Ngày 31/3 (Nhằm ngày 22/2/Giáp Thìn), tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát huy truyền thống “Phụng Đạo, yêu Nước, hộ Quốc, An Dân” của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường”.
Hội thảo khoa học quốc gia do Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư kết hợp cùng Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp tổ chức hướng tới chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2024, Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Điện Biên Phủ và các ngày lễ lớn của dân tộc.
Về phía GHPGVN hội thảo khoa học quốc gia cung đón sự quang lâm chứng minh của chư tôn Đức Giáo phẩm trong Ban Thường trực Hội đồng trị sự Trung Ương GHPGVN, Chư Tôn Đức Thường trực ban Hướng dẫn Phật Tử Trung Ương, Chư tôn đức Ban Thường Trực các Ban – Viện Trung Ương GHPGVN.
Về phía đại biểu khách quý, có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng nhà nước. Các ông bà đại diện các Ban, Bộ ngành của Trung Ương, các Sở, Ban ngành của thành phố Hà Nội và đặc biệt có sự góp mặt của hơn 500 đại biểu là các học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về tôn giáo và hơn 1000 Phật tử đồng về tham dự.
Nhân dịp hội thảo khoa học quốc gia, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi thư chúc mừng với nội dung:
“Nhân Hội thảo này, tôi mong muốn Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạch định chương trình giáo dục thanh thiếu niên Phật tử với các tiêu chí: Giữ gìn Năm giới để giúp cho xã hội an lành, hạnh phúc; học tập và thực hành theo Chánh pháp song song với việc bảo vệ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và cuối cùng là dấn thân hơn nữa vào các chương trình từ thiện, giáo dục để xây dựng một nước Việt Nam văn minh, giàu đẹp, đúng với phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Mở đầu khai mạc Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung Ương phát biểu:
“Để tiếp nối những thành công mà Phật giáo thời Lý, Trần đã đạt được và phấn đấu vươn lên một tầm cao mới, phù hợp với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Để kế thừa và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của Phật giáo thời Lý, Trần, Giáo hội Phật giáo Việt Nam coi trọng việc tăng cường tiếp xúc, mở rộng quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, tích cực tham gia đóng góp vào phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, vận động quần chúng tín đồ Phật tử, Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và các hoạt động từ thiện khác… nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, bền vững từng bước hướng đến hùng cường.”
Trong bài phát biểu đề dẫn, Hòa Thượng Thích Thanh Điện cho biết: Kể từ khi phát động chương trình hội thảo, BTC đã nhận được tổng 285 bài tham luận. Sau quá trình chọn lọc kỹ lưỡng và qua 2 vòng của Hội đồng phản biện thì số lượng bài viết đạt yêu cầu là 165 bài. Tổng số bài tham luận được chia thành 2 cuốn kỷ yếu với cùng chủ đề “Phát huy tinh thần “Phụng Đạo, yêu Nước, hộ Quốc, an Dân” của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường” tập 1 và tập 2. Ngoài ra các bài viết tiêu biểu được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín như 03 bài báo có chỉ số Scopus, 9 bài đăng ở Tạp chí Công tác nghiên cứu tôn giáo có chỉ số ISSN.
Sau buổi lễ Khai mạc, phiên hội thảo đầu tiên đã diễn ra với 5 bài tham luận đóng góp đến từ Chư Tôn Đức và một số nhà khoa học. Các bài tham luận trình bày với các chủ đề đa dạng như: Thành tựu của Phật Giáo thời Lý – Trần đối với các vấn đề chính trị, văn hóa, tư tưởng Phật Giáo,… Đặc biệt, phải kể đến bài tham luận của Thượng Tọa Thích Đức Thiện về những đề xuất áp dụng những tinh hoa của Phật Giáo thời Lý – Trần để phát triển tinh thần hộ quốc, An dân thời kỳ hiện đại hay đề tài “Tư tưởng Phật Giáo xây dựng nhà nước pháp quyền” của Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Huệ Thông.
Buổi hội thảo khoa học quốc gia đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, khi không chỉ có sự trình bày của các bài tham luận mà các nhà học giả, nhân sĩ trí thức, Phật Tử tại hội trường cũng được lắng nghe, đánh giá và trực tiếp nêu ý kiến thảo luận để làm rõ hơn những vấn đề được nêu ra, từ đó tạo tính khách quan thu hút sự đón nhận của đại biểu.
Chiều cùng ngày, hội thảo được chia thành 3 chuyên đề chính diễn ra tại 3 hội trường lớn của cung Văn Hóa Lao Động Hữu Nghị Việt Xô, với 21 bài tham luận được trình bày trong phiên chiều với các chủ đề đa dạng, đặc sắc như: Tinh thần “phụng Đạo, yêu Nước, hộ Quốc, an Dân” của các bậc thiền sư thời Lý, Trần; Phật giáo thời Lý, Trần: Bối cảnh, đặc điểm và dấu ấn lịch sử; giá trị văn bia thời Lý – Trần trong việc nghiên cứu Phật Giáo, Đức vua Trần Nhân Tông – Biểu tượng sáng ngời,…Các đề tài tham luận được học giả, nhà khoa học chuẩn bị công phu, có chiều sâu cả về mặt lý luận và thực tiễn với nội dung và phương pháp nghiên cứu đa dạng, có hàm lượng khoa học cao.
Kết thúc các phiên thảo luận, chương trình bế mạc hội thảo đã diễn ra. Hòa Thượng Thích Thanh Điện chia sẻ: Các bài phát biểu và các ý kiến tham dự Hội thảo hôm nay là niềm vinh dự, tự hào đối với Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương. Ban tổ chức Hội thảo xin được lắng nghe và ghi nhận các ý kiến xoay quanh các vấn đề liên quan đến phạm vi nội dung của Hội thảo để tiếp tục có những hoạt động đóng góp vào sự phát triển Phật Giáo Việt Nam ở thời kỳ hiện đại.
Đồng thời, Hòa thượng gửi lời cảm ơn tới Quý vị học giả, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã có những đóng góp có giá trị khoa học cao cho Hội thảo.
Được biết, chương trình hội thảo lần này là cơ hội thúc đẩy sự đối thoại và quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước về Phật học và dịp động viên, khích lệ các Tăng, Ni, tín đồ Phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo” theo tinh thần “Kính Phật – phụng Đạo – yêu Nước”, tích cực tham gia xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Một số hình ảnh tại hội thảo khoa học quốc gia:
Phật sự Tản Viên thực hiện