Nằm trên dãy Bổ Đà sơn huyện Việt Yên, Khu di tích chùa Bổ Đà là một danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, nay thuộc xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang). Đặc biệt tại nơi đây có vườn tháp lớn nhất Việt Nam tàng lưu xá lợi và tro cốt nhục thân của hơn 1.000 vị tăng, ni từ 300 năm trước.
Nơi đây chính là một thắng tích nổi tiếng ở vùng địa linh mà như thành ngữ dân gian có câu: “Bắc Bổ Đà – Nam Hương Tích”. Trong chuyên mục Danh lam thánh tích kỳ này, kính mời Chư Tôn Đức và quý vị cùng Phật Sự Tản Viên tìm hiểu chùa Bổ Đà Danh lam cổ tự nổi tiếng vùng Kinh Bắc.
Chùa Bổ Đà (Chùa Cao) – Sự tích người tiều phu thiện lương
Tương truyền, khoảng thế kỷ thứ XI, dưới chân núi Bổ có một gia đình tiều đã ngoài 40 tuổi mà vẫn chưa có con, nên ngày tháng qua đi, hai vợ chồng luôn luôn khấn cầu Quan Thế Âm Bồ Tát. Quả nhiên, ít lâu sau, hai vợ chồng có con trai. Để tỏ lòng thành và tạ ơn Quan Thế Âm Bồ tát, hai ông bà dựng chùa ngay gốc cây thông già.
Thuở đầu, nơi đây là một gian chùa nhỏ lợp gianh vách đất toạ trên đỉnh non Bổ Đà. Đó chính là chùa Quan Âm, dân gian thường gọi là chùa Bổ, chùa ông Bổ hoặc chùa Bổ Đà.
Kiến trúc chùa Bồ Đà
Lịch sử hình thành chùa Bổ Đà chưa được xác định cụ thể, tuy nhiên chùa được tu tạo lớn vào thời vua Lêc Dụ Tông (1720-1729). Qua nhiều thế kỷ, chùa đã được trùng tu nhiều lần, nhưng cơ bản vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo.
Hiện nay có chùa có 16 khối kiến trúc khác nhau, bao gồm 92 gian nối thông nhau tạo thành hệ thống các tòa ngang dãy dọc liên hoàn đó là: Tam Bảo, Tiền tế, Nhà Tổ, Gác kinh, Giảng đường, nhà khách,… và các công trình phụ trợ. Những hạng mục chính là chùa Tứ Ân, vườn tháp, am Tam Đức, chùa Cao và ao Miếu.
Tòa tam bảo được xây dựng theo hình chữ Đinh, gồm 7 gian tiền đường và 5 gian hậu cung. Tại các kết cấu gỗ có nhiều mảng chạm khắc tinh xảo với nhiều đề tài phong phú như: hoa văn vân mây, vân xoắn, hoa cúc, hình lá lật, linh thú, đề tài tứ linh, tứ quý… mang phong cách nghệ thuật đan xen giữa thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Điều đặc biệt tại chùa Bổ Đà chính là hệ thống tường bao được làm bằng đất, từ 2 đến 3m, có đoạn cao đến 5m, dày từ 0,5m đến 1m, trên có mũ tường gắn vật liệu gốm sành của làng gốm Thổ Hà xưa. Toàn bộ tường đất dài khoảng 400m, phần lớn là các lớp tường cổ được trình cách đây 200-300 năm.
Khu nội tự (chùa chính Tứ Ân)
Khu nội tự tức chùa chính Tứ Ân được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) do vị sư tổ Tính Ánh, quê tại làng Bình Vọng, Thường Tín, đã cùng nhân dân địa phương hưng công xây dựng.
Thượng tọa Thích Tục Vinh – Trụ trì chùa Bổ Đà cho biết, “Ngôi chùa Tứ Ân Tự thì các hòa thượng xây nên để nhằm cái mục đích báo ân thiên địa, ân sư trưởng, phụ mẫu và thập phương tín thí. Bốn ân đấy nhà Phật gọi là tứ ân. Người đi xuất gia, mục đích, chủ yếu nhằm báo bốn ân đó.”
Tại chùa Bổ Đà, hệ thống bài trí tượng cũng có những đặc trưng riêng, như bài trí tượng thờ tại tòa Tam Bảo chùa Tứ Ân theo kiểu tiền Thánh – hậu Phật, có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa và thờ Khổng Tử, Lão Tử cũng như Thạch Linh Thần tướng.
Chùa hiện nay còn lưu giữ được bia đá, chuông đồng, hoành phi, câu đối, mõ cá và hàng chục pho tượng có giá trị lịch sử và mỹ thuật.
Ao Miếu – thờ Thạch Linh Thần tướng
Tại khu Ao Miếu của thôn Hạ Lát nổi lên các khối đá lớn nằm xen kẽ lên nhau giữa một ao nhỏ gọi là Thạch Long. Người ta truyền rằng, mẹ đá nơi này sinh ra Thạch Linh Thần Tướng. Khi ấy, giặc Man nổi dậy làm nhiễu biên thuỳ, Thạch Linh Tướng Quân xin vua đi đánh giặc. Sau khi thắng trận, Thạch Tướng trở về đỉnh Phượng Hoàng ở dãy Bổ Đà và hóa tại đây. Dân chúng nhớ ơn mà lập nơi thờ phụng, dâng hương.
Vườn tháp chùa Bổ Đà
Chùa Bổ Đà có nhiều điểm độc đáo, thú vị mà ít ngôi chùa nào có được, một trong số đó là: Khu vườn tháp cổ kính với hàng trăm bảo tháp lớn nhỏ khác nhau. Ngày 7/5/2016, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận chùa Bổ Đà là ngôi chùa có khu bảo tháp lớn nhất Việt Nam.
Theo Thượng tọa Thích Tục Vinh – Trụ trì chùa Bổ Đà, “vườn tháp của chùa Bổ Đà thì nó không hẳn chỉ độc Tăng Ni của chùa Bổ Đà, Tăng Ni của phái Lâm Tế. Khi xưa mà những người nào được đào tạo từ đây đi nơi khác, mà con cháu của phái Lâm Tế, sau khi mà tuổi cao, không có đệ tử, mình muốn về chốn Tổ để an táng ở nơi này, thì đến đây xin các hòa thượng, đều cho vào vườn tháp được.
Cái vườn tháp hiện nay có hơn 100 cây thôi, một trăm ba mươi mấy cây nhưng mà an táng ở dưới cái chân cây tháp rất nhiều, dưới đấy nó có cửa, có từng cửa một và nó có hầm. Để sau khi tắm rửa hay thiêu là cửa của ai là rút ra rút vào cây đó.
Có cây nhiều là chúng tôi đã bật lên là nó tận 26 cụ trong 1 cây. Đếm ở trong 3 quyển khoa cúng, quyển gia phả ấy, hiện nay trong vườn tháp nó là trên 1000 cả Tăng Ni, đó là chưa tính các bà vãi và những người kí hậu nữa.”
Giới thiệu thêm về thiền phái Lâm Tế
Theo chiều dài lịch sử, chùa Bổ Đà từng theo nhiều trường phái khác nhau, tuy nhiên đến đầu thế kỷ XVIII, chùa đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn theo Thiền phái Lâm Tế.
Đầu thế kỷ XVIII, niên hiệu Bảo Thái (1720 – 1729), đáng chú ý là năm Quý Mão (1723) vị trụ trì tên là Phạm Kim Hưng từng làm quan giữ sách trong triều đình nhà Hậu Lê. Sau khi từ quan, ông đã xuống tóc xuất gia tu tại chùa. Sư Tổ Phạm Kim Hưng trở thành vị sư trụ trì đầu tiên ở chùa này từ thời Lê. Ngài đã tiến hành trùng tu, mở mang khu di tích và phát triển nơi đây trở thành một Trung tâm Phật giáo lớn theo Thiền phái Lâm Tế.
Đây là dòng thiền được truyền vào nước ta từ cuối thế kỷ XVII, gắn liền với tên tuổi Thiền sư Chuyết Công (Chuyết Chuyết), người Trung Hoa. Và chùa Bổ Đà chịu ảnh hưởng của Thiền Lâm Tế ở Đàng ngoài.
Hàng năm, vào mỗi mùa an cư kết hạ có đông đảo tăng ni trong vùng về đây tu học nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi tam vô lậu học, từ đó làm hành trang trên con đường tiến tu đạo nghiệp và hoằng pháp lợi sinh.
