Ngày 12/3 (nhằm ngày 13/2 năm Ất Tỵ), tại Hội trường Trúc Lâm (Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo Khoa học với chủ đề “Quốc sư Khuông Việt – Tấm gương sáng về Đạo pháp – Dân tộc” nhân kỷ niệm 1014 năm ngày Ngài viên tịch.
Chứng minh và tham dự Hội thảo có Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Từ thiện xã hội TƯ; Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo TƯ, Viện trưởng Học viện, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; Hòa thượng Thích Thanh Đạt, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện; chư Tôn đức ban Thường trực Ban Giáo dục Phật giáo TƯ… đại diện Hội đồng Điều hành Học viện PGVN tại TP.HCM và Học viện PGVN tại Huế, Văn phòng Học viện và đại diện chư tôn đức Tăng Ni …
Được biết, Quốc sư Khuông Việt, thế danh Ngô Chân Lưu, dòng dõi Ngô Vương, ngài sinh năm 933, viên tịch nhằm ngày 15-2-Tân Hợi (1011). Ngài là Tăng Thống – Quốc sư, là cố vấn chính trị, quân sự, ngoại giao xuất sắc của hai triều đại Đỉnh – Lê và đầu triều Lý. Những năm tuổi già, ngài về quê nhà hương Cát Lợi (vùng đất Vệ Linh – Phù Linh, Sóc Sơn, nơi Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội tọa lạc hiện nay) dựng chùa tu trì, mở trường dạy học.
Nội dung trọng tâm của hội thảo về Quốc Sư Khuông Việt trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam thế kỉ thứ X, khẳng định lại những thành tựu trong hai Hội thảo khoa học về Quốc sư Khuông Việt được Học viện tổ chức vào các năm 2010 và 2011. Đồng thời, đây là dịp gợi mở để nghiên cứu tiếp ý hoặc làm rõ những điểm mờ, những nhận định cần nhận thức lại trước những tư liệu mới.
Tọa đàm phân làm 2 nhóm vấn đề lớn: Về quê hương, hành trạng của Quốc sư Khuông Việt và những đóng góp của Quốc sư Khuông Việt đối với Đạo pháp – Dân tộc.
Dịp này, Học viện cũng cử hành khóa lễ cúng Phật, cúng Tổ, tụng kinh A Di Đà và niêm hương cúng dường, tưởng niệm Giác linh Quốc sư Khuông Việt và tưởng niệm 48 năm ngày viên tịch của cố Hòa thượng Thích Tố Liên (1903-1977), bậc danh Tăng thời cận đại.
Phật Sự Tản Viên Tổng hợp