DANH LAM THÁNH TÍCH KỲ 33: Thiên Phật Am – Chùa Tiểu Tây Thiên – “Huyền Tố Tuyệt Xướng” trong lịch sử Điêu khắc Trung Quốc

_ NƠI BẢO TỒN “HUYỀN TỐ TUYỆT XƯỚNG” VÀ HƠN MỘT NGHÌN TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO ĐẶC SẮC CỦA HAI TRIỀU ĐẠI MINH – THANH

_ ĐỊA DANH LƯU TRỮ 7000 QUYỂN MỘC BẢN TAM TẠNG PHẬT ĐIỂN “VĨNH LẠC BẮC TẠNG” THỜI NHÀ MINH

_ NƠI CÓ QUẦN THỂ KIẾN TRÚC PHỨC HỢP CÁCH TÂN ĐỘC ĐÁO THỜI TRUNG CỔ MIỀN HOA HẠ

_ ĐƯỢC MỆNH DANH LÀ KHO TÀNG NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC ĐẶC SẮC NHẤT CỦA HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO TRUNG HOA. 

THIÊN PHẬT AM – TIỂU TÂY THIÊN – “HUYỀN TỐ TUYỆT XƯỚNG” TRONG LỊCH SỬ ĐIÊU KHẮC TRUNG QUỐC

I/ MỞ ĐẦU:

Thiên Phật Am hay còn gọi là Chùa Tiểu Tây Thiên, nằm trên đỉnh núi Phượng Hoàng, cách một dặm (hơn 500m) về phía Tây huyện Thấp, thành phố Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây. Được Thiền sư Đông Minh kiến lập vào năm Sùng Trinh thứ 2 thời nhà Minh (năm 1629), chùa Thiên Phật là một ngôi chùa thuộc Thiền tông Phật giáo. Được đặt tên bởi trong Chính điện được tôn trí hàng nghìn tôn tượng Phật, Bồ tát và Thánh chúng Đệ tử. 

Về sau, ngôi cổ tự này được đổi tên thành “Tiểu Tây Thiên”, lấy ý từ dòng chữ được khắc trên bức hoành phi trước cổng chùa có nội dung: “Đạo Nhập Tây Thiên” (có nghĩa là: Con đường về Tây Thiên, Tây Thiên chỉ cho xứ Phật, tức là cõi giới Cực Lạc hay chỉ cho Ấn Độ – nơi Đức Thích Ca khai đạo) và để phân biệt với “Đại Tây Thiên”, tên của một ngôi chùa khác cùng thời Minh ở phía Nam thành phố này. 

Trong chương trình Danh Lam Thánh Tích kỳ này, Phật Sự Tản Viên kính mời chư Tôn đức cùng quý Phật tử tìm hiểu địa danh Phật giáo nổi tiếng – Thiên Phật Am – Tiểu Tây Thiên, nơi tôn thờ và trang trí những tác phẩm Nghệ thuật Phật giáo mang giá trị Lịch sử và Văn hóa quan trọng của đất nước Trung Hoa. Kính mời quý vị cùng theo dõi….

II/ LỊCH SỬ TỔNG QUAN – (Voice Off MC):

  • Xuất xứ địa danh:

Ban đầu, nơi đây được đặt tên là Thiên Phật Am vì có hàng nghìn vị Phật được tôn trí trong Chính điện. Toàn bộ kiến trúc ngôi chùa được xây dựng nương theo đỉnh núi. Với phong cách xây dựng khéo léo ở các độ cao khác nhau đã tạo nên sự cân đối và đồng bộ cho tổng thể công trình cũng như tận dụng tối đa quỹ đất núi nơi đây. 

  • Lịch sử hình thành:

Trong tác phẩm “Thấp Châu Chí” quyển thứ 24 đời vua Khang Hy viết, Lý Trình Tường biên soạn “Thiên Phật Am Bi Ký” như sau: Công trình Thiên Phật Am bắt đầu vào năm thứ tư của năm Kỷ Tỵ (1629) và được hoàn tất vào năm Giáp Thân (1644)”. 

Ngoài ra, còn có một tấm bảng khắc rõ ràng dưới xà gồ nơi sườn núi trong Chính điện đề rằng: “Vào thời Sùng Trinh thứ Mười bảy, lúc chính Ngọ nhằm thời Thượng Lương khắc Đại Cát ngày Hai mươi Bảy tháng Bảy năm Giáp Thân, Phụng trực Đại phu khoa Đặc dụng năm Canh Thân nhận lệnh vua làm Tri châu huyện Thấp là Qua Dụng Trung, Tướng sỹ Lại mục (hỗ trợ) là Quách Tùng Thiện” được viết bằng mực.

Căn cứ vào “Thiên Phật Am Bi Ký” chép lại: “Khoảng những năm Vạn Lịch của thời nhà Minh, Đông Minh – một nhà sư từ chùa Hỏa Trường ở núi Ngũ Đài đã du hành đến huyện Thấp và ông nhìn thấy những rặng núi ở phía Tây Bắc của huyện này có hình dạng giống như cánh chim Phượng Hoàng, lại có nhiều cây cối rậm rạp. Đây thật sự là một môi trường yên tĩnh, thích hợp cho việc kiến tạo một cảnh già lam để chuyên tâm tu hành, nhân đó ông nảy sinh ý tưởng xây dựng một ngôi chùa ở đây, duyên khởi dẫn đến sự thịnh vượng của tượng Phật trong chùa sau này…”

Sau đó, Thiền sư Đông Minh đã đi khắp nơi để hóa duyên, kêu gọi sự giúp đỡ của các Phật tử hảo tâm. Đồng thời, ngài cũng gây quỹ và bắt đầu xây dựng chính thức vào những năm đầu Sùng Trinh, thời gian thi công kéo dài 15 năm. 

Vào năm Sùng Trinh thứ 17 thời Minh, toàn bộ công trình đã hoàn thành căn bản gồm: Trục nhà chính có Đại Hùng Bảo Điện và hai điện là Văn Thù Điện và Phổ Hiền Điện lưỡng phối ở hai bên. Điện Vi-Đà và tầng hai của Tháp chuông, hai hành lang phía Đông và phía Tây, lan can bao quanh tường viện và Xu Thiện Kiều (cầu Hướng Thiện) dưới chân núi bước đầu đã được hoàn thành, tạo thành một quần thể công trình với Chính Điện và Vô Lượng Điện làm trung tâm. 

Theo “Thiên Phật Am Bi Ký”: “Đạo Lượng là một vị Tăng đất Yên, sống ở núi này (Tư Sơn) và sau đổi tên thành núi Phượng Hoàng, đồng thời là Trụ trì chùa này (Thiên Phật Am – Tiểu Tây Thiên)…khởi công năm Kỷ Tỵ và hoàn công năm Giáp Thân.” (Kỷ Tỵ là năm 1629, Giáp Thân là năm 1644). 

Một số tài liệu cho rằng người sáng lập ra quần thể Tiểu Tây Thiên gồm hai người, một là Thích Đạo Lượng và hai là Thiền sư Đông Minh. Nhưng theo tấm bia vào năm thứ 25 triều đại Khang Hy ghi rằng: “Tỷ-khiêu Long Giám là cháu trực hệ thuộc thế hệ thứ ba của Thiền sư Đông Minh”. Đồng thời, cũng theo ghi chép cụ thể trong tấm bia chùa Thiên Phật Am của Lý Trình Tường: “Đạo Lượng cùng đệ tử Hưng Tú và đệ tôn Long Giám hợp công sức phục dựng”.

Nói cách khác, Đông Minh và Đạo Lượng thực sự là cùng một người. Có lẽ Đông Minh là pháp danh, Đạo Lượng là pháp hiệu. Tuy nhiên, tên gọi trong bia ký của các thời đại ghi chép lại khác nhau nên điều này khiến mọi người hiểu lầm thành ra hai nhân vật. 

III/ TOÀN CẢNH KIẾN TRÚC: 

  • Bố cục tổng quan:

Tiểu Tây Thiên nổi tiếng với cách bố trí kiến trúc chùa chiền mới lạ, tinh tế và phong cách độc đáo theo địa hình của dãy núi Phượng Hoàng. Chùa được vây quanh bởi ba mặt là núi, hai bên là vách đá dựng đứng, phía trước chùa là dòng sông, toàn ngôi già lam được bao phủ bởi những tán cây cổ thụ và dòng suối trong vắt lượn quanh khu quần thể. 

Toàn bộ quần thể ngôi chùa Thiên Phật có diện tích chỉ hơn 1.100 mét vuông. Trong một không gian cực kỳ hạn chế về diện tích như thế, nhưng lại có 20 tòa nhà có kích thước khác nhau, chiều cao so le và đối xứng ở phía Bắc và phía Nam. 

Quần thể Tiểu Tây Thiên có các hạng mục như: Đại Hùng Bảo Điện (Chính điện), Văn Thù Điện, Phổ Hiền Điện, Vô Lượng Điện, Thiên Vương Điện, Vi-Đà Điện, Địa Tạng Điện, Tháp Chuông, Tháp Trống… cùng nhiều hạng mục điện thờ khác.

Nơi đây lấy cửa động làm cửa vào, được phân chia tự nhiên thành Thượng viện, Hạ viện và Tiền viện và ba khu vực kiến trúc có hang làm cửa ngăn cách và thông nối với nhau. Thượng Viện có Chính điện, Văn Thù Điện và Phổ Hiền Điện. Hạ Viện có Vô Lượng Điện, Vi-Đà Điện, Bán Vân Hiên. Khu vực Tiền Viện bao gồm Địa Tạng Điện, Lầu Chuông, Lầu Trống, Ma Vân Các trên đỉnh núi Cô Đồng, Quan Âm Các và Khuê Tịnh Các.

Do hạn chế về địa hình, lại cũng là hàm ý về Thế giới Cực Lạc phương Tây của Đức Phật A-Di-Đà theo quan niệm Phật giáo. Kiến trúc Tiểu Tây Thiên đã đặt các tòa nhà chính trên trục trung tâm theo hướng Đông Tây và tổng thể ngôi chùa được chia thành ba sân theo địa thế dãy núi tự nhiên.

Tuy quy mô tổng thể không lớn nhưng Tiểu Tây Thiên được bao quanh ba mặt là núi, trước mặt có con sông lớn với hàng cây cổ thụ cao chót vót, soi bóng trên dòng nước trong veo. Những vách đá của ngọn Phượng Hoàng như miếng ngọc được đẽo gọt tinh xảo, và Thiên Phật Am – Tiểu Tây Thiên tọa lạc trên đấy như tổ chim bấp bênh trên đỉnh núi. 

Người nhà Thanh đã viết trong tác phẩm Tống Tả: “Độ cao của núi Tư, không đến vài trăm bậc thang núi, và độ lớn của núi Tư chỉ bằng hàng chục ngôi tháp xếp chồng lên”. Vì vậy, cảnh quan ở Tiểu Tây Thiên gọi là “nhỏ”, thế nhưng phong cảnh lại muôn phần đẹp đẽ. Bởi nó thể hiện sự khéo léo và linh hoạt bởi phong cách kiến trúc ngôi chùa được bố trí khéo léo, kết cấu các ngôi Điện Đường hết sức chu đáo cẩn thận, chạm khắc tinh xảo, huy hoàng lộng lẫy, xuất thần nhập hóa. Các tôn tượng nơi đây thể hiện sự tinh tế và tỉ mỉ, thiết trí phối hợp với nhau tạo thành một bức tranh tuyệt mỹ, tỏa ra linh khí có sức hấp dẫn độc đáo riêng biệt của nó.”

  • Hạ Viện:

Đi dọc theo hồ Tây Thiên, băng qua cầu Thông Thiên và đi thêm 146 cấp thang, ta sẽ đến con đường của cổng Sơn môn. Ban đầu, cửa động có hai chữ “Thiên Phật” theo lối Triện thư trong văn tự Trung Hoa. Hiện tại, nơi đây đã được thay đổi thành 3 chữ “Tiểu Tây Thiên” theo phong chữ Lệ thư do Nhà Thư pháp Sài Kế Cao ở Sơn Tây viết và có hàm ý là bước vào Thế giới Cực Lạc của Phật A-Di-Đà ở phương Tây. 

Vượt qua một hang đất dài hơn 10 mét và leo lên 82 bậc thang, sẽ dẫn đến cổng Sơn môn thứ Hai với dòng chữ trên biển hiệu là “Đạo Nhập Tây Thiên”của Nhà Thư pháp đương thời Lý Điện Thanh thủ bút, ngụ ý rằng con đường đang dẫn vào phương Tây.

  • Vô Lượng Điện:

Đi qua cửa Sơn môn thứ Hai vài bước, sau đó rẽ về phía Nam, ta sẽ đi vào cổng Sơn môn thứ Ba, thong dong đi về phía trước một đoạn, ta được tiếp cận không gian của Hạ viện. Hạ viện kiến tạo theo kiểu sân hình vuông và là kết cấu chính yếu của toàn quần thể. 

Lấy Vô Lượng Điện làm tòa nhà chính, cấu trúc nằm ở phía Tây và quay mặt về phía Đông. Bởi vì nó được thiết trí tôn thờ dành riêng cho Đức Phật A-Di-Đà, mang ý nghĩa là pháp Phật vô lượng. Một lý do nữa là vì trong tòa nhà này không có cột dầm để chống đỡ bên trong nên vì thế còn được gọi là “Vô Lượng Điện”. 

Hạng mục này được xây dựng vào những năm đầu của niên hiệu Sùng Trinh thời nhà Minh. Phía sau Chính điện còn có năm bức tượng Tam Thế Phật và hai vị Bồ-Tát Văn Thù và Phổ Hiền bằng đồng được Công bộ thị Lý Trình Tường phụng cúng vào năm Thuận Trị thứ Bảy. 

Ngoài ra, còn có một tấm bia gỗ vào năm Quang Tự thứ 26 ghi rõ: “Vô Lượng Điện là Pháp đường của chùa Tiểu Tây Thiên, đồng thời cũng là Thiền đường nơi mà các nhà sư tụng kinh, thuyết giảng và quy y Giới luật…”

  • Vi-Đà Điện:

Đối diện với Vô Lượng Điện là Vi-Đà Điện, nơi lưu giữ bức tượng Hộ pháp Vi-Đà, được chạm khắc từ một gốc gỗ Nam vào năm Thuận Trị thứ Năm của triều đại nhà Thanh. Bức tượng thần thái uy vũ mạnh mẽ và sống động như thật với tay nghề tinh xảo và hình ảnh sống động. Phía sau Vi-Đà Điện mỗi bên được kiến tạo thêm Dịch môn, tức là cổng phụ có một cánh cửa: một cổng tên là “Nghi Vô Lộ”, một cổng tên là “Biệt Hữu Thiên” và lối này có thể dẫn vào Tiền viện. 

Ở phía Đông Bắc của Vô Lượng Điện có Bán Vân Hiên, nơi đây từng là Phòng khách và hiện nay gọi là Tàng Kinh Hợp. Bên trong đó chứa một ấn bản Vĩnh Lạc Bắc Tàng nhà Minh hoàn chỉnh với tổng số hơn 7.000 tập.

  • Thượng Viện:

Con đường thông dẫn từ Hạ viện lên Thượng viện được xây dựng khéo léo thành một cái hang nhỏ ở góc bên phải của Vô Lượng Điện, cửa nhỏ chỉ có thể chứa được một người, cầu thang hẹp và xoắn ốc dẫn lên trên Văn Thù Điện. 

  • Văn Thù Phổ Hiền Lưỡng Viện:

Từ Văn Thù Điện, có thể leo lên phía Thượng viện. Thượng viện chính là tinh hoa của toàn thể kiến ​​trúc ngôi chùa bao gồm Chính điện, Văn Thù Điện và Phổ Hiền Điện. Chính điện là tòa nhà chính của Thượng viện và cũng là tòa nhà chính của Tiểu Tây Thiên, có tổng diện tích 169,6 mét vuông. 

Văn Thù Điện và Phổ Hiền Điện ở bên trái và bên phải cân xứng nhau ở hai bên Chính Điện. Văn Thù Điện ở phương Bắc hướng về Nam, kiến tạo phía trên của Vô Lượng Điện, trước điện có dãy hành lang bao quanh, trên đỉnh núi có tượng Bồ tát Văn Thù. Văn Thù Điện cũng là con đường duy nhất kết nối Thượng Viện và Hạ Viện. 

Phổ Hiền Điện được xây dựng từ Nam lên Bắc về phía bên phải của Vô Lượng Điện. Phía trước điện có một hành lang và một mái hiên duy nhất treo trên đỉnh núi, có tôn trí một bức tượng Bồ tát Phổ Hiền đối xứng với Văn Thù Điện.

  • Chính Điện – Đại Hùng Bảo Điện:

Không gian Chính điện hay Đại Hùng Bảo Điện có đầy đủ các tác phẩm điêu khắc treo bằng gỗ và đất sét. Toàn bộ tượng thờ được mạ vàng và thếp sơn màu rực rỡ, điêu khắc chi tiết và tinh xảo lộng lẫy. Đặc biệt, bức tranh treo ở giữa gian phòng Chính điện có màu sắc phong phú, mang phong cách trang nhã và những hình tượng Phật giáo đặc sắc, xứng danh là “Huyền Tố Tuyệt Xướng” (tức tác phẩm tranh treo điêu khắc tuyệt diệu nhất) trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc của Trung Quốc. 

Chỉ riêng những tác phẩm điêu khắc ở Chính điện – nơi có không gian hạn hẹp có diện tích chỉ 169,6 m2, đã chiếm hơn 4% tổng số lượng tác phẩm điêu khắc màu thuộc hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh của tỉnh Sơn Tây. Đại Hùng Bảo Điện của khu quẩn thể Tiểu Tây Thiên được mệnh danh là kho tàng nghệ thuật điêu khắc đặc sắc nhất của hình tượng nghệ thuật Phật giáo. 

Ngoài ra, mộc bản chính cực hiếm của “Vĩnh Lạc Bắc Tạng” – Bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo thời Minh được lưu trữ trong chùa đã trở thành kho báu quý hiếm để nghiên cứu lịch sử, kinh điển, nền tảng đạo đức Phật giáo và thậm chí là phong tục cổ truyền dân gian Trung Quốc. 

Hai phần ba diện tích Chính điện của chùa được kết cấu theo kiến ​​trúc hai tầng, có nhiều lớp xếp chồng lên nhau, ngoằn ngoèo và kích thước nhỏ lớn không đồng đều. Những con đường hành lang xây dựng men theo vách núi quanh co dẫn đến một tổng thể liền mạch và cảm giác một đời sống tâm linh ẩn dật. Đặc điểm của quần thể Thiên Phật Am – Tiểu Tây Thiên có thể tóm gọn trong bốn từ: nhỏ nhắn, đẹp đẽ, tinh tế và kỳ diệu. 

Ngoài ra, lầu Chuông và lầu Trống được kiến tạo cân đối ở hai bên Chính điện, vị trí nằm ở trên trục hai bên Dịch Môn (cổng phụ). Hai Dịch Môn có tên gọi khá đặc biệt, một là “Nghi Vô Lộ” và một là “Biệt Hữu Thiên”. 

Ngôi kiến trúc Chính Điện được tạo hình theo trục từ Tây sang Đông, đứng trên vách đất về cuối Vô Lượng Điện ở phía Hạ viện, các vị trí so le từ trước ra sau, cấu tạo xuyên suốt trên dưới. Chính điện có 36 cột gỗ trên mặt phẳng, tất cả đều là cột thẳng. Mặt trước của chánh điện có 5 gian Phật liên thông với nhau gồm có các vị Phật: “Dược-Sư”, “A-Di-Đà”, “Thích-Ca Mâu-Ni”, “Tỳ-Lô-Giá-Na” và “Di-Lặc” trang nghiêm ngồi trên đài sen, mỗi vị đều trang phục gấm vóc, dáng vẻ điềm tĩnh, khuôn mặt hiền hòa. Ngoài ra còn có mười tôn tượng của Thập Đại Đệ Tử đứng hai bên với hình dáng đẹp đẽ, truyền thần rạng rỡ, biểu cảm tinh tế, sống động như thật. 

Trên mái hiên trước Điện có một câu đối khắc gỗ, do Triệu Phác Sơ đề: “Đông thổ Tây phương vy trần bất cách, Nhân gian Thiên thượng vạn tuần trang nghiêm” (Đông thổ hay Tây thiên không cách một mảy trần, Trần gian và Cõi trời muôn do-tuần trang nghiêm). Trước thềm điện sáng sủa, dưới tấm tranh treo có một tấm biển gỗ lớn đề bốn chữ “Đại Hùng Bảo Điện” được khắc bởi Tri châu huyện Thấp là Tổ Trạch Khoát vào năm Thuận Trị thứ 13 của nhà Thanh (1656).

  • Huyền Tố Tuyệt Xướng – Tác phẩm tranh treo điêu khắc đỉnh cao Trung Hoa:

Tiểu Tây Thiên nổi tiếng với nghệ thuật tranh treo điêu khắc đầy màu sắc của thời nhà Minh, đặc biệt là những tác phẩm điêu khắc đầy màu sắc ở Chính điện, có thể gọi là “Huyền Tố Tuyệt Xướng” trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc. Chúng cũng là những kiệt tác tinh xảo và xuất sắc của các tác phẩm điêu khắc Phật giáo Trung Quốc trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh. 

Tiên Cung và Phật Quốc trong Đại Điện đều nguy nga tráng lệ, đầy đủ các tác phẩm điêu khắc đầy màu sắc, rực rỡ muôn màu. Các bức tường, xà và trần của toàn bộ Chính Điện đều được tôn trí các tác phẩm điêu khắc về các đệ tử Phật giáo và các loài chim, thú được miêu tả trong kinh truyện, có hình dáng đẹp mắt, sống động như thật. 

Các tác phẩm Hộ pháp Vi-Đà, Thần Kim Cương, Đồng tử Thiện Tài, Long nữ thành Phật, Khẩn-Na-La, Phi Thiên vũ thần, Kim Sí Điểu, Bạch Bằng, Khổng Tước Phật Mẫu và các tác phẩm khác có trong Kinh điển Phật giáo, tác động mạnh mẽ đến tâm linh người con Phật và đó đều là những kiệt tác hiếm có. 

Các Nhạc thần ca hát uyển chuyển nhảy múa, các vị thần Phi Thiên vỗ cánh lả lướt nhẹ nhàng, các loài Chim thần bay quanh hoan hỷ giống như một thời đại thái bình và thịnh vượng khắp cõi trời đất. Những tác phẩm điêu khắc đầy màu sắc này có hình dáng sống động và tư thế khác nhau, kích thước nhỏ như ngón tay cái cho đến cao hơn 3 mét. Những tác phẩm tuy rất nhiều nhưng không gây cảm giác hỗn loạn, phức tạp mà hài hòa với nhau. 

Ở trong tầng trời thứ ba mươi ba, tôn trí hàng nghìn bức tượng Phật, Bồ-Tát, chư Hiền Thánh lớn nhỏ đầy sức sống, giống như người thật, mỗi tượng có một phong cách, một sắc thái biểu cảm riêng biệt, cho dù là động hay tĩnh đều cho người xem có cảm giác thật quây quần và náo nhiệt. Các tác phẩm điêu khắc màu của toàn bộ hội trường là nhóm tác phẩm điêu khắc màu hiếm thấy ở nước Trung Quốc và Thế giới.

Đặc biệt, trong việc sản xuất các tác phẩm tranh treo điêu khắc có giá trị Lịch sử và Nghệ thuật vô cùng to lớn. Càng quý giá hơn là bức tranh trên xà trong cung điện, đó là hình Rồng, Phượng và Ấn làm bằng bột vàng, tương tự như quy định chế tác của Cung điện Hoàng gia. Loại tranh nghệ thuật này là tranh hoàng tộc và đương nhiên giá trị rất đắt đỏ, đây lại là điều hiếm có ở vùng núi hẻo lánh như thế này.

Các tác phẩm tranh treo điêu khắc bằng sơn của quần thể Tiểu Tây Thiên lại mang tính đổi mới về quan niệm, chủ đề, bố cục và kỹ thuật. Chúng mang tính cách tân, giàu có về nội dung và tinh tế về Nghệ thuật. Những tác phẩm phản ánh sự hiểu biết sâu sắc của các Nghệ nhân cổ xưa về Phật giáo và khả năng biểu đạt phi thường của họ trong Nghệ thuật. 

Những tác phẩm này dựa vào các bức tường, dầm, cột, xà gồ,… bên trong tòa nhà để tạo hình các nhân vật, cảnh vật và vô số vật dụng trang trí khác nhau. Đồng thời, sử dụng sự chuyển tiếp khéo léo giữa các nhân vật và cảnh quan khác nhau để phản ánh những kết nối nhất định giữa chúng và phối hợp hòa quyện trong nhiều tư thế khác nhau như nghiêng, nhìn, nhảy, bay…, khiến tạo cảm giác không gian, chân thực như đang đi trên không và nhìn xuống hạ giới. 

Ngôn ngữ và hình thức Nghệ thuật Điêu khắc độc đáo này chứa đựng nội dung vô tận trong một không gian hạn chế, mở rộng đáng kể lĩnh vực Nghệ thuật và thể hiện một cách sinh động về Triết lý Không gian vô tận, vừa thể hiện sự tinh tế và thuần khiết cũng như sự trang nghiêm và thanh tịnh của Thế giới Cực Lạc phương Tây. 

Có hơn 23.000 tôn tượng tác phẩm tranh treo điêu khắc bằng sơn từ triều đại nhà Minh và nhà Thanh hiện có ở Sơn Tây, trong đó đã có hơn 1.000 tác phẩm xuất xứ từ Tiểu Tây Thiên. Và điều kỳ thú hấp dẫn chính là những tác phẩm điêu khắc này được kiến tạo và xây dựng trong một môi trường nhỏ hẹp có diện tích vẻn vẹn chỉ 169,6 mét vuông. 

Ngô Nhuệ – một Chuyên gia về Kiến ​​trúc cổ đã viết trên tạp chí “Văn Vật”: “Tiểu Tây Thiên được xây dựng trên đỉnh núi, ý tưởng rất tài tình. Đặc biệt, Chính điện toàn bằng gỗ và những bức tượng treo bằng đất sét, sau đó được mạ vàng và sơn màu. Chúng rất nguy nga và có uy thế về bề dày thời gian. Những chiếc dầm và những bức tranh đầy màu sắc rất trang nhã và đặc biệt. Đây chính là một Di sản Lịch sử và Văn hóa quan trọng vào cuối thời nhà Minh và đầu nhà Thanh, cũng như tất cả các triều đại của Trung Hoa.”

  • Tiền Viện:

Sau khi bước ra ngoài cổng phụ Dịch môn “Biệt Hữu Thiên” hoặc “Nghi Vô Lộ”, bạn sẽ bước vào Tiền Viện và ngắm nhìn xung quanh liền có thể nhìn thấy núi sông phía xa, những rặng liễu sẫm màu và những bông hoa rực rỡ, đồng thời cũng nhìn được toàn cảnh của một nửa thành phố Lâm Phần. 

Tiền Viện bao gồm Địa Tạng Điện, Lầu Chuông, Lầu Trống, Ma Vân Các trên đỉnh núi Cô Đồng, Quan Âm Các và Khuê Tinh Các. Chúng được kết hợp chặt chẽ lên xuống, tạo thành một tòa nhà nhỏ gọn, hình thành khu phức hợp, hay còn gọi là quần thể Ma Vân Các. Tổ hợp tòa nhà có tổng diện tích 328 mét vuông. Mỗi thành phần giống như một cảnh quan thu nhỏ. Đây là một tổ hợp kiến trúc độc đáo, tận dụng tối đa không gian hạn chế.

IV/ KẾT LUẬN:

Ngày nay, Tiểu Tây Thiên trở thành một ngôi chùa Thiền tông Phật giáo nổi tiếng trong và ngoài nước với vị thế Lịch sử và giá trị Nghệ thuật độc đáo. Đây là nơi có môi trường địa lý yên tĩnh và xinh đẹp, phong cảnh độc đáo và hữu tình. 

Đồng thời, quần thể này chứa đựng những đặc điểm văn hóa Phật giáo phong phú, trở thành nơi sưu tầm kinh điển và kho tàng Nghệ thuật đồ sộ, là địa điểm du lịch thích hợp cho tất cả mọi người. 

Năm 1996, quần thể kiến trúc Phật giáo Thiên Phật Am – Tiểu Tây Thiên được công bố là một trong những Di tích Văn hóa trọng điểm thứ tư của Quốc gia được bảo vệ. Cùng năm này, Tiểu Tây Thiên cũng đã được Ban Tôn giáo Thành phố Lâm Phần phê duyệt là địa điểm trọng yếu cho các hoạt động Tôn giáo liên quan.

Chương trình Danh Lam Thánh Tích kỳ này đến đây xin được phép kết thúc. Kính chúc chư Tôn đức cùng quý vị khán giả thân tâm an lạc, vô lượng cát tường. Xin chào và hẹn gặp lại quý vị trong những chương trình kỳ sau.

Phật Sự Tản Viên Tổng hợp

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares