Lễ ký kết phát triển AI dịch thuật Phật giáo
Nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng bản dịch tiếng Anh của các tài liệu Phật giáo, vào ngày 4 tháng 6 vừa qua, đoàn đại biểu do Pháp sư Diệu Quang – Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phật giáo Nhân văn Phật Quang Sơn – dẫn đầu đã có mặt tại Phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Berkeley (BAIR) để ký thoả thuận hợp tác với Giáo sư Kurt Keutzer, Giám đốc dự án MITRA.
Tham dự lễ ký kết thỏa thuận hợp tác có Hòa thượng Ruyang, trụ trì Phật Quang Sơn Bắc California, Giáo sư Robert Sharf, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo tại Đại học California, Berkeley, Tiến sĩ Sebastian Nehrdich, cộng tác viên nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, Lam Hiệu Nông, Trưởng phòng Thông tin, và Pháp sư Tri Duyệt – dịch giả Trung-Anh của cuốn “Đại từ điển Phật Quang”.
AI dịch thuật Phật giáo đa ngôn ngữ
Kết hợp với công nghệ MITRA (Dharma Friend AI Translation) và hơn 3 triệu văn bản song song (Parallel Corpus) của kinh điển tiếng Phạn, Trung, Pali, và Tây Tạng, cũng như 230.000 kinh điển Tây Tạng của Viện Nghiên cứu Phật giáo Nhân văn Phật Quang Sơn, “Tinh Vân Đại Sư toàn tập”, cùng kho dữ liệu song ngữ Trung-Anh, mô-đun AI này có thể dịch thuật các văn bản Phật giáo tiếng Trung, Anh, Nhật, Phạn, Pali, và Tạng. Hiện, mô-đun AI này đã nhận được rất nhiều lời khen trên các nền tảng đánh giá AI như BLEU và chrF++.
Công cụ dịch thuật chính xác, hiệu quả, tiềm năng
Tiến sĩ Kurt Keutzer cho biết, ông rất vinh dự khi có cơ hội hợp tác với Phật Quang Sơn trong các dự án ứng dụng AI để dịch kinh Phật, giúp Phật giáo được truyền bá rộng rãi hơn trên toàn thế giới. Mô-đun AI mới này cải thiện năng suất và độ chính xác của bản dịch một cách đáng kể. Đồng thời, nó cũng sử dụng nguồn dữ liệu chất lượng cao, giúp đạt hiệu quả tốt hơn so với quy trình dịch thuật truyền thống. Với trí tuệ nhân tạo này, việc truyền bá kiến thức và giáo lý Phật giáo sẽ được mở rộng nhanh và với quy mô lớn hơn, giúp nhiều người trên thế giới tiếp cận được tới chính pháp hơn.
AI dịch thuật Phật giáo đưa chính pháp đến với thế giới
Trong buổi ký kết, Thầy Diệu Quang đã bày tỏ hy vọng có thể sử dụng các công cụ AI trong công cuộc truyền bá Phật pháp đa ngôn ngữ trong tương lai.
Thỏa thuận hợp tác này được cho là sẽ giải phóng tiềm năng của AI và đưa các kinh điển Phật giáo đến với nhiều người hơn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của việc dịch thuật tài liệu Phật giáo.
Tên chính thức và giao diện người dùng của AI này dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2024. Bản dùng thử cũng sẽ được cung cấp cho các dịch giả Phật giáo sử dụng và trải nghiệm.
Phật sự Tản Viên lược dịch
Nguồn tham khảo: Buddhist Door