Hàng năm cứ đến tháng 7 âm lịch mùa Vu Lan, những người con Phật lại thể hiện tinh thần tri ân, báo ân các đấng sinh thành.
Nguồn gốc mùa Vu Lan
Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện tấm gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên – cứu mẹ khỏi ngục A Tỳ. Sau khi hành theo lời Đức Phật dạy, Tôn giả Mục Kiền Liên đã cùng với chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ tập trung chú nguyện để hóa giải nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ.
Noi theo lời Đức Phật chỉ dạy từ ngàn xưa: Ngày rằm tháng Bảy là ngày tự tứ của chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ sách tấn tu hành. Ngày ấy cũng là ngày chư Phật hoan hỉ, người đệ tử Phật nên thiết lễ đàn tràng, cúng dàng trai tăng và làm nhiều việc phúc thiện để nương vào ruộng phúc điền của Tam Bảo, cầu nguyện những điều an lành. Từ đó, lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ lớn của Phật giáo ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á.
Qua gần 2000 nghìn năm Phật giáo du nhập vào Việt Nam, không chỉ đồng hành mà còn giao thoa với nền văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Trong tiềm thức của mỗi người con Phật, tháng 7 là tháng báo Hiếu, báo ân, phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.
Đây là thời gian để mỗi người con Phật thêm khắc sâu và đền đáp 4 công ơn to lớn là: ân quốc gia xã hội; ân Tam bảo Sư trưởng; ân dưỡng dục sinh thành của cha mẹ và ân đà na tín thí.
Theo truyền thống quan niệm dân gian Việt Nam
Còn theo truyền thống quan niệm dân gian Việt Nam thì tháng 7 âm lịch là tháng mở cửa địa ngục xá tội vong nhân.
Giữa quan điểm Phật giáo và văn hóa dân gian, dù là ý nghĩa nào đi nữa, thì nghi lễ Vu Lan và Rằm Tháng 7 xá tội vong nhân đều là truyền thống thể hiện chữ Hiếu và tư tưởng nhân văn nhân ái của người Việt. Vậy nên, đây còn được gọi là tháng báo hiếu, tháng của hiếu đạo.
Vào dịp này, những người Phật tử nói riêng và người Việt Nam nói chung đều hướng về cha mẹ, tổ tiên để báo hiếu. Do đó, các Phật tử thường làm các việc thiện như đi chùa, tu phúc, phóng sinh, bố thí, cúng dàng, làm từ thiện và đặc biệt là cầu siêu cho người đã khuất để tích phúc cầu an, cầu mong cho cha mẹ hiện tiền được tăng phúc tăng thọ, cầu cho tổ tiên và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp siêu sinh và cầu mong một mùa Vu Lan hiếu hạnh viên mãn, gia đình đầm ấm sum vầy.
Kết Luận
Ngày nay, lễ Vu Lan không chỉ dành riêng cho những người Phật tử, mà ngày này còn là một trong những đại lễ của người dân Việt Nam, mang ý nghĩa sâu sắc nhớ về cội nguồn dân tộc, nhắc nhở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với tổ tiên.
Đây cũng là dịp nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.
Phật Sự Tản Viên thực hiện