hồn vào vạn pháp nơi đây, khiến ngàn năm vẫn không phai nhạt những dấu ấn lịch sử, đức độ mà chư Tổ đã tu tập và hành Đạo tại nơi này, cho thấy được sự phát triển vững mạnh của Phật giáo, đồng hành cùng đất nước suốt mấy ngàn năm lịch sử.
KẾT LUẬN
Chùa Vĩnh Nghiêm là chốn linh thiêng, một trong những Thánh tích quan trọng bậc nhất của Phật giáo Việt Nam nói chung và của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng. Nơi đây không chỉ là chốn thiền môn tu học cho tăng ni, Phật Tử mà còn là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo khách thập phương đến lễ Phật và chiêm bái. Nếu có dịp, quý vị hãy ghé thăm chùa Vĩnh Nghiêm – Nơi tinh hoa Trúc Lâm hội tụ.
Chuyên mục Danh lam thánh tích kì này xin được phép khép lại tại đây. Kính chúc Chư Tôn Đức và quý vị nhiều sức khỏe, bình an, cát tường, như ý. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong số phát sóng kì sau.
Phật sự Tản Viên Thực hiện