Cuộc khủng hoảng lạm dụng chất gây nghiện toàn cầu hiện đang là một vấn đề cấp bách, gây tai họa cho xã hội trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến các cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Theo Báo cáo về Ma túy Thế giới năm 2023 của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), số người sử dụng ma túy trên toàn thế giới là 296 triệu người vào năm 2021, tăng 23% so với một thập kỷ trước đó. “Trong cùng thời điểm, số người mắc chứng rối loạn do sử dụng ma túy tăng 45%, tổng 39,5 triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng này, chỉ có 1/5 số người mắc chứng rối loạn liên quan đến ma túy được tiến hành điều trị cai thuốc vào năm 2021.” (theo Hiệp hội Luật sư Quốc tế/ The International Bar Association).
Hiện nay chính phủ các nước đang tập trung chủ yếu vào việc giải quyết vấn đề sản xuất, phân phối và lạm dụng ma túy, cùng với những ảnh hưởng về sức khỏe và xã hội. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng nguồn gốc vấn đề sâu xa hơn thế. Nghiện, dù là dưới hình thức nào cũng đều bắt nguồn từ cảm giác thiếu thốn và khát khao sâu sắc. Liệu chúng ta, với tư cách là một cộng đồng toàn cầu, có thể giải quyết tâm lý khát khao này một cách tốt hơn không, liệu có thể đánh sâu vào nguồn gốc cơn nghiện đó không?
Phật giáo với những giáo lý toàn diện và nền tảng triết học đã đưa ra một số giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Đó là bắt nguồn từ chính niệm, lòng từ bi và sự hiểu biết về tình trạng con người. Giáo lý Phật giáo có thể đóng một vai trò then chốt trong việc đấu tranh loại bỏ các chất gây nghiện và hỗ trợ phục hồi.
Các giải pháp có thể tựu chung thành hai loại: tập trung vào cá nhân và tập trung vào xã hội. Các giải pháp tập trung vào cá nhân trước tiên phải hiểu được chứng nghiện của một người dưới cái nhìn của tâm lý học, hiểu về căn nguyên của tất cả khổ đau: tham lam, sân hận và thiếu hiểu biết. Ba điều này khiến tất cả chúng ta quay cuồng trong cuộc sống, lặp lại những thói quen không lành mạnh khiến những khổ đau ngày càng kéo dài. Ở đây, việc sử dụng ma túy chỉ là một tập hợp con của những thói quen đó.
Do đó, phương pháp thực hành dành cho Phật tử để đối mặt với chứng nghiện đó là hướng về ánh sáng trí tuệ Phật, áp dụng lời Phật dạy trên cả hành vi, cảm xúc và suy nghĩ. Điều này được Trung tâm Phục hồi Hy vọng (The Hope Rehab Center), một trung tâm cai nghiện và điều trị phục hồi có trụ sở tại Thái Lan, xây dựng một cách rất rõ ràng. Áp dụng từ Bát Chính Đạo, họ mô tả phương pháp của mình như sau:
Right understanding (Chính tư duy) – bạn tìm hiểu về bản chất của chứng nghiện.
Right intention (Tạm dịch: Chính ý) – bạn cam kết sống tỉnh táo.
Right mindfulness (Chính niệm) – trong thời gian ở với chúng tôi, bạn học cách sử dụng chính niệm để không còn là tù nhân cho những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Right concentration (Chính định)– bạn sẽ thực hành chính niệm để cải thiện sự tập trung, từ đó suy nghĩ rõ ràng hơn.
Right effort (Chính tinh tấn) – bạn coi việc tỉnh táo là ưu tiên số một trong cuộc sống.
Right view (Chính kiến) – với sự trợ giúp của liệu pháp, bạn bắt đầu buông bỏ những niềm tin sai lầm và định kiến đã kìm hãm bạn trong cuộc sống (ví dụ như tự ti).
Right livelihood (Chính mạng) – nếu cách bạn kiếm sống đang kích thích hành vi nghiện của bạn (ví dụ như buôn bán ma túy), bạn có thể cần phải thay đổi nghề nghiệp của mình.
Right action (Chính nghiệp) – bạn cam kết thường xuyên thực hiện những việc cần làm để duy trì trạng thái tỉnh táo cao.
Trung tâm Phục hồi Hy vọng cho biết, rằng bất kỳ ai cũng có thể áp dụng các phương tiện trong Phật giáo. Ví dụ như việc thực hành chính niệm là để học cách quan sát những thói quen và những xung động khiến người ta đuổi theo cơn nghiện. Còn lòng nhân ái là để giải quyết sự căm ghét bản thân hoặc sự tự ti từ sâu bên trong. Cả hai đều là những phương tiện thiện xảo mà bất kỳ ai, dù là người vô thần, người theo đạo Cơ đốc, người theo đạo Hindu hay người theo đạo Hồi, cũng đều có thể áp dụng trong quá trình phục hồi của họ.
Hiệu quả của các biện pháp can thiệp dựa trên chính niệm đã được chứng minh trong việc điều trị lạm dụng chất gây nghiện. Các kỹ thuật như: giảm căng thẳng dựa trên chính niệm (MBSR), được phổ biến bởi tiến sĩ Jon Kabat-Zinn, và phòng ngừa tái chứng nghiện dựa trên chính niệm (MBRP) đã được áp dụng để giúp chữa trị những người mắc chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Bằng cách nuôi dưỡng nhận thức không phản hồi đối với cảm giác thèm muốn khi chúng trào dâng, từ đó giảm thiểu lo âu và tăng cường khả năng tự điều chỉnh chính mình, hỗ trợ các cá nhân trong hành trình phục hồi của họ.
Trong khi đó, bà Rev. Angel Kyodo Williams, Lama Rod Owens, và Tiến sĩ Jasmine Syedullah, trong cuốn sách “Pháp căn bản: Nói về chủng tộc, tình yêu và giải phóng” (Radical Dharma: Talking Race, Love, and Liberation), đã hướng chúng ta đến Chính Đạo đầu tiên của Đức Phật thông qua việc đưa ra một số câu hỏi mà một người có thể tự vấn vào thời điểm cơn nghiện trào dâng:
Còn nơi nào bạn không cảm nhận được?
Bạn đang từ chối phần nào trong chính mình?
Bạn không yêu thích khía cạnh nào?
Sự thật nào khiến bạn không sẵn sàng chấp nhận?
(Radical Dharma: Talking Race, Love, and Liberation, 103)
Ảnh: Internet
Chính bằng cách tự mình đối mặt với những câu hỏi này, chúng ta đã tạo ra cơ hội để thoát khỏi sự thiếu hiểu biết vốn có của mình. Cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia, thừa nhận những giới hạn về năng lực của bản thân và sự cần thiết của tha lực, ví như trong giáo lý của Tịnh Độ. Chúng ta có thể từ bỏ thói quen bám víu vào những điều không chắc chắn và sẵn sàng cho sự độc lập, tự do của tâm trí.
Hướng thứ hai mà người Phật tử có thể giải quyết việc lạm dụng chất gây nghiện đó là xem xét các vấn đề xã hội. Cách nhìn nhận này dựa theo sự phát triển của Phật giáo nhập thế, nỗ lực đưa quan điểm và thực hành Phật giáo vào các lĩnh vực chính trị và xã hội. Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng ngay cả khi tu tại gia, ở những nơi khiến chúng ta thoải mái như là ở nhà hay như khi đi làm, chúng ta vẫn có chung mối liên hệ cơ bản với tất cả chúng sinh, kể cả những người mắc chứng nghiện ma túy.
Giải pháp Phật Pháp nhập thế được xuất phát từ Phật Giáo Đại Thừa với mục tiêu là việc giải thoát tất cả chúng sinh cần được lan rộng trên toàn cầu. Giải pháp này khơi dậy lòng trắc ẩn sâu trong ý thức của chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh mọi người có lòng trắc ẩn rất ít với những cá nhân bị cuốn vào vòng xoáy lạm dụng ma túy. Còn ở đây, chúng ta có thể đặt bản thân vào vị trí của người nghiện, mong muốn được người khác đối xử như thế nào thì chúng ta đối xử với họ như thế đó. Khi giải quyết vấn đề lạm dụng chất gây nghiện, cách thực hành tâm từ bi tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự chấp nhận, tha thứ và đồng cảm với bản thân và những người bị ảnh hưởng bởi nghiện khác.
Nói về tha thứ, Charles Goodman trong cuốn sách “Quả ngọt từ bi: Giải thích và bảo vệ giáo lý Phật Đà” (Consequences of Compassion: An Interpretation and Defense of Buddhist Ethics), có một chương nói về sự trừng phạt từ góc độ Phật giáo. Mặc dù nó không đề cập cụ thể đến việc nghiện thuốc và khía cạnh luật pháp liên quan đến nó, nhưng nếu đem áp dụng vào trong trường hợp này cũng có nhiều điểm đúng.
Goodman viết rằng điểm nổi bật của giáo lý Phật Đà là nhìn thế giới từ nhiều góc độ, bao gồm cả góc nhìn của những người phạm tội. Bằng cách đó, chúng ta có thể giảm bớt sự tức giận và nuôi dưỡng thái độ tích cực và hữu ích hơn. Goodman đưa ra một nghiên cứu điển hình về việc này trong một thí nghiệm:
Các nhà tâm lý học Arthur G. Miller, Anne K. Gordon và Amy M. Buddie yêu cầu các đối tượng thử nghiệm đọc các báo cáo về tội phạm và sau đó viết phân tích về nguyên nhân phạm tội. Các đối tượng nghiên cứu cũng được yêu cầu đưa ra phán xét về phạm nhân và thái độ yêu ghét dựa trên thang điểm. Một số người sẽ tiến hành phán xét và đánh giá sau khi viết lời phân tích, một số người thì ngược lại. Kết quả như sau:
Những người phân tích nguyên nhân phạm tội trước, đánh giá phạm nhân sau có xu hướng minh oan cho phạm nhân. Họ thể hiện sự đồng cảm nhiều hơn, cho rằng tội ác của phạm nhân là do sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh. So với những người thực hiện theo chiều hướng ngược lại thì họ đánh giá phạm nhân tốt hơn. Họ cũng đề nghị giảm hình phạt và ít coi phạm nhân như mối nguy hiểm cho xã hội hơn là nhóm người còn lại.
(Goodman, 192)
Goodman kết luận: “Dường như những bằng chứng theo góc nhìn tâm lý đang bắt đầu ủng hộ quan điểm truyền thống của Phật giáo, rằng hiểu là tha thứ. Sự mong muốn tạo ra những hình phạt khắc nghiệt thường xuất phát từ nguồn cơn tức giận, không muốn nhìn vào logic của sự thật.” (193)
Hiệp hội Luật sư Quốc tế chỉ ra những điểm mà sự hiểu biết và tha thứ đã giúp định hình chính sách trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh một số quốc gia đã hợp pháp hóa nhiều loại ma túy với số lượng nhỏ, mục đích là loại bỏ trừng phạt với hầu hết người sử dụng ma túy.
Bà Felicity Gerry KC, cán bộ liên lạc của Diễn đàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Luật hình sự IBA và là luật sư tại Libertas Chambers ở London, cho biết: “Một trong những thách thức chính mà báo cáo đưa ra đó là làm thế nào để thoát khỏi các giải pháp, các điều luật mang tính quân phiệt đối với “cuộc chiến chống ma túy” và thay vào đó bằng giải pháp y tế, luật và giáo dục cộng đồng đối với việc sử dụng và lạm dụng ma túy.” Cô còn chia sẻ: “Một thách thức khác là xóa đói giảm nghèo, bóc lột trong sản xuất và buôn bán ma túy, cho dù chúng ta tự do hóa hay bắt giữ hàng loạt đều không phải là giải pháp bền vững.” (theo Hiệp hội luật sư quốc tế)
Tuy nhiên bà Gerry KC cũng chỉ ra rằng nếu chỉ áp dụng những giải pháp này thì không giải quyết được tình hình. Các vấn đề mang tính hệ thống rộng hơn, bao gồm việc làm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe phải được giải quyết để mọi người cảm thấy không cần phải mạo hiểm sức khỏe của mình hay phải chịu trừng phạt pháp luật chỉ vì một chút “thả lỏng” nhất thời.
Mặc dù bà Gerry chỉ ra rằng, các vấn đề mang tính hệ thống cần được giải quyết trước vấn đề lạm dụng chất kích thích, điều đó cũng đưa chúng ta quay trở về với câu hỏi ban đầu: Liệu chúng ta có thể giải quyết nguồn cơn ham muốn chất nghiện hay không? Đáp án là có thể. Nếu chúng ta hướng tới xã hội và đảm bảo được khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cơ hội làm việc, và ổn định kinh tế.
Mặc dù điều đó không nhất thiết phải phù hợp với một số cách hiểu về con đường Phật giáo. Nhưng chúng ta có thể thấy được đây chính là lý tưởng tâm Bồ Tát rộng lớn của Phật giáo Đại thừa cũng như mục đích của Phật Pháp nhập thế đó là giảm bớt đau khổ của xã hội.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn: Buddhistdoor Global