Tiếp nối Sư Tổ Phạm Kim Hưng là sư tổ Như Thị Tính Ánh, người làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Sư tổ vốn mến mộ đạo Phật nên đã từ bỏ vinh hoa phú quý mà xuất gia tu đạo. Tại chùa Bổ Đà, ngài đã cùng tín đồ nhân dân Phật tử xây dựng chùa Tứ Ân và am Tam Đức. Theo Khoa Cúng tổ chùa Bổ Đà cho biết: Ngài Tính Ánh là con nuôi của quan Đại tư đồ Bái quận công Nguyễn Thiệu trong triều, gia đình thuần theo đạo Phật. Cha ông được phong là Kim tử Vinh lộc Đại phu, gia tặng Phụ quốc Thượng tướng quân, lại phong Tham đốc Phúc quận công Ngô tướng công, tự Trực Mẫn, mẹ họ Trần cũng được ấm phong theo cha. Chính ngài Tính Ánh đã cho san khắc nhiều kinh sách hiện còn lưu ở chùa Bổ Đà và kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng như các tự viện khác. Ngài được vua Lê Hiển Tông sắc phong là Hảo Tiết hòa thượng, tự Tính Ánh.
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và thiền phái Lâm tế ở đàng ngoài nói riêng, chùa Bổ Đà đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa và phát triển chính pháp. Đồng thời, để phục vụ cho việc tu tập, đào tạo tăng, ni, nhà chùa đã tổ chức san khắc mộc bản in ấn kinh sách để hoằng pháp. Hiện nay còn lưu giữ gần 2000 mộc bản có niên đại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, góp phần làm cho kho tàng pháp bảo của Phật giáo Việt Nam càng thêm phong phú và sống động.
Theo Thượng tọa Thích Tục Vinh – Trụ trì chùa Bổ Đà, để kiểm tra các bộ sách thì ngôi chùa đục được 84 bộ kinh, nhưng hiện tại ở chùa Bổ Đà thì chỉ còn có 24 bộ, có mấy bộ kinh quý như là Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Ban, Nam Hải Ký Quy.
MỘC BẢN CHÙA BỔ ĐÀ
Những bộ kinh khắc gỗ này đề cập đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế – 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật – gồm: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, sự luân hồi, và khuyến tấn mọi người nên biết sống tu nhân tích đức.
Theo số liệu của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2015 cho biết thì kho mộc bản tại chùa Bổ Đà hiện có 1.935 tấm ván khắc và 18 bộ kinh sách chính, chủ yếu là kinh, luật, luận, ván in bùa chú, in đồ họa Phật giáo Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250 m² để rải các tấm ván kinh.
“Về cái truyền thừa để kế tổ truyền tông ở đây thì, từ lúc xây chùa, đục kinh ra để đào tạo tăng ni, ngày xưa từ Hải Dương, Hải Phòng, HN, Hà Tây, Hà Nam đề về về đây học hết. Những ngôi chùa nào mà theo dòng Lâm Tế, đa số đều tăng, ni đều về đây tu học”, Thượng tọa Thích Tục Vinh – Trụ trì chùa Bổ Đà.
Kho mộc bản hiện nay nằm ở khu hậu viện của chùa. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng bất cứ một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, lưu giữ đến tận đến nay. Đây được coi là kho tàng pháp bảo của Phật giáo Việt Nam được xác nhận nhiều kỷ lục, trong đó vào năm 2017, Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) đã xác nhận bộ mộc bản kinh Phật của chùa Bổ Đà là bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị của Thiền phái Lâm Tế cổ nhất thế giới.
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016. Hội chùa Bổ Đà hàng năm được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 2 âm lịch, đó cũng là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà.
KẾT LUẬN
Ngôi chùa Bổ Đà là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại đúng như lời thơ của người xưa:
“Bốn bề phong cảnh lạ thay
Bồng lai kia cũng thế này mà thôi”.
Không gian cổ kính nơi đây không chỉ mang đậm giá trị về kiến trúc, mà còn lưu truyền dấu ấn lịch sử về một tông phái lớn của Phật Giáo Việt Nam, đã góp phần tô điểm cho vùng đất Bắc Giang một danh thắng bất hư truyền. Trở thành điểm dừng chân của hàng Phật tử, du khách thập phương tới chiêm bái, lễ Phật tìm về với cõi Tịnh giữa chốn nhân gian.
Phật Sự Tản Viên thực hiện