Thất nghiệp, giới trẻ Trung Quốc tìm đến chùa chiền làm công việc tình nguyện

Trước tình hình kinh tế suy thoái, từ năm 2022 Trung Quốc nổi cộm lên vấn đề thất nghiệp trong giới trẻ. Nhiều bạn trẻ tìm đến nhiều giải pháp khác nhau, như tiếp tục học lên cao học, rời thành phố về quê, hay đi chùa cầu nguyện một công việc mới…. Trong số đó, có rất nhiều người đã chọn làm tình nguyện viên tại các ngôi chùa để thâm tâm được an lạc, tự tại, loại bỏ mọi căng thẳng trong cuộc sống. 
Ảnh: Internet
“Sau khi thất nghiệp tôi tìm đến chùa để làm tình nguyện, từ đó nhờ cuộc sống lao động chân tay mà bản thân tôi đã được chữa lành”. Một thanh niên tình nguyện tại chùa Đại Phật ở Quảng Châu chia sẻ: “Tôi đã tham gia nhiều hoạt động ở chùa và đều có một cảm giác giống nhau. Tất cả mọi người đều lặng lẽ làm công việc của mình, nhưng khuôn mặt họ lúc nào cũng mỉm cười hiền hòa… Ở trong chùa, tôi cảm thấy rất tự tại, dù bạn không nói gì cũng không ai nói bạn là người kỳ quái cả.”
Những năm gần đây, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc làm tình nguyện viên tại các ngôi chùa sau khi từ chức hoặc thất nghiệp.
Tờ South China Morning Post đưa tin do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị trì trệ nên tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc vẫn luôn ở mức cao. Chính vì vậy mà trong suốt một năm qua vấn đề này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm.
Đầu tháng 4 năm 2023, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Nam Đô đã thực hiện một cuộc khảo sát với những thanh niên sinh sau năm 1990. Kết quả cho thấy gần 80% số người được hỏi đã từng đến chùa và mục đích chính là để giảm bớt căng thẳng hoặc lo âu. Nhiều tình nguyện viên cho rằng khi ở trong chùa, cách xa những xô bồ, náo nhiệt của thành phố, điều này khiến họ cảm thấy thoải mái và bình yên.
Liêu Tử Hy, người hiện đang thất nghiệp, coi thời gian tình nguyện của mình như là “gap week” (một khoảng thời gian tạm gác lại công việc). Cô chia sẻ: “Tình hình xã hội hiện nay có chút bất thường. Tôi cảm thấy làm tình nguyện viên ở chùa là một chuyến hành trình tâm linh. Nó cho phép chúng ta đối mặt với những vấn đề hiện nay theo một cách khác”.
Ảnh: Internet
Cô Lưu, 31 tuổi, khi được phỏng vấn với “Báo Liên Hợp” đã chia sẻ: Cô từng giữ chức phó tổng giám đốc một công ty phúc lợi xã hội ở Thâm Quyến. Sau khi từ chức, cô ở nhà nghỉ ngơi một tháng, mặc dù điều đó giúp cô giảm bớt áp lực công việc thế nhưng cuộc sống “nhàn rỗi càng nằm càng khó chịu” khiến cho cô cảm thấy hoang mang.
Lúc này, sau khi thấy các bạn trẻ chia sẻ kinh nghiệm làm tình nguyện viên ở chùa trên mạng xã hội, cô quyết định đi thử: “Nếu ở nhà đã không có việc gì để làm thì chi bằng đi làm việc gì đó có ý nghĩa”.
Sau đó Cô Lưu gia nhập vào “nhóm trai đường” của chùa Hoằng Nguyên. Mỗi ngày cô lao động 6 tiếng đồng hồ, trong đó bao gồm việc rửa rau, thái rau, quét dọn vệ sinh, rửa bát đĩa… Cô còn nói vui rằng: “Bình thường tôi không làm việc nhà, nhưng sau 10 ngày ở đây, chắc tôi đã rửa hết số bát đĩa mấy chục năm nay chưa đụng vào.”
Ngày thường, cô còn tham gia lớp học buổi sáng và buổi tối, tụng kinh, chép kinh, sáng dậy lúc 5h30 và đi ngủ lúc 9h tối. “Tôi sống một cuộc sống trọn vẹn mỗi ngày. Sau khi đến đây, tôi thấy dường như mình có nhiều “năng lượng tích cực” hơn và thể trạng cũng tốt hơn một chút.”
Một số bạn tình nguyện viên cũng cho biết, khi chùa tổ chức các hoạt động, người đến tham dự luôn cảm ơn sự cống hiến của các tình nguyện viên: “Ở đây tôi cảm thấy mình có giá trị, dù làm tốt hay không cũng đều được cảm ơn, đối với tôi mà nói đó thực sự là niềm an ủi lớn. Suy cho cùng, lúc đi làm chỉ có bị thúc giục từng giờ từng phút, dù tôi có làm chăm chỉ hơn nữa, có tăng ca muộn thế nào đi chăng nữa cũng không có ai công nhận… Nhưng những người đồng tu trong chùa khiến tôi nhận thấy giá trị của mình, chỉ cần tôi ở tại nơi đây thôi cũng rất đáng để được cảm ơn rồi.”
Ảnh: Internet
Ngày càng có nhiều tình nguyện viên trẻ tuổi đăng ký làm việc tại chùa. Thậm chí đôi khi do có quá nhiều người nộp đơn nên khó tìm được một vị trí còn trống. Một số người cho biết do số lượng người nộp đơn quá nhiều, mà số giường trong chùa thì lại có hạn nên có một số bạn mãi không đăng ký được.
Ông Vi Chí Trung, chuyên gia tư vấn tâm lý tại Trung tâm Tâm lý Nhất Vi Độ Tâm, Quảng Châu, cho rằng hiện tượng giới trẻ đi chùa làm tình nguyện là một biểu hiện của “Nhân giả ái nhân”. Bằng cách phục vụ người khác, họ có thể tìm thấy những bước đột phá trước những thử thách trong cuộc sống. “Các bạn trẻ tuy không phải Phật tử, nhưng do được huân đúc bởi văn hóa từ bi của Phật Giáo, nên họ hy vọng rằng thông qua việc nuôi dưỡng tâm từ và sự thanh tịnh trong nội tâm, giúp bản thân trưởng thành hơn, đồng thời đem lại lợi ích cho mọi người, từ đó tìm ra con đường cho tương lai của chính mình.”
Ông Vi Chí Trung còn chia sẻ nói: “Khi mọi người cảm thấy lo lắng, hoang mang, thì lúc này Phật giáo có thể xoa dịu và làm cân bằng trạng thái của họ, đồng thời dạy cho mọi người cách buông bỏ để bản thân được tự tại.”
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares