Xu hướng mới: Tái chế khí carbon dioxide (CO2) để sản xuất thực phẩm

Ý tưởng thức ăn chay được tạo ra từ CO2 ngày càng được nhiều phòng nghiên cứu và các doanh nghiệp đón nhận. Liệu đây có thể là nguồn thức ăn được đón nhận rộng rãi trong tương lai?

Ý tưởng bơ nhân tạo được làm từ CO2

Tỷ phú Bill Gates ủng hộ sản phẩm bơ nhân tạo làm từ CO2

Một công ty khởi nghiệp tại California, Mỹ, tên là Savor đã tạo ra một loại bơ nhân tạo từ khí CO2 nhằm giảm mạnh lượng khí thải carbon và lượng nước tiêu thụ trong quá trình sản xuất nông nghiệp truyền thống. Ý tưởng này đã thu hút sự quan tâm của tỷ phú Bill Gates, đến nay dự án đã nhận được số tiền đầu tư lớn để tiến hành nghiên cứu và quảng bá sản phẩm, dự kiến sẽ được đưa ra thị trường vào năm 2025.

Quá trình chế tạo

Savor đã áp dụng phương trình nhiệt hóa học (thermochemical equation) để tách khí CO2 ra khỏi không khí, sau đó kết hợp với hydro và oxy để tạo thành chất béo. Sau đó họ cho thêm nước, chất nhũ hóa, beta-Carotene dùng để tạo màu, tinh dầu hương thảo để điều chỉnh vị và cuối cùng biến loại chất béo này thành bơ nhân tạo mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như các sản phẩm từ sữa truyền thống khác.

Bill Gates đánh giá cao tiềm năng phát triển của loại bơ nhân tạo này, ông cho biết quá trình sản xuất không thải ra bất kỳ khí nhà kính nào và lượng nước tiêu thụ chỉ bằng 1/1000 so với ngành nông nghiệp truyền thống. “Điều quan trọng hơn cả là đây không phải là bơ thật, nhưng tôi không thể phân biệt được nó có gì khác nhau!”

Thách thức đối với thực phẩm làm từ CO2

CEO Kathleen Alexander, giám đốc điều hành của Savor

Kathleen Alexander, giám đốc điều hành của Savor cho biết, công ty đang trong quá trình thương mại hóa sản phẩm này. Sau khi được cơ quan quản lý phê duyệt, loại bơ nhân tạo thân thiện với môi trường này sẽ được bán ra thị trường. Tuy nhiên, bà Alexander cũng bày tỏ lo ngại về việc liệu người tiêu dùng có chấp nhận loại chất béo tổng hợp có nguồn gốc phi động thực vật hay không. “Mọi người thường yêu thích các sản phẩm từ sữa và thịt, vì vậy việc thuyết phục họ chuyển sang các sản phẩm thực phẩm có được làm từ thí nghiệm sẽ là một thách thức lớn”.

Các sáng kiến khác từ thực phẩm CO2

Không chỉ có Savor, một công ty khởi nghiệp khác của Mỹ là Air Protein cũng đã phát triển thành công loại thịt chay làm từ khí CO2. Được biết protein trong loại thịt này là complete protein (đạm đủ) có nhiều protein hơn so với thịt chay làm từ thực vật và có giá trị dinh dưỡng tương đương với thịt gà, thịt lợn, thịt bò và thịt cừu. Về ngoại hình, loại thịt nhân tạo này giống như bột mì nguyên cám và có thể được chế biến thành các sản phẩm như bánh mì kẹp thịt, thịt gà chay hoặc các loại sản phẩm được làm từ thịt khác.

Tại Trung Quốc, các nhà khoa học đã thành công trong việc chuyển đổi khí CO2 thành tinh bột. Nhóm nghiên cứu do Viện trưởng Mã Diên Hòa của Viện Công nghệ Sinh học Công nghiệp Thiên Tân thuộc Viện Khoa học Trung Quốc dẫn đầu. Viện trưởng Mã cho biết, 1,5 gram CO2 có thể tạo ra 1 gram tinh bột và hiện tại công nghệ này đã bước vào giai đoạn kiểm nghiệm công trình này, tạo một bước tiến lớn cho ngành công nghiệp sản xuất. Điều này có nghĩa là trong tương lai, khi công nghệ ngày càng hoàn thiện và chi phí giảm, con người có thể sản xuất tinh bột từ khí CO2 trong các nhà máy và sử dụng chúng để làm bánh bao, cung cấp nguồn thức ăn cho con người.

“Solein là loại thực phẩm thuần tự nhiên nhất” CEO Solar food chia sẻ

Một công ty khởi nghiệp khác đến từ Phần Lan là Solar Foods đã đầu tư khoảng 40 triệu Euro để xây dựng nhà máy sản xuất sinh khối (biomass) đầu tiên. Nhà máy này sử dụng vi sinh vật đặc biệt để “sản xuất” protein từ khí CO2 và hydro mà không cần bất kỳ chất dinh dưỡng nào khác. Nhà máy có một bể lên men dung tích 20.000 lít và có thể sản xuất 160 tấn sinh khối mỗi năm, đủ để chế biến 6 triệu bữa ăn.

Phật sự Tản Viên biên dịch

                                                     Nguồn tham khảo: Buddhist Door

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares