Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan báo hiếu là dịp quan trọng trong năm để mỗi người tưởng nhớ, và đền đáp công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ. Nguồn gốc của

Lễ Vu Lan báo hiếu là dịp quan trọng trong năm để mỗi người tưởng nhớ, và đền đáp công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ. Nguồn gốc của lễ Vu lan như thế nào và ý nghĩa ngày lễ Vu Lan là gì? Để giải đáp thắc mắc trên, kính mời quý vị hãy theo dõi bài viết này để tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa lễ Vu Lan báo hiếu.

Nguồn gốc lễ Vu Lan

Trong Kinh Nhẫn Nhục, Đức Phật chỉ dạy: “Thiện cùng cực không gì hơn hiếu, ác cùng cực không gì hơn bất hiếu”. Do đó, từ xưa đến nay, hiếu hạnh luôn được xem là đức hạnh đứng đầu, như khuôn vàng thước ngọc dùng để đánh giá đạo đức con người.

Lễ Vu Lan viết đầy đủ Vu Lan bồn và cũng có cách gọi khác là lễ Vu Lan báo hiếu. Lễ này có nguồn gốc xuất phát trong truyền thống Phật giáo Bắc tông. Đây là câu chuyện kể về một tấm gương hiếu thảo là Đại hiếu  Mục Kiền Liên Bồ tát, ngài là một trong 10 đại đệ tử của Đức Phật, chuyện được thuật lại trong Kinh “Kinh Vu Lan Bồn”. Tôn giả Mục Kiền Liên có năng lực hiếu độ vô biên đã giúp cho mẹ mình thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

Cảm động trước lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên, Đức Phật đã dạy các đệ tử về nghi lễ cúng dường chư Tăng sau mùa an cư để giải thoát cho cha mẹ và những người quá cố. 

Từ đó, để phát huy tấm gương hiếu thảo của ngài Mục Kiền Liên, nhiều chùa đã tổ chức Đại lễ Vu lan Báo Hiếu vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm, trùng với Tết Trung nguyên và ngày lễ Xá tội vong nhân. Đây cũng được coi là ngày lễ quan trọng của Phật giáo và trong phong tục văn hóa Á Đông, tại  Việt Nam ta ngày lễ này cũng  gắn bó với truyền thống đạo hiếu của dân tộc.

Lễ Vu Lan báo hiếu là dịp quan trọng trong năm để mỗi người tưởng nhớ, và đền đáp công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ. Nguồn gốc của

Ý nghĩa Lễ Vu Lan báo hiếu

Việt Nam là đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhân lễ nghĩa và thờ kính cha mẹ từ ngàn xưa. Do đó, Vu Lan được xem là ngày lễ thiêng liêng của những người con tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên.  

Đồng thời giúp mỗi người tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân văn của Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”. Đây là nét đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc ta từ đó mà mỗi con người chúng ta luôn nhớ đến bài học về chữ Hiếu thiêng liêng.

Giáo lý của nhà Phật đề cao đức hạnh của lòng hiếu thảo, tinh thần tri ân và báo ân, biết ơn nguồn cội tổ tông, cũng như đề cao hạnh thực hành tâm hương. Trong muôn loài hoa, dù là loại hương hoa tinh túy nhất của đất trời, thì hương của nó cũng chỉ bay được theo chiều gió. Chỉ có duy nhất tâm hương là có thể lan tỏa khắp muôn phương theo ngược chiều gió, đi ngược lại cả quy luật của tạo hóa. Và hiếu hạnh chính là một trong những đức tính của tâm hương. 

Do đó, trong những năm gần đây, lễ Vu Lan không chỉ diễn ra trong phạm vi của các tín đồ Phật giáo mà đã trở thành một văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt. Vì vậy, lễ Vu Lan được tổ chức rộng khắp cùng các nghi thức Vu Lan trang nghiêm giúp những người con, cháu bày tỏ lòng biết ơn và cầu siêu cho những người đã khuất. 

Lễ Vu Lan tụng đọc kinh gì?

Trong dịp lễ Vu Lan, ngoài ngày lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch thì từ đầu tháng 7, Chư Tăng, Ni, Phật tử và những người con trong gia đình cũng thường tụng kinh để hồi hướng công đức, mong cầu bình an cho cha mẹ. 

Việc tụng kinh không chỉ giúp người tụng có được quãng thời gian gác lại phiền não mà còn giúp tránh xa những ý niệm xấu, từ đó giúp giảm bớt tội chướng, nghiệp chướng và tăng thêm công đức, phước báo cho bản thân, gia đình. 

Đối với việc tụng kinh trong dịp lễ Vu Lan, mỗi người thực hành không chỉ với mục đích cầu an cho cha mẹ, mà còn là để cầu siêu, nhờ sức chú nguyện thanh tịnh, hoán đổi tâm niệm xấu của người đã khuất để giúp họ sớm ngày được sinh về thế giới an lạc. Đây cũng là cách để báo hiếu, báo ơn đối với những bậc sinh thành đã khuất, khi chúng ta không còn có thể làm được gì nhiều để bày tỏ tấm lòng kính hiếu. 

Về thời gian tụng kinh, Phật tử có thể tụng kinh vào các ngày trong tháng dịp lễ Vu Lan hay tụng kinh vào các khoảng thời gian rảnh trong ngày/trong tuần. Phật tử tùy duyên có thể tụng đọc các bài kinh sau: 

Kinh A Di Đà

Đây là một bản kinh rất phổ biến được tụng đọc hàng ngày trong các chùa, cũng như nhiều Phật tử tại gia theo truyền thống Bắc tông, đặc biệt là các Phật tử theo pháp môn Tịnh độ. Kinh A Di Đà là bộ kinh giới thiệu về Đức Phật A Di Đà và cõi nước của Ngài. Hành giả tụng kinh A Di Đà theo lời Đức Phật đã dạy trong kinh, giữ được lòng Tin sâu, Nguyện thiết, Hạnh chuyên. Nhất tâm niệm danh hiệu của Phật A Di Đà sẽ được cả mười phương chư Phật hộ niệm. Khi xả bỏ báo thân, thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ, sẽ được Phật Di Đà cùng thánh chúng, đón về cõi Tây phương Cực Lạc. Phật tử cũng có thể đem công đức tụng Kinh này để hồi hướng cho gia tiên, cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, mong họ kết nhân duyên với Phật Di Đà và cõi Tịnh độ, nhất tâm niệm Phật cũng sẽ được vãng sinh như ý nguyện.

Kinh Địa Tạng 

Kinh Địa Tạng là một bản kinh rất phổ biến được tụng đọc thường xuyên tại nhiều ngôi chùa cũng như tại tư gia của các Phật tử, đặc biệt vào dịp lễ Vu Lan Rằm tháng Bảy Âm lịch. Theo Kinh điển Phật giáo, Địa Tạng Bồ Tát từ vô lượng kiếp về trước Ngài đã phát lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh và nguyện không chứng đắc Phật quả nếu không độ hết chúng sinh đang chịu khổ, đặc biệt là chúng sinh trong cõi địa ngục. Ngài Địa Tạng Bồ Tát chính là Giáo chủ cõi U Minh, phổ độ chúng sinh ở cõi U Minh tối tăm. Địa Tạng Bồ Tát là vị Bồ tát thật sự có nhân duyên sâu dày với cõi Nam Diêm Phù Đề. Vì vậy, các Phật tử chúng ta hãy cùng nhau cố gắng nỗ lực tu tập, tụng trì bộ kinh này cũng như học theo tấm gương hiếu hạnh của Ngài để lợi lạc cho chính bản thân và gia tiên mình giúp cho “âm siêu, dương thới” nơi nơi đều bình an.

Kinh Vu Lan báo hiếu 

Kinh Vu Lan hay Kinh Vu Lan Báo Hiếu là bài kinh ghi lại lời Đức Phật dạy, nhân sự việc một hôm Đức Phật trên đường đi khất thực liền gặp một đống xương khô, và ngài đã ngay lập tức quỳ lạy những đống xương ấy. Khi ngài thị giả A Nan thưa hỏi Đức Phật vì sao Ngài là một đấng thế tôn lại quỳ lạy đống xương khô đó. Đức Phật đã giải đáp cho A Nan rằng: Có thể những bộ xương khô đó từng là ông bà, cha mẹ hoặc từng là thân của Ngài, cũng có thể đó từng là thân của con của Ngài. Theo lục hồi sinh tử, những bộ xương ấy nằm ở đây.

Phật dạy cho đệ tử A Nan rằng cha mẹ đã dày công sinh thành nuôi dưỡng từ lúc mang bào thai, cho đến khi sinh nở và cho đến lúc nuôi con cái trưởng thành. Công ơn từ mẫu, gồm có mười điều, phàm kẻ làm con phải lo báo hiếu; trong các tội, tội bất hiếu là tội trọng nặng nhất. 

Kinh Vu Lan là một bản kinh phổ biến thường được đọc tụng trong nhiều ngôi chùa và tư gia Phật tử trong dịp lễ Vu Lan rằm tháng Bảy. Ngoài ra, kinh cũng thường được đọc tụng hàng ngày hoặc trong các dịp lễ hướng thượng để tri ân công ơn của mẹ cha.

Vì vậy, các Phật tử chúng ta hãy trì tụng kinh này tu tập và học tập theo tinh thần hiếu hạnh của Đức Phật cũng như thực hành được sự tri ân và báo ân cha mẹ hiện tiền và cha mẹ tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp đã quá vãng.

Kết luận

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho quý vị về nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Vu Lan báo hiếu, từ đó giúp mỗi người con có thể bày tỏ lòng thành kính đối với cha mẹ, tổ tiên và cùng nhau vun đắp những giá trị đạo đức tốt đẹp trong gia đình và xã hội.

Phật Sự Tản Viên tổng hợp

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares