Hàn Quốc sắp bước vào mùa lễ hội “Thu tịch” (Chuseok, tức Trung Thu) một năm một lần. Đoàn văn hóa Phật giáo (Cultural Corps of Korean Buddhism) thông báo, năm nay các ngôi chùa trên khắp Hàn Quốc sẽ tổ chức một chuỗi các hoạt động lễ hội kết hợp giữa việc tu hành và mừng lễ Trung thu.
Một trong ba lễ hội truyền thống lớn của Hàn Quốc
Tết Trung thu Hàn Quốc, hay còn gọi là Thu tịch thường diễn ra vào ngày 14 đến 16 tháng 8 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để các gia đình sum họp, và cũng là một trong ba lễ truyền thống lớn nhất của Hàn Quốc, tượng trưng cho sự bội thu và lòng cảm ơn của con người. Trong dịp lễ, đại đa số người Hàn sẽ đi thăm, sum họp với người thân và cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống, đồng thời họ cũng sẽ đi tảo mộ để tưởng nhớ đến ân đức của cha ông.
Hoạt động chính của một số tự viện
Từ ngày 13 đến 18 tháng 9 năm nay, các ngôi chùa tại các tỉnh như Gyeonggi, Incheon, Gangwon, Chungcheong Nam, Jeolla Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động phong phú, bao gồm khóa học nấu ăn truyền thống dịp trung thu, nội trú trong chùa, hội thiền dưới ánh trăng… Nhiều chùa sẽ tổ chức cho tăng ni Phật tử cùng dâng đăng cầu nguyện dưới ánh trăng sáng.
Ví dụ như chùa Phạm Liên tại tỉnh Gyeonggi sẽ tổ chức khóa học làm bánh trăng khuyết (songpyeon) Trung thu; Chùa Tân Hưng ở tỉnh Jeolla Nam sẽ tổ chức hoạt động cầu nguyện và thiền bộ hành.
Vào Tết Trung thu, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống đi đến các địa điểm tham quan như cung điện Gyeongbokgung, làng dân tộc, Làng Hanok Namsan… Một số ngôi chùa còn cho thuê Hanbok để du khách có thể trải nghiệm cảm giác mặc trang phục truyền thống khi tham gia các nghi lễ tu hành của Phật giáo.
Nhiều chùa cũng tổ chức chương trình “Tết Trung thu tại chùa”, bao gồm chùa Baegyangsa quận Jangseong, chùa Sudeoksa quận Deoksungsan, chùa Yonghwasa tại Yongdamdong… Các ngôi chùa cho phép mọi người ở lại trong tự viện vài ngày để thưởng thức kỳ nghỉ lễ thư giãn và phong phú. Tại đây người dân vừa có thể trải nghiệm cuộc sống của tu sĩ xuất gia vừa được tham gia hoạt động lễ hội của chùa. Các hoạt động bao gồm thiền trà Trung thu, thưởng thức văn hóa bình bát cung dưỡng (balwoo), thiền trà đàm đạo với các vị pháp sư.
Trung Thu trong kinh điển Phật giáo
Trong Phật giáo, ánh trăng đại biểu cho sự viên mãn cũng như phúc đức viên mãn của Đức Phật. Trong kinh Phật, ánh sáng thanh tịnh của ánh trăng được ví như tín tâm thanh tịnh của chúng sinh đối với chính pháp, tư duy theo lý, y giáo phụng hành: “Như trăng đầu tháng, ánh sáng và màu sắc tươi sáng, ngày đêm càng lúc càng sáng dần, cho đến khi trăng đầy, hoàn toàn tròn đầy tươi sáng”.
Phật sự Tản Viên biên dịch