DANH LAM THÁNH TÍCH KỲ 22: Chùa Mía – Nơi có nhiều pho tượng cổ nhất Việt Nam

Đường Lâm làng cổ đá ong

Xứ Đoài linh địa, hổ long phục chầu

Thành tây, chùa Mía đắc cầu

Ấp hai vua cảnh, đẹp giàu nghìn năm.

Đã từ lâu địa danh xứ Đoài (Sơn Tây) được nhắc đến rất nhiều trong lịch sử, thi ca, nhạc họa. Đây là vùng đất cổ có bề dày văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm gắn liền với tên tuổi huyền thoại của nhiều anh hùng dân tộc như Phùng Hưng, Ngô Quyền, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, sứ thần Giang Văn Minh… Xứ Đoài cũng là vùng đất có những địa danh chứa đựng nhiều giá trị văn hóa dân gian, trong số đó phải kể tới chùa Mía, một công trình biểu tượng văn hóa của làng cổ Đường Lâm.

Sự phối dung Phật với Thành Thần rất đậm nét, chùa Trăm Gian với Thánh Bối và đặc biệt là ngôi chùa Mía với “Bà Chúa Mía”

Trong chuyên mục Danh lam thánh tích kỳ này, xin mời quý vị cùng Phật sự Tản Viên khám phá ngôi chùa đặc biệt Chùa Mía ở làng cổ Đường Lâm, ngôi chùa trưng bày tượng Phật cổ nhiều nhất Việt Nam.

Giới thiệu chùa 

Cách Thủ Đô Hà Nội khoảng chừng 45 km về phía Tây, chùa Mía có hiệu là “Sùng Nghiêm Tự” tọa lạc tại thôn Đông Sàng xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội. 

Làng Việt cổ Đường Lâm (tức Kẻ Mía) – vùng quê văn hiến đặc sắc của không gian văn hóa xứ Đoài. Theo nhiều học giả, tên gọi Đường Lâm đã xuất hiện từ thế kỷ VII – VIII, gắn liền với sự tích của hai vị vua anh hùng dân tộc là Phùng Hưng và Ngô Quyền. 

Lịch sử xây dựng chùa Mía gắn liền với giai thoại về bà chúa Mía. Được biết, chùa Mía xây dựng vào thời Trần, tọa lạc trên triền đồi đá ong ở giữa thôn Đông Sàng. Đến thế kỷ 17, chùa đã bị đổ nát, hoang phế nhiều. Năm 1632, Cung phi Nguyễn Thị Ngọc Dong, vợ chúa Trịnh Tráng, đứng ra hưng công, kêu gọi thiện nam tín nữ để xây dựng lại chùa. 

Nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của Bà, nên đã tạc một bức tượng bà, đặt trong chùa và xây dựng riêng một đền phủ để thờ cúng. Dần dà, bà chúa Mía trở thành vị Thánh Mẫu được người dân quanh vùng kính nể và tôn thờ. Vì tôn kính nên bà được gọi là “Bà Chúa Mía”.

Ngày nay, dù trải qua nhiều biến cố, thăng trầm và theo dòng thời gian phát triển, chùa Mía vẫn còn giữ nguyên vẹn kiến trúc truyền thống xưa cũ, trở thành địa điểm vang danh khắp xứ Đoài.

Giá trị lịch sử và kiến trúc của chùa Mía

Là một ngôi chùa cổ, chùa Mía có giá trị rất lớn về mặt kiến trúc và lịch sử. Xét về vị trí mặt bằng kiến trúc, chùa Mía được xây dựng trên quả đồi rộng chừng 1 ha, hướng Nam, nhìn xuống chợ Mía ngay trước chùa nên gọi là chợ Chùa hay chợ Tam Bảo. Về mặt quy hoạch, chùa Mía nằm trong một quần thể kiến trúc – tôn giáo, đình – đền – chùa chợ.

Bên trên Tam Quan có treo một quả Chuông cổ được đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) đời vua Lê và một chiếc Khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đời Nguyễn. Ngay cạnh Tam Quan có cây Đa cổ thụ tán phủ rườm rà, cành lá sum suê, rễ cây đâm ra tua tủa bám sâu vào lòng đất. 

Trải qua bao thế kỷ dầm mưa nắng

Vẫn đứng an nhiên gác cửa Thiền

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa

Gần gác chuông và cây đa cổ thụ là tòa bảo tháp Cửu phẩm liên hoa cao 13m 9 tầng được xây dựng để thờ vọng Xá Lợi Đức Phật. Tòa gác chuông làm theo kiểu kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái. Các góc mái đều gắn đao triện. Sàn nhà bằng gỗ, ở tầng gác có hàng lan can tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm trang trí đề tài hoa lá. Mỗi cửa bát giác của bảo tháp đều có bông hoa sen loài hoa tượng trưng cho công hạnh tu hành của đức Phật. Đây cũng được coi là ngọn tháp bút trấn giữ cho mạch âm của làng Đường Lâm được yên bình và phát triển

Kiến trúc chùa Mía

Bước qua tam quan dọc theo lối vào chùa sẽ đến cổng trong. Nơi đây được xây theo kiểu tường hoa chắn mái phần nối giữa hai cột trụ có trang trí cuốn thư ở giữa có đắp nổi 3 chữ Sùng Nghiêm Tự nằm bên phải con đường thần đạo đối đỉnh.

Chùa có nguồn gốc cung đình song lại đậm tính chân quê, lấy sân vườn thoáng đãng ở phía trước làm đối trọng là các nếp nhà dồn dập phía sau, lấy sự kiệm ước của trang trí kiến trúc để tập trung chú ý vào điêu khắc tượng tròn vô cùng phong phú, xây dựng từ thời gỗ ngói đơn sơ và vắt đất thành vàng mười nghệ thuật. Sự tồn tại của chùa Mía trong không gian văn hóa xứ Đoài chẳng những tạo nên cảnh quan văn hóa cho môi trường mà còn xây dựng một nếp sống văn hóa con người cho vùng đất kẻ Mía – Đường Lâm. 

Khuôn viên chùa được tách ra làm ba khoảng tách biệt nhau. Phía ngoài cùng là gác chuông, tiếp đó là sân, dãy nhà thụ trai. Tiếp đến là khu nhà chính gồm: Nhà bái đường, chùa hạ, chùa trong và thượng điện.Ở nhà bái đường có một tấm bia đá được dựng vào năm bắt đầu xây dựng chùa (1632). Tấm bia đá này có chiều cao hơn 1,6m, chiều rộng là 1,2 m đặt trên một con rùa đá.

Nội dung của tấm bia ghi lại công đức Bà Chúa Mía xây dựng. Đây là một trong những tấm bia to đẹp còn lưu giữ đến ngày nay.Chùa hạ và chùa trong nối với nhau bằng hai dãy hành lang bao quanh lấy khu thượng điện, kiến trúc được làm theo kiểu chuôi vồ. Tại đây, tất cả những vị trí làm bằng gỗ đều được chạm trổ rất đẹp mắt

Chùa Mía được xếp hạng Di tích Lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia

“Chùa Mía từ lâu đã vượt qua khuôn khổ của làng Mía để trở thành chùa cả của vùng xứ Đoài, Sơn Tây và cuar cả nước. Chùa Mía được xếp hạng Di tích Lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 1964. Bên cạnh đó, chùa Mía cũng được xếp vào hạng mục kỉ lục là nơi lưu giữ nhiệt tượng nghệ thuật cooro nhất Việt Nam.

Tại đây có đến 287 pho tượng thờ, trong đó có 6 pho tượng bằng đồng, 107 tượng gỗ và 174 pho tượng được làm từ các nguyên liệu mật mía, vôi, giấy bản, thạch cao, rễ cây si… quyện đều nhau tạo nên những pho tượng cổ sơn son thếp vàng độc đáo.

Nhiều tượng Phật cổ nhất tại Việt Nam

Các pho tượng này dù được đúc, nặn, hay được chạm khắc cũng đều thể hiện tính nghệ thuật cao qua sự khéo léo, tài hoa của những người thợ xưa. Tượng Phật tại chùa Mía không chỉ nổi tiếng về số lượng, đồng thời còn phong phú cả về hình dáng lẫn biểu cảm. Có thể nói, 287 bức tượng Phật tại chùa Mía là 287 gương mặt, dáng vẻ và sắc thái hoàn toàn khác nhau, đồng thời được bài trí thành cụm hợp lý, tiện bề tham quan.

Bức tượng đẹp nhất có thể kể đến tại chùa Mía là tượng Tuyết Sơn, Bá Đại Hòa Thượng, bà Chúa Mía hay tượng Quan Âm Nam Hải. Đặc biệt, quá nửa số tượng lưu giữ tại chùa Mía hiện nay được tạc từ gỗ mít, sơn son thếp vàng bên ngoài lộng lẫy. Trong khi đó, tượng bà Chúa Mía thì được tạc hoàn toàn từ gỗ mít, đặt trong khám gỗ, sát cạnh Tam bảo điện.

Tượng được chạm trổ tinh xảo, nhìn trang nghiêm và linh thiêng, bên trên có bức hoành phi với 3 chữ nhất cố thần và đôi câu đối để ca ngợi đức hạnh và công lao và tôn thờ bà là một vị hậu thần.

Tam bảo điện là nơi đặt trang nghiêm ba tượng Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Phía trên cùng là hàng Tam Thế Phật Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đại diện cho quá khứ, Đức Phật A Di Đà thể hiện hiện tại và Đức Di Lặc tượng trưng cho tương lai.

Nổi bật nhất phải kể đến tượng Phật A Di Đà được đúc hoàn toàn từ đồng nguyên chất. Tượng được tạc theo thế thiền trên tòa sen cùng điểm nhấn là tóc Phật xoắn tựa xoắn ốc, và bên phải là Địa Tạng, bên trái là Đức Mục Liên, đệ tử của Ngài.

Trong đó, bức tượng đặc biệt tại chùa Mía là pho Hoa Bá Đại Hoàng Thượng, tức Đức Di Lặc. Ở chùa Mía, tượng Đức Di Lặc tạc bằng chất liệu gỗ, cao gần 1 m. Tượng tạc thế ngồi bành dáng thư thái, đường bệ, với đôi tai to chảy dài sát vai, nụ cười thể hiện sự viên mãn nhưng đồng thời vẫn toát lên dáng vẻ uy nghiêm. 

Tượng được tạo bằng những khối căng tròn, dáng ngồi khoanh chân, chân chống ngả ra đằng sau rất thoải mái, tay trái úp nhẹ trên đùi, tay phải tì khuỷu lên, chiếc túi hậu thiên phồng to, lòng bàn tay cầm chuỗi tràng hạt. Pho tượng được tạc hình tướng như vậy vì nhân dân tin rằng Đức Phật Di Lặc xuất thế, thiên hạ sẽ thái bình.

Ngoài ra, tượng Thích Ca Mâu Ni sơ sinh, tượng Phạm Thiên và Đế Thích đang đánh cờ, tượng Hộ pháp, Tứ Bồ Tát cũng là một trong những pho tượng độc đáo tại ngôi chùa Mía.

Nói đến những ngôi tượng độc đáo của chùa Mía không thể không kể đến pho tượng Hộ pháp, Ngài khuyến thiện ngồi trên sư tử, khuôn mặt đôn từ nhân hậu mà vẫn uy nghiêm. Sự kết hợp giữa các động tác tay chân nhịp nhàng, bố cục gãy gọn, tĩnh mà không đơn điệu. Những họa tiết trang trí quần áo gồm mặt rồng hổ phù, gồm chữ thọ, lá có gân, mây, hoa chanh. 

Đối xứng là pho tượng Hộ Pháp trừng ác. Khuôn mặt đỏ dữ kết hợp với động tác tay của Ngài làm tăng thêm uy nghiêm của pho tượng. Hai pho tượng Hộ Pháp, ngài Khuyến Thiện và Trừng ác đều ngồi trên sư tử, dáng vẻ uy nghiêm, tạo nên phần trang nghiêm của ngôi chùa.

Kế đến, ở hai bên dãy hành lang là hệ thống 18 pho tượng La Hán, phần cuối của hành lang bên phải thờ Đức Chúa Ông, bên trái thờ đức Thánh Hiền.

Mỗi dãy hành lang đều thờ 9 pho tượng ngài La Hán, được đắp diện tướng khác nhau, nhiều vẻ mặt nhưng đều với trạng thái từ bi đôn hậu.

Những vị A La Hán là những vị chân nhân được nhận sự cúng dàng và tôn kính của Trời người. Sự hiện diện của các ngài tại thế gian để làm ruộng phúc điền cho chúng sinh duy trì Phật pháp nên còn gọi là thập lục cúng thân. Tất cả các pho tượng này được trưng bày tại chùa Mía đều sinh động, chân thật, từ dáng vẻ đến cử chỉ, ánh mắt và gắn liền với giai thoại lời thuyết giảng giáo lý riêng của mỗi Ngài. 

Hệ thống văn bia chữ Hán tại chùa Mía

Khi nhắc đến chùa Mía trong không gian văn hóa xứ Đoài – Sơn Tây, không thể không nhắc tới hệ thống văn bia Hán được lưu giữ tại chùa. Văn bia, bi ký, hoành phi, câu đối là biểu tượng văn hóa được nảy sinh từ đời sống xã hội như là nét đặc thù, một trong những hình thức thông tin cổ xưa, thường được gắn với các di tích lịch sử văn hóa như miếu, đình, chùa, lăng tẩm, hang động… Làng cổ Đường Lâm là mảnh đất văn hiến thuộc lãnh phận văn hóa xứ Đoài còn lưu giữ được nhiều văn bia, hoành phi, câu đối trong quần thể di tích. Cụ thể tại chùa Mía còn lưu giữ được văn bia: 

  • Bia Sùng nghiêm tự thị bi (1621) 
  • Bia Sùng nghiêm tự bi ký (1634), dựng ở chùa Mía, khổ 180 cm* 140 cm, bia hai mặt được dựng sau Sùng Nghiêm tự thị bi 13 năm, năm Đức Long thứ 6

Điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách

Chùa Mía còn là nơi thâm nghiêm, thanh tịnh khi nằm trong khuôn viên làng Việt cổ xứ Đoài, khách đến vãng lai chùa được sống trong cảnh thôn quê gần như nguyên vẹn nét xưa. Chính vẻ đẹp kỳ bí, rêu phong và những giai thoại gắn liền với sự linh thiêng của bà chúa Mía đã biến ngôi cổ tự trở thành một trong những điểm tham quan tôn giáo nổi tiếng, hàng năm thu hút lượng lớn người đến chiêm bái, vãn cảnh, lễ Phật

KẾT LUẬN

Chùa Mía không chỉ là nơi có cảnh quan cát đại mà còn có các công trình kiến trúc, điêu khắc có giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao, nhất là gần 300 pho tượng với những nét tạc đắp tinh xảo, nghệ thuật. 

Chính vì thế từ lâu, chùa Mía là chốn tùng lâm, chẳng những là nỗi ngưỡng vọng đến chiêm bái của đông đảo tín đồ Phật tử trong vùng mà còn là địa chỉ tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Nếu có dịp, quý vị hãy ghé chân tại nơi đây để cảm nhận và khám phá huyền thoại bà chúa Mía và hàng trăm pho tượng nghệ thuật cổ tại Việt Nam.

Chương trình danh lam thánh tích kỳ này xin được khép lại tại đây, xin kính chào và hẹn gặp lại!

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares