Vào ngày 20/12/2023, Lễ khai mạc Diễn đàn Tăng già Quốc tế (International Sangha Forum – ISF) lần thứ nhất đã được trọng thể diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Bodhgaya, bang Bihar, Ấn Độ. Hơn 2000 vị tu sĩ Phật giáo, là các vị lãnh đạo Giáo hội, là viện chủ, là lãnh đạo của các tổ chức Phật giáo thuộc nhiều quốc gia khác nhau đã đến tham dự Diễn đàn.
Đặc biệt, Diễn đàn đã vinh dự cung đón Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và một số vị khách quý, như là ông Abhijit Halder – Tổng giám đốc Liên đoàn Phật giáo Quốc tế; ông Shri Pem Khandu – Thống đốc bang Arunachal Pradesh, ông Shri Nitish Kumar – Thống đốc bang Bihar, Ấn Độ, cùng nhiều vị lãnh đạo của các tổ chức Phật giáo quốc tế, nhiều cư sĩ Phật tử cũng đã tham gia Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn Tăng già Quốc tế lần thứ nhất
Theo Sư Mahayano Aun, người điều phối chương trình, mục đích của Diễn đàn lần này là để tổ chức một cuộc trao đổi về vai trò của Phật giáo trong thế kỷ 21 và thảo luận về cách tạo ra sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa các truyền thống Phật giáo.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: “Chúng ta đang tập trung tại một nơi linh thiêng, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Phật thành đạo. Mặc dù chúng ta đang sống trong một thời đại suy thoái, nhưng giáo pháp mà Ngài đã chỉ dạy vẫn tỏa sáng rực rỡ. Đức Phật dạy: “Đừng làm điều sai trái; chuyên trau dồi đức hạnh”. Vâng theo lời dạy của Phật, chúng ta cần có một trái tim nhân hậu, và tránh làm hại người khác. Thay vì ngược đãi họ, chúng ta nên giúp đỡ mọi người và mang lại lợi ích cho họ. Làm như thế thì sẽ mang lại sự an lạc nội tâm cho chúng ta, nhờ đó mà sức khỏe thể chất của chúng ta cũng được tăng cường. Điều quan trọng là chúng ta phục vụ cộng đồng, góp phần kiến tạo thế giới thành một nơi thân thiện hơn, hòa bình hơn”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu khai mạc Diễn đàn
Trong lời phát biểu của mình, ông Abhijit Halder, Tổng giám đốc Liên đoàn Phật giáo Quốc tế, chia sẻ rằng, ông thật vinh dự khi được tham dự và được phát biểu trước một diễn đàn hết sức đặc biệt thế này. Và ông cũng đã đề cập đến sự gia tăng số lượng và mức độ nguy hiểm của các trận lũ lụt, hạn hán và động đất trên khắp thế giới. Các đại dương thì nước đang dâng lên, trong khi lượng tuyết rơi ở vùng núi thì đang giảm. Trước thực tế đó, đòi hỏi nhân loại cần phải hành động ngay để bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta. Và ông cũng tin rằng, những thông điệp đúc kết lại từ các cuộc trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn này sẽ có ý nghĩa lớn, góp phần cải thiện tình hình đáng báo động của xã hội hiện tại.
Ông Abhijit Halder, Tổng giám đốc Liên đoàn Phật giáo Quốc tế, phát biểu
Tình hình thế giới hiện đang có nhiều bất ổn, chiến tranh, bạo động và khủng hoảng diễn ra khắp nơi. Cho nên, các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng đã bàn về vai trò của Phật giáo, của những người đệ tử Phật, xuất gia lẫn tại gia, trong việc thúc đẩy và kiến tạo hòa bình cho nhân loại. Cộng đồng Phật giáo cần phải có những hành động thiết thực hơn để lan tỏa giá trị từ bi và trí tuệ của đạo Phật đến với nhiều người hơn. Khi mọi người có trí tuệ, giàu lòng từ bi thì sẽ không gây ra sự đau khổ, bất an cho người khác, nhờ vậy mà thế giới được hòa bình, ổn định hơn, mọi người có được một cuộc sống an vui, hạnh phúc hơn.
Ngài Khensur Jangchub Choeden, Tổng thư ký Liên đoàn Phật giáo Quốc tế, phát biểu bế mạc Diễn đàn
Ngài Khensur Jangchub Choeden, Tổng thư ký Liên đoàn Phật giáo Quốc tế, đã phát biểu bế mạc Diễn đàn, Ngài bày tỏ: “Tôi xin chân thành niệm ân Đức Đạt Lai Lạt Ma, toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni, toàn thể quý vị khách quý đã đến tham dự Diễn đàn Tăng già Quốc tế lần đầu tiên. Diễn đàn lần này đã tại cơ hội cho chúng ta học hỏi, chia sẻ và cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau, mở lòng mình ra với nhau. Xin chân thành cảm ơn tất cả những người đã hỗ trợ cho Diễn đàn. Cảm ơn tất cả các tình nguyện viên đã phục vụ cho Diễn đàn một cách nhiệt tình, không biết mệt mỏi. Tôi hy vọng những vấn đề đã được trao đổi, bàn thảo trong Diễn đàn sẽ tiếp thêm năng lượng và nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta, để cùng nhau chung sức kiến tạo một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Mangalorean.com