DANH LAM THÁNH TÍCH KÌ 24: Chùa Phổ Minh – Nơi lưu giữ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Chùa Tháp Phổ Minh là nơi lưu giữ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam.

Tại vùng đất Thành Nam có một ngôi chùa không chỉ mang kiến trúc độc đáo, mà còn là ngôi chùa tháp lớn nhất, cổ nhất và còn nguyên vẹn nhất tại Việt Nam. Đây cũng chính là nơi lưu giữ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam. Đó chính là chùa Phổ Minh hay còn gọi là chùa Tháp Phổ Minh. Trong số danh lam thánh tích kỳ này, kính mời quý vị cùng Phật sự Tản Viên khám phá ngôi cổ tự Phổ Minh, ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.

Lịch sử xây dựng chùa

Chùa Phổ Minh cùng với đền Trần ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định tạo thành một cụm di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích thời Trần ở Nam Định nói riêng và cả nước nói chung.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Chùa Phổ Minh nằm trong quần thể kiến trúc cung điện của triều đình. Đương thời, chùa là một bộ phận nằm trong hệ thống cung điện Thiên Trường nhà Trần.

Tên Phổ Minh tự phần nào phản ánh được tư tưởng Phật giáo thời Trần. Tạm hiểu là: đem cái ánh sáng vô lượng vô biên của Phật pháp hòa nhập vào cuộc đời để cứu độ chúng sinh. Ý nghĩa này cũng thống nhất với tinh thần nổi tiếng đương thời “Hòa quang đồng trần”, tư tưởng Phật Giáo nhập thế của Phật phái Trúc Lâm. 

Tại chùa Phổ Minh, có những dấu tích còn lại khẳng định đây kiến trúc Phật giáo xưa nhất còn đầy đủ