Theo thông tin từ trang web Young Buddhist Association, vừa qua, Hiệp hội Phật tử trẻ Indonesia đã phối hợp với Học viện Rumi tổ chức cuộc đối thoại liên tôn về chủ đề “Tôn giáo của tình thương yêu” từ quan điểm của Phật giáo và Hồi giáo. Sự kiện đã thu hút hơn 100 đại biểu trẻ đại diện cho các hội đoàn Phật giáo và Hồi giáo tại Indonesia tham gia.
Hòa thượng Jayamedho Thera, lãnh đạo của Tăng đoàn Phật giáo Nguyên thủy tại tỉnh Đông Java làm trưởng đoàn bên phía Phật giáo. Và ông Muhammad Nur Jabir, Viện trưởng Học viện Rumi, có trụ sở tại Jakarta, là lãnh đạo của phái đoàn thanh niên Hồi giáo.
Hiệp hội Phật tử trẻ là tổ chức Phật giáo hàng đầu ở Indonesia. Dựa trên niềm tin sâu sắc vào thông điệp từ bi và giải thoát của Đức Phật, hiệp hội thúc đẩy lối sống tích cực trong giới trẻ Indonesia, nhằm kiến tạo một xã hội dựa trên trí tuệ, từ bi và lòng biết ơn. Hiệp hội đã tham gia vào việc thành lập các tổ chức Phật giáo trên toàn quốc, khuyến khích việc nghiên cứu Phật pháp trong giới trẻ và đào tạo những người lãnh đạo cho Phật giáo Indonesia.
Học viện Rumi là một tổ chức giáo dục và văn hóa lấy cảm hứng từ thơ ca và triết học của triết gia Ba Tư thế kỷ 13, ông Jellalludin Rumi. Học viện hướng tới việc thúc đẩy sự hiểu biết đa văn hóa, trưởng dưỡng tinh thần và phát triển cá nhân thông qua nhiều chương trình và hoạt động văn hóa, học thuật.
Hòa thượng Jayamedho và ông Muhammad Nur Jabir tại cuộc đối thoại
Hiệp hội Phật tử trẻ Indonesia cho biết, đây là cuộc đối thoại liên tôn đầu tiên giữa Phật giáo và Hồi giáo ở Indonesia. Cuộc gặp gỡ, đối thoại lần này tập trung vào việc xây dựng một chương trình hài hòa tôn giáo và chia sẻ tinh thần nhân ái và yêu thương của Phật giáo cũng như Hồi giáo.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Hòa thượng Jayamedho cho rằng, chỉ bằng cách buông bỏ các khái niệm truyền thống về bản sắc, chúng ta mới có thể mở lòng đón nhận chân lý thuần túy – chân lý đạt được sự vượt lên trên lằn ranh của tôn giáo. Chính ông Rumi đã nói: “Tôi không phải là người theo đạo Cơ đốc, cũng không phải là người Do Thái, không phải đạo sĩ, cũng không phải người Hồi giáo. Hãy vượt qua những quan niệm hẹp hòi về đúng – sai để chúng ta có thể gặp nhau trong một “không gian thanh tịnh” mà không bị giới hạn bởi định kiến hay những suy nghĩ xấu”.
Cũng theo Hòa thượng Jayamedho: “Người tu đạo hãy vì tình thương trong sáng mà lan tỏa những giá trị cao đẹp trong cộng đồng, góp phần tạo ra sự hài hòa và an bình, như mặt trời luôn chiếu sáng trên trái đất này. Vì vậy, tôi đồng ý với lời mà thánh Mahatma Gandhi đã nói: “Đối với tôi, Thượng đế là Sự thật và Tình yêu”.”
Các đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm
Trong bài phát biểu của mình, ông Muhammad Nur Jabir cũng cho biết: “Khi người Hồi giáo muốn làm điều gì đó, họ thường có ý nghĩ rằng, mỗi hành động của họ đều được theo sau bởi tình yêu thương. Cho nên, Hồi giáo cũng luôn đề cao tình thương yêu giữa người với người, và nhắc nhở tín đồ đối xử tốt với mọi người”.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó chủ tịch Hiệp hội Thanh niên Phật tử Indonesia, anh Limanyono Tanto, nhận định rằng: Cuộc đối thoại lần này là một cơ hội tốt để xây dựng tình huynh đệ giữa hai tôn giáo tại Indonesia. Vấn đề quan trọng là phải đảm bảo rằng những người trẻ thuộc mọi tôn giáo ở Indonesia được tiếp xúc với nhau trong tình huynh đệ để họ có thể hiểu được nhau, hiểu được giáo lý của tôn giáo bạn, từ đó nuôi dưỡng sự hài hòa và khoan dung giữa các cộng đồng tôn giáo với nhau.
Cuộc đối thoại đã diễn ra một cách cởi mở, có tinh thần xây dựng, và đã kết thúc tốt đẹp trong tình thân ái giữa hai phái đoàn đại diện cho hai tôn giáo lớn ở Indonesia.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: yba.or.id