Ý nghĩa của từ “Vu Lan Bồn”

Dịp lễ Vu Lan hay Vu Lan Bồn là một trong những đại lễ báo hiếu quan trọng, được tổ chức vào Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Có nhiều người thắc mắc rằng ý nghĩa của từ Vu Lan Bồn là gì? Mời quý vị cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu ý nghĩa của từ Vu Lan bồn nhé.

Vu Lan Bồn là gì?

Vu Lan bồn tiếng Phạn là “Ullambana”. Trong đó, Ullam dịch là “treo ngược” (đảo huyền), được ví cho sự thống khổ của người chết như bị treo ngược; chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana” tạm dịch là “cứu giúp”. 

Âm Hán Việt của cụm tiếng Phạn trên là giải đảo huyền. Thực tế, từ giải đảo huyền được các người sư lấy ý từ câu: Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã trong Mạnh Tử, chương 3 Công Tôn Sửu Thượng, chỉ sự “giải thoát khỏi địa ngục cho những kẻ khổ sở tột cùng”. 

Ở Việt Nam, Vu Lan bồn được hiểu là cứu giúp cho những chúng sinh bị trói buộc trong nỗi khổ. Như vậy chúng ta có thể hiểu từ “Vu Lan bồn” có nghĩa là giải cứu người bị tội thống khổ tột cùng. Vu Lan bồn cũng được viết tắt là Vu Lan.

Nguồn gốc của lễ Vu Lan bồn

Lễ Vu Lan bồn có nguồn gốc từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy pháp báo hiếu cha mẹ ở đời này cũng như tổ tiên ông bà cha mẹ của nhiều đời trước cho vị đại đệ tử của đức Phật là Đại hiếu Mục Kiền Liên.

Theo Kinh Vu Lan bồn, ngày xưa, khi ngài Mục Kiền Liên tu hành chứng quả A La Hán, đầy đủ lục thông và tưởng nhớ mẹ mình. Ngài đã dùng huệ nhãn tìm kiếm mẹ khắp nơi trong lục đạo rồi thấy mẹ mình là bà Thanh Đề đang bị đọa trong cõi ngạ quỷ, phải chịu đói khát khổ sở vô cùng.

Ngài liền dùng thần thông xuống cõi ngạ quỷ để dâng cơm cho mẹ của mình. Thế nhưng do tham sân che phủ, ác nghiệp nặng nề, nên khi bà Thanh Đề bốc cơm đưa vào miệng thì lập tức bà thấy cơm biến thành hòn than nóng không thể ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên lúc đó cũng không có cách nào cứu được mẹ nên Ngài liền quay về thưa hỏi đức Phật. 

Đức Phật chỉ dạy: “Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào thì một mình ông cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ oai lực của chư tăng khắp mười phương, sau ba tháng an cư kiết hạ cùng tập trung tụng kinh chú nguyện mới mong giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ”. 

Tuân theo lời đức Phật chỉ dạy, tôn giả Mục Kiền Liên cung thỉnh mười phương tăng, và sắm sửa lễ cúng vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch. Nhờ vào đó mà mẹ của Ngài được giải thoát cảnh khổ, về sau được sinh lên cõi trời. Nhân đây, đức Phật cũng dạy rằng: Tất cả chúng sinh, mọi người ai muốn báo hiếu cho cha mẹ hiện đời cũng như tổ tiên nhiều kiếp thì hãy thực hành theo pháp Vu Lan. 

Lễ Vu Lan trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng tình mẫu tử, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn. 

Nghi thức lễ Vu Lan Bồn

Nghi thức lễ Vu Lan bồn dựa theo “Vu Lan bồn kinh” được sáng tạo từ thời Lương Hoàng đế Tiêu Diễn. Đến đời Tống ý nghĩa cúng dường dần được thay thế bằng hình thức siêu độ vong linh cho người đã khuất qua nghi thức tụng kinh cúng thí thực.

Khi truyền bá vào Việt Nam, lễ Vu Lan bồn còn được gọi là Vu Lan báo hiếu. Thời gian diễn ra lễ Vu lan vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, trùng với ngày lễ xá tội vong nhân. Tuy nhiên vào dịp này, mọi người không chỉ thực hành nghi thức Vu Lan trong ngày rằm tháng 7, mà còn thực hành trong tháng bảy âm lịch.

vu lan bồn

Vi vậy, tháng này cũng được coi là tháng báo hiếu. Trong thời gian này, các Phật tử đến chùa đọc kinh, niệm Phật cầu cho vong linh người thân quá cố được siêu thoát. 

Nói đến Vu Lan là nói về hai đấng sinh thành cha mẹ đã có công sinh dưỡng. Những người đã tận tụy hi sinh cả cuộc đời mình, thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm sương để lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ và nuôi nấng, dạy dỗ các con nên người. 

Ngày Lễ Vu Lan để mỗi người con nhớ đến công ơn, sự hy sinh vô bờ bến và tình yêu thương bao la của cha mẹ. Công ơn đó lớn tựa như trời cao biển rộng, khó có thể đáp đền. Chính vì vậy, ca dao Việt Nam có câu:

Công cha như núi Thái Sơn 

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra 

Một lòng thờ mẹ kính cha 

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con 

Khi tham dự lễ Vu Lan tại chùa, mỗi người sẽ được cài một bông hoa hồng lên ngực áo. Người còn cha mẹ sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng đỏ. Trong trường hợp chỉ còn cha hoặc mẹ, người dự lễ sẽ được cài bông hoa màu hồng nhạt. Hoa hồng trắng cài trên ngực áo dành cho những người đã mất cả cha và mẹ.

Mỗi bông hồng cài áo như một lời nhắc nhở mỗi người con phải biết tôn kính và quý trọng, yêu thương cha mẹ của mình kể cả khi cha mẹ còn hiện hữu trên đời cũng như khi cha mẹ đã không còn ở bên ta nữa.

Kết luận

Vu Lan bồn hay Vu Lan còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong các ngày lễ lớn của đạo Phật nhằm tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Qua hàng nghìn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, giờ đây lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ của Phật giáo mà trở thành ngày lễ báo hiếu của người dân Việt Nam. 

Phật Sự Tản Viên tổng hợp

Loading

One thought on “Ý nghĩa của từ “Vu Lan Bồn”

  1. Pingback: Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Vu Lan báo hiếu - Phật Sự Thủ Đô

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares