Vừa qua, Trung tâm Phật giáo Tây Tạng ở Singapore đã tổ chức chương trình triển lãm về di sản khảo cổ và lịch sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đặc biệt, tại không gian triển lãm, Ban Tổ chức đã trưng bày xá lợi quý giá của Đức Phật.
Trung tâm Phật giáo Tây Tạng ở Singapore được thành lập vào năm 2006, dưới sự cố vấn và chỉ đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động với mục đích là để truyền bá Phật pháp, quảng bá văn hóa Tây Tạng và thúc đẩy sự thống nhất và hòa hợp giữa tất cả các truyền thống Phật giáo. Trung tâm cũng thường tổ chức các lớp giáo lý, do vị thầy Geshe Lobsang Yonten giảng dạy.
Chủ đề của cuộc triển lãm lần này là: “Vượt thời gian: Di sản Xá lợi của Phật”. Cuộc triển lãm được tổ chức tại Viện Bảo tàng Rise of Asia, Singapore, kéo dài 5 ngày, từ ngày 24 đến ngày 29/11. Cuộc triển lãm đã thu hút gần 9.000 lượt khách tham quan. Tất cả mọi người đến triển lãm đều háo hức muốn được chiêm bái xá lợi thiêng liêng của Đức Phật.
Mọi người đến chiêm bái xá lợi Phật tại khu triển lãm
Ông Wee Nee, chủ tịch Trung tâm Phật giáo Tây Tạng ở Singapore, trưởng Ban Tổ chức triển lãm, phát biểu rằng: “Chúng tôi rất vui mừng trước sự đón nhận tích cực của công chúng. Sự đón nhận tích cực ấy đã khích lệ chúng tôi, thúc đẩy chúng tôi tổ chức thêm một cuộc triển lãm và trưng bày xá lợi Phật trong tương lai. Và chúng tôi cũng hy vọng cuộc triển lãm lần thứ 2 sẽ có quy mô lớn hơn, hy vọng cuộc triển lãm sẽ làm tỏa sáng những giá trị văn hóa và lịch sử phong phú của Phật giáo”.
Tâm điểm của triển lãm mang tính bước ngoặt lần này là khu trưng bày 7 viên xá lợi xương của Phật và một bát khất thực, tất cả đều được cho là của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Những viên xá lợi và bình bát đã được tìm thấy vào năm 1898, tại một địa điểm ở làng Piprahwa, gần thành phố Siddharthnagar, thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Đây là nơi nổi tiếng với các cuộc khai quật khảo cổ Phật giáo. Và đến nay vẫn có nhiều người cho rằng, Piprahwa chính là di tích của thành Ca-tỳ-la-vệ năm xưa, nơi hoàng tộc Thích Ca, gia tộc của Đức Phật Thích Ca đã sinh sống.
Theo sử liệu ghi chép, sau khi đức Phật Thích Ca nhập diệt, nhục thân của ngài được trà tỳ và xá lợi của Ngài đã được phân chia cho 8 vị quốc vương của 8 nước tại Ấn Độ lúc bấy giờ, trong đó có hoàng tộc Thích Ca. Sau khi tiếp nhận xá lợi Phật, các quốc vương đều xây bảo tháp để chiếm bái, phụng thờ .
Du khách đến tham quan khu triển lãm
Bên cạnh đó, cuộc triển lãm còn trưng bày một bộ sưu tập độc đáo gồm 31 bức tranh Thangka. Ngoài ra, tại không gian triển lãm còn có các tác phẩm nghệ thuật về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – từ khi Ngài sinh ra ở Lâm Tỳ Ni cho đến khi nhập Niết bàn tại rừng Sa-la song thọ ở Câu Thi Na, những bức tranh về các câu chuyện tiền thân của Phật, và những lời dạy sâu sắc của Phật về lòng từ bi, trí tuệ và giải thoát.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng đã tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ của cuộc triển lãm, như là tổ chức các buổi thiền hành nhiễu quanh bảo tháp tôn trí xá lợi Phật, chiếu phim tài liệu về xá lợi xương của Phật, và tụng kinh chúc phúc cho những người đến tham quan.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door