Vừa qua, các nhà khảo cổ đã khai quật được một bức tượng voi Phật giáo ở Ấn Độ, được xác định là có từ thế kỷ thứ III TCN. Một nhóm các nhà khảo cổ thuộc Ủy ban Di sản Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Ấn Độ (INTACH) đã tìm thấy tượng voi khi đang làm việc ở sông Daya, thuộc bang Odisha, phía đông Ấn Độ.
Bức tượng có chiều cao khoảng 1 mét, được chạm khắc từ đá theo phong cách giống như những bức tượng voi khác của Phật giáo được tìm thấy trên khắp tiểu bang.
Nhà nghiên cứu Anil Dhir và Deepak Nayak là những người đang dẫn đầu cuộc thám hiểm ở lưu vực sông Daya, nơi Phật giáo từng phát triển mạnh mẽ. Khu vực này nằm ở phía nam của Bodh Gaya, nơi Đức Phật thành đạo, nằm dọc theo vịnh Bengal. Ông Anil Dhir nhận định: “Khu vực xung quanh chỗ con voi được tìm thấy có rất nhiều cổ vật Phật giáo được phát hiện trong vài năm qua”.
Tượng voi bằng đá nguyên khối vừa được khai quật
Ông Dhir còn cho biết, con voi được tạc từ một tảng đá nguyên khối, tương tự như những bức tượng voi Phật giáo khác được tìm thấy trong khu vực. Một con voi khác đã được tìm thấy tại Dhauli (cách điểm phát hiện hiện tại khoảng 19 km), có hình dạng rất giống với con voi vừa được phát hiện, và đã được xác định niên đại từ năm 242 TCN đến năm 231 TCN.
Voi là con vật được nhắc đến nhiều trong các kinh sách của Phật giáo cũng như các tôn giáo khác trên khắp Ấn Độ. Trong Kinh Phật Tự Thuyết, chúng ta thấy Đức Phật và một con voi tìm thấy niềm vui trên những con đường giống nhau, tránh xa đám đông và sống ẩn dật. Ở trong bài kinh đó, Đức Phật đã nói rằng:
Con voi khổng lồ,
Với những chiếc ngà như cột chiến xa,
Có tâm tương thông với bậc tu hành vĩ đại,
Vì người và voi đều tìm thấy niềm vui trong rừng một mình.
Trong một bài kinh khác, Đức Phật sử dụng câu chuyện về người mù sờ voi – một truyện ngụ ngôn phổ biến trong các truyền thống tôn giáo của Ấn Độ thời bấy giờ – để dạy rằng, chúng ta có xu hướng nhìn sự vật theo những cách hạn chế, không thể biết toàn bộ câu chuyện.
Đoàn thám hiểm bên tượng voi vừa được khai quật
Từ việc phát hiện ra tượng voi, nhà nghiên cứu Dhir và những thành viên trong đoàn đã lên kế hoạch khai quật khu vực này một cách có hệ thống, với hy vọng tìm thấy thêm các bằng chứng về văn hóa và tôn giáo cổ đại.
Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI TCN, và phát triển mạnh mẽ dưới thời trị vì của Hoàng đế A Dục (268–232 TCN). Dưới thời vua A Dục, đế chế Mauryan đã trải rộng khắp Ấn Độ, bao gồm các phần của Pakistan, Afghanistan, Bhutan, Nepal và Bangladesh ngày nay. Phật giáo tiếp tục phát triển mạnh ở Ấn Độ qua các triều đại Pala (730-1130) và Sena (1070-1230), khi các tư tưởng, phương pháp tu theo Đại thừa và Mật tông được phát triển.
Phật giáo bắt đầu suy tàn ở Ấn Độ từ giữa thế kỷ thứ XII. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất trong việc chỉ ra nguyên nhân về sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ. Một số học giả cho rằng, các tư tưởng và phương pháp tu hành của Ấn Độ giáo đã thích nghi tốt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của con người trong thời kỳ này. Những người khác thì cho rằng, khi các tổ chức Phật giáo phát triển lớn mạnh, nhưng lại không nhận được sự bảo trợ từ các đại thí chủ nên đã dần suy yếu. Và cuộc chinh phục phần lớn miền bắc Ấn Độ của người Hồi giáo vào thế kỷ thứ XII cũng là một trong những nguyên nhân khiến Phật giáo bị suy tàn tại Ấn Độ. Những phát hiện của ngành khảo cổ học đã tìm ra manh mối về sự phát triển và truyền bá của Phật giáo cả trong và ngoài Ấn Độ.
Ngày nay, tại Ấn Độ, lượng người theo Phật giáo chỉ chiếm một con số rất nhỏ, khoảng 8,4 triệu người, trong khi tổng dân số Ấn Độ là hơn 1,2 tỷ người.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Buddhistdoor.net