Bài viết của Phó giáo sư Matthew D. Sacchet, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thiền tại Đại học Y Harvard và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho thấy thiền ở mức độ nâng cao có thể làm thay đổi ý thức và nhận thức về bản ngã của con người.
Thiền nâng cao – Xu hướng nghiên cứu mới
Hiện nay, hàng triệu người trên thế giới đã và đang sử dụng thiền như một công cụ để nâng cao sức khoẻ tổng thể, giảm căng thẳng, và tăng năng suất làm việc một cách hiệu quả. Các nghiên cứu tập trung vào thiền cũng phát triển mạnh mẽ với tốc độ tương tự. Nhìn vào lịch sử các nghiên cứu về thiền, ta có thể thấy rõ 3 đợt “sóng”:
- Những năm 90 đến đầu những năm 2000: Đánh giá tiềm năng lâm sàng và trị liệu của thiền.
- Đầu những năm 2000: Khám phá cơ chế đằng sau lợi ích của thiền.
- Hiện tại: Tập trung nghiên cứu “thiền nâng cao” – trạng thái và giai đoạn thực hành ở mức độ cao và sâu hơn.
Các nghiên cứu ở giai đoạn 3 này không chỉ tập trung vào các giai đoạn và phương pháp thiền, mà còn cả những “điểm kết” của thiền, hay nói cách khác là những kết quả của thiền nâng cao. Một trong những kết quả được nhắc đến rất nhiều trong các văn bản Phật giáo là “giác ngộ”.
Thiền định nâng cao: Khi tâm trí được giải phóng
Với các biện pháp hiện đại như chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp,…, nhóm nghiên cứu của Phó giáo sư Matthew D. Sacchet tại Đại học Y Harvard đã quan sát các hoạt động thần kinh của các thiền giả khi đang ở trạng thái thiền định sâu. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên đưa ra các bằng chứng sinh học của trạng thái này, đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường dẫn tới sự thấu hiểu toàn diện về thiền nâng cao và những lợi ích thực sự của nó.
Kết quả nghiên cứu trên đạt được là bằng chứng sinh học về trạng thái “Thiền định cao cấp” ( Advanced Concentrative Absorption Meditation, ACAM).
Một trong những hình thức cho kết quả trên là jhana của Phật giáo Nguyên thuỷ. Theo kết quả nghiên cứu, những người thực hành jhana đạt đến trạng thái bình tĩnh, không trói buộc, tâm trí sáng rõ, và nhận thức vượt ra khỏi bản ngã. Họ cũng có một ý thức cởi mở, trạng thái tinh thần dễ tiếp thu, dễ thích nghi, và dễ chấp nhận những quan điểm nằm ngoài những định kiến về thế giới thường thấy ở con người.
Nhằm tìm ra những đặc điểm của hoạt động não trong trạng thái ACAM, các nhà nghiên cứu đã thu thập 27 mẫu chụp MRI của một thiền giả với 25 năm kinh nghiệm và hơn 20.000 giờ thực hành khi trong trạng thái thiền định nâng cao.
Nhóm nghiên cứu đã xác định được những hoạt động não bộ vô cùng độc đáo ở vỏ não (cortex), subcortex (phần nằm ngay dưới vỏ não), thân não (brainstem), và tiểu não (cerebellum) khi thiền giả ở trạng thái ACAM. Họ cũng quan sát thấy mối tương quan giữa các hoạt động này với các trạng thái tinh thần như tập trung, hạnh phúc, thoải mái, bình tĩnh, và một cảm giác vô hình vô dạng. Các hoạt động não này hoàn toàn khác biệt với các hoạt động não ở trạng thái ý thức thông thường.
Thiền định nâng cao thay đổi ý niệm về bản ngã
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện tại Trung tâm Thiền của Đại học Massachusetts, các nhà nghiên cứu đã sử dụng EEG (điện não đồ) để quan sát các hoạt động não bộ của 30 thiền giả cấp cao đang tu tập theo phương pháp thiền truyền thống của Phật giáo Tây tạng.
Kết quả chỉ ra rằng, mật độ EEG giảm hẳn trong trạng thái thiền định nâng cao. Hiệu ứng này mạnh nhất ở các vùng não liên quan đến quá trình tự quán chiếu và vùng kiểm soát hoạt động cơ thể. Một vài bằng chứng cũng cho thấy các phương pháp thiền nâng cao có thể làm giảm sự tập trung của tâm trí vào bản thân.
Thiền nâng cao: Con đường đến Diệt?
Một nghiên cứu khác của nhóm nghiên cứu Harvard/Massachusetts lần đầu tiên ghi nhận sự kiện “ngừng hoạt động” (Cessation) – trạng thái mất ý thức hoàn toàn. Trạng thái này hoàn toàn khác với tình trạng bất tỉnh do thuốc mê, hôn mê, các chấn thương thể chất như chấn thương đầu, hay các trạng thái tự nhiên như ngủ.
Không như các trạng thái kể trên, “ngừng hoạt động” được ghi nhận là trạng thái ý thức đỉnh điểm trong thiền nâng cao, trong đó, sự tự nhận thức và các giác quan tạm đình chỉ hoàn toàn.
Sau khi trạng thái “ngừng hoạt động” kết thúc, thiền giả có một sự thay đổi sâu sắc trong quan điểm tinh thần và sức khỏe, bao gồm cả sự minh mẫn trong trí óc và một cảm giác đổi mới hoàn toàn. Trong Phật giáo Nguyên thuỷ, trạng thái này được gọi là Diệt (Nirodha) – sự chấm dứt khổ.
Tài liệu tham khảo
- SACCHET, M. D., & BREWER, J. A. (2024). Beyond Mindfulness. Scientific American Magazine, 331(1). https://doi.org/10.1038/scientificamerican072024-2ceUwYKmYLSkfiDRg1gLC1
Phật sự Tản Viên lược dịch
Nguồn tham khảo: Scientific American