Đồng bằng bát ngát nẩy tòa sen
Phật Ngự Trang Nghiêm tựa động tiên
Đất Phúc xây nên cung Nguyệt điện
Trời Nam Dương hẳn cảnh thiên nhiên
trên đây là những câu thơ của thái thú Sĩ Nhiếp mô tả về cảnh đẹp của chùa Đậu, được lưu lại trong sách Đồng của chùa. Chùa Đậu hay còn gọi là Pháp Vũ Tự tọa lạc tại thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Không chỉ được biết đến với lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ những báu vật vô giá với thời gian, đó chính là hai nhục thân của hai vị thiền sư Đạo Chân và Đạo Tâm.
Trong chuyên mục Danh lam thánh tích kì này, kính mời quý vị cùng Phật sự Tản Viên khám phá ngôi chùa gắn liền với cuộc đời 2 vị thiền sư đắc đạo nổi tiếng này.
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ CHÙA ĐẬU
Chùa Đậu cách trung tâm thành phố Hà Nội về phía Nam 24 km, rộng khoảng 1ha. Chùa tọa lạc trên một gò đất cao tựa một đôi hoa sen đang nở giữa cánh đồng làng Gia Phúc.
Được bao bọc bởi những hàng cây xanh và những đầm sen thơm ngát. Phía sau ngôi chùa Đậu là dòng sông Nhuệ uốn lượn quanh năm yên ả và hiền hòa.
Theo cuốn sách Đồng hiện còn lưu giữ tại chùa thì chùa Đậu được xây dựng từ thời thái thú Sỹ Nhiếp (tức năm 210 thế kỷ thứ III sau công nguyên). Theo văn bia tu tạo dựng năm Dương Hòa đời thứ 5 thì ngôi chùa này được tôn tạo, trùng tu lớn vào thời Lý (thế kỷ thứ XI).
Ngoài ra, trong chùa còn nhiều viên gạch lớn thời nhà Mạc cũng chứng minh rằng chùa được phục dựng lại trong thời kỳ này. Cùng với đó là một số bia có niên hiệu Sùng Khang (1566 – 1577). Cũng theo văn bia, chùa được trùng tu lớn vào năm 1635 (Dương Hòa thứ 1). Đời Vua Lê Thần Tông, cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên đã làm hội chủ hưng công trùng tu ngôi chùa.
Ngoài ra, trong chùa còn bài minh khắc trên chiếc khánh đồng, được soạn bởi danh sĩ đời vua Lê Hiển Tông là Phan Trọng Phiên.
Theo Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam, chùa Đậu cũng nắm giữ kỷ lục là nơi đang lưu giữ quyển sách ghi lịch sử chùa bằng chất liệu đồng xưa nhất Việt Nam.
CHÙA ĐẬU CÓ TƯỢNG NHỤC THÂN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM
Kỷ lục thứ hai tại chùa Đậu chính là một trong những ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam.
Đó là hai pho tượng nhục thân của hai vị Thiền sư Đạo Chân (thế danh Vũ Khắc Minh) và thiền sư Đạo Tâm (thế danh Vũ Khắc Trường) đã trụ trì chùa vào đầu và giữa thế kỷ thứ XVII).
Tương truyền, hai Ngài Vũ Khắc Minh – Vũ Khắc Trường là hai chú cháu cũng là hai thầy trò. Cả hai vị có căn duyên đặc biệt, đều sớm lìa xa đời sống thế tục để xuất gia tu hành, lấy pháp hiệu Đạo Chân và Đạo Tâm. Suốt cuộc đời, hai Ngài gìn giữ lối sống thanh đạm, mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm rau vào chính ngọ. Thế nên, dân làng quanh đó thường gọi các Ngài với cái tên mộc mạc là “Nhà sư rau”.
Khoảng năm 1639, một ngày nọ, nghe tiếng giục giã của tấm thân tứ đại mòn mỏi, biết số mệnh đã tận, thiền sư Vũ Khắc Minh căn dặn đệ tử: “Sau đúng 100 ngày, nếu không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh của ta nữa thì hãy mở cửa am. Nếu thi thể ta hôi thối thì dùng đất lấp am lại, còn thi thể ta nguyên vẹn, không có mùi thì lấy sơn bả lên người ta trước khi xây bịt kín am”.
Sau đó, Ngài mang theo một chum nước uống, dầu thắp đèn rồi vào trong am ngồi tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền. Các đệ tử bịt kín cửa am lại, chỉ để hở một lỗ nhỏ thông khí.
Đúng 100 ngày sau, không nghe thấy tiếng mõ tụng kinh nữa, đệ tử mở cửa am thì thấy nhà sư đã tịch trong tư thế ngồi thiền kiết già hoa sen. Hơi thở đã tắt, gương mặt Ngài an nhiên tĩnh tại, thoáng hiện một nụ cười hàm tiếu thanh thoát. Các đệ tử nhu thuận làm như lời người Thầy đã chỉ dạy.
Tấm bia “Pháp Vũ tự tạo lệ bi” tại chùa cho biết, nhà sư trụ trì Đạo Tâm (Tức thiền sư Vũ Khắc Trường) từng giữ chức Tăng lục ty Tăng thống, một vị trí cao trong giới Phật giáo lúc bấy giờ.
Sau khi thiền sư tịch chừng 10 năm, thiền sư Vũ Khắc Trường cũng vào am gõ mõ tụng kinh và tịch trong tư thế tọa thiền như người Thầy của mình.
Hai vị thiền sư là tấm gương mẫu mực về đời sống tu hành toàn vẹn giới đức, nhiếp tâm thiền định, đạt được chứng ngộ vi diệu cao siêu. Đó là một biểu tượng/minh chứng cho hàng Thánh Tăng Việt Nam có những bậc siêu thoát, đã chứng đạt một cách thấu triệt viên mãn giáo lý Phật đà.
Tượng nhục thân thiền sư Đạo Chân có thế danh là Vũ Khắc Minh nặng 7 kg, chiều cao ngồi 57 cm. Tượng thiền sư Đạo Chân cổ hơn tượng thiền sư Đạo Tâm nhưng được bảo quản tốt hơn. Nhục thân đã được bó, hom, lót, thí, mài theo các kỹ thuật truyền thống rồi thếp với các nguyên liệu như sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất. Tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14 lớp. Trước khi tu bổ, tượng nặng 7kg, nay nặng 7,5kg.
TƯỢNG THIỀN SƯ ĐẠO TÂM
Pho tượng thiền sư Đạo Tâm, thế danh Vũ Khắc Trường từng bị hỏng nặng vào khoảng năm 1983 do ngập nước trong trận lụt lớn. Tượng hồi đó được gia cố bằng đồng. Khung xương nay đã được các nhà khoa học sắp xếp đúng vị trí hơn và phủ bằng nhựa PVC rồi toàn tượng bao kín bằng sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc, chỗ dày nhất tới 22 lớp. Tượng sau khi phục chế nặng 31kg.
Hai pho toàn thân xá lợi ấy đốt không cháy, ngâm trong nước không tan, không bị không khí thời gian bào mòn.
Theo quy luật của vũ trụ thì vật chất chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác mà Phật giáo gọi là Thành, Trụ, Hoại, Không. Còn toàn thân xá lợi này tính đến hiện nay vẫn còn tương đối nguyên vẹn
Trải qua hơn 300 năm thăng trầm lịch sử, dù chiến tranh, thiên tai, toàn thân xá lợi của hai Ngài vẫn tồn tại với thời gian, là bảo vật quý của chùa Đậu, là Quốc Bảo thiêng liêng được cung kính.
Hai pho Toàn Thân Xá Lợi hy hữu đặc biệt được tôn thờ tại chùa Đậu đã được Nhà Nước công nhận là Bảo Vật Quốc Gia vào năm 2016.
Khoa học thế giới ngày nay đã khẳng định, muốn ướp xác phải thỏa mãn đồng thời ba điều kiện.
- Phải có thuốc
- Phải hút bỏ nội tạng, não
- Phải để xác trong môi trường chân không
Năm 1983, khoa học đã chứng minh bằng Xquang (Thiền sư Đạo Chân thế danh Vũ Khắc Minh) và kết luận rằng:
+ Không có vết đục đẽo
+ Không có hiện tượng hút ruột, não và các khớp xương dính chặt nhau ở thể tự nhiên.
+ Cân nặng 07 kg
Hai Thiền sư không cần ba điều kiện trên mà vẫn để lại Toàn Thân Xá Lợi. Các nhà khoa học trong và ngoài nước rất mong muốn tìm ra “Phương pháp Ướp xác tinh xảo” của các Thiền sư. Cho đến nay, đề tài nghiên cứu này đối với các nhà khoa học vẫn là một điều nan giải.
CHÙA ĐẬU – MỘT DI SẢN QUÝ VỚI NHỮNG ĐIỀU BÍ ẨN
Chùa Đậu không chỉ đặc sắc bởi có nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường mà chùa còn nằm trong hệ thống tứ pháp của người Việt cổ.
Khi Phật giáo Ấn Độ vào Việt Nam kết hợp với văn hóa bản địa, đã hình thành nên hệ thống thờ tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (mây, mưa, sấm, chớp), thể hiện vũ trụ quan của con người đất nước nông nghiệp, nơi mà một nền văn minh lúa nước cần mưa thuận, gió hòa.
Có 4 ngôi chùa thờ Tứ Pháp là: Chùa Thiền Định, Chùa Thành Ðạo, Chùa Phi Tướng, Chùa Trí Quả. Chùa Dâu (Bắc Ninh) là nơi Phật giáo đầu tiên vào Việt Nam, thờ Pháp Vân; chùa Đậu thờ Pháp Vũ. Chùa Phi Tướng thờ vị Pháp Lôi, chùa Trí Quả thờ Pháp Điện.
Theo sử sách để lại khi Tứ Pháp xuất hiện thì mối liên quan giữa Đạo Pháp – Dân Tộc được hình thành từ đó.
Mảnh đất chùa Đậu cũng là nơi thờ Phật Pháp Vũ. Dân gian tương truyền, lúc đó ở phía Nam kinh thành như có luồng linh khí. Quách Thông theo lệnh Vua, về tới đất Gia-Phúc thấy thế đất trông tựa dáng hình một đôi hoa sen đang nở tỏa sáng, Quách Thông trình thái thú Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp cho rằng hoa sen là nơi đất Phật bèn cho lập chùa đặt tên là Thành Ðạo Tự, rước Ðại Thánh Pháp Vũ Ðại Bồ Tát về thờ nên gọi là Pháp Vũ Tự.
Do Nhà Vua chọn đất làm Chùa và chỉ dành cho bậc Vua Chúa đến lễ, người dân chỉ được vào lễ trong ba ngày hội (mùng 8,9,10 tháng Giêng âm lịch) nên gọi là Chùa Vua.
Bồ Tát hiện thân Nữ nên gọi là chùa Bà. Bậc chí sĩ cầu nghiệp lớn được Đậu Đạt, người dân trồng cây được đơm hoa kết trái, từ đó trong dân gian gọi là chùa Đậu.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đã ghi lại dấu ấn đậm nét của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Bởi thế trong lịch sử ngôi chùa này đã từng có các Vua, Chúa ở các triều đại lui tới lễ bái, cầu đảo, cầu cho Quốc Thái Dân An đều rất linh ứng nên gọi là “Quốc Đảo”,
Các hàng Chí Sĩ đến đây cầu nguyện Thi Cử Đăng Khoa, Công Danh rạng rỡ, sự nghiệp viên thành; người nông dân thì cầu nguyện cho có sức khỏe, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu nên các Vua Chúa đã cho xây dựng, sửa sang và được Vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII) phong tặng “Đệ Nhất Đại Danh Lam”.
KIẾN TRÚC CHÙA ĐẬU
Chùa Đậu là một quần thể kiến trúc đặc biệt. Ngôi chùa mang nhiều những nét nghệ thuật của các triều đại theo dòng thời gian của lịch sử dân tộc (Lý – Trần – Lê – Nguyễn). đã đánh dấu một bước phát triển của tín ngưỡng văn hóa dân gian.
Kiến trúc của chùa xây dựng theo cấu trúc hệ thống tứ pháp của nhà Phật, tuân theo phong cách “nội công, ngoại quốc”, “tiền Phật, hậu thánh”. Tổng thể khuôn viên chùa Đậu bao gồm: Tam quan, nhà tả vu – hữu vu, tiền đường, tam bảo, nhà tổ…
Bên trong khuôn viên chùa có một hồ nhân tạo lớn, trồng sen. Giữa hồ là một phương đình có hình dáng đài hoa sen.
Cổng tam quan chùa là một gác chuông hai tầng tám mái cong vút. Nhiều bộ phận gỗ được chạm khắc hình rồng, phượng và hoa lá tinh xảo. Trên gác chuông chùa có treo quả chuông được đúc năm 1801 thời Tây Sơn.
Sau Tam Quan là một khoảng sân rộng, có bậc thềm dẫn đến tiền đường. Trong đó ở bậc thềm chính giữa là đôi rồng đá thời Trần có niên đại khoảng 500 năm tuổi với những đường nét điêu khắc tinh tế. Hiện nay, đôi rồng đá được Bảo tàng Lịch sử quốc gia “sao lại” một bản để trưng bày trong sân vườn bảo tàng.
Hai bên sân là nhà tả vu và hữu vu). Chính giữa sân là một đường lát, khác biệt với hai bên tạo nên một trục dũng đạo dẫn từ Tam quan vào đến Tiền đường.
Hai bên nhà tiền đường là hai dãy hành lang song song, bên phải thờ Đức ông Cấp Cô Độc, bên trái thờ đức Thánh Hiền cùng 18 Vị La Hán và các tấm bia đá cổ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 ghi rõ lịch sử và những lần trùng tu chùa.
Tiền đường phía trước nối liền với hai dãy hành lang hai bên và nhà tổ ở phía sau làm thành một khung vuông bao bọc lấy tòa tam bảo.
Trải qua chiến tranh cùng nhiều lần trùng tu phục chế tòa tam bảo vẫn giữ được nhiều nét độc đáo đặc trưng của nền nghệ thuật dân gian hưng thịnh thế kỷ 17 như kiến trúc được xây bằng gỗ, mái ngói in mũi hài, các cột xà đều được chạm nổi công phu tinh tế hình rồng vườn mây, nền được lát bằng gạch bát, bệ đá chạm hoa sen… Nơi đây được ví như một bông hoa sen tinh tế và nở rộ, nhưng vẫn toát lên sự uy nghi linh thiêng chốn thiền môn.
Chùa Đậu được xây dựng đồng thời hai ngôi điện thờ tam bảo là chùa Vua và chùa Am. Chùa Am hay hay còn gọi là chùa Dân dành cho người dân trong vùng lễ bái. Chùa này nằm khuất sau chùa Vua và nối với khu vực chùa Vua bằng một cây cầu đá nhỏ.
Trong ngôi chùa Am có một pho tượng đá rất đặc biệt – tượng Quan Âm lục chi (6 tay) bằng đá xanh, không sơn thiếp, vẫn để nguyên bằng đá mộc. Tương truyền, tượng Quan Âm lục chi chùa Am có khả năng cứu độ chúng sinh, chữa lành bệnh tật.
Trải bao biến thiên của lịch sử dù mang nhiều tên gọi nhưng cho đến ngày nay người dân quen thuộc nhất cái tên gọi là Chùa Đậu bởi ngôi chùa gắn liền với cầu công danh thi cử, nhiều trăm qua hàng trăm năm.
KẾT LUẬN
Chùa Đậu không chỉ là một địa điểm thu hút đông đảo Phật tử, du khách thập phương mà còn là nơi tìm đến của rất nhiều sĩ tử trước mỗi kì thi để gửi gắm những ước nguyện chân thành.
Đặc biệt, du khách còn được đỉnh lễ, chiêm bái xá lợi toàn thân của hai vị thiền sư – là minh chứng cho sự thành tựu trong việc tu hành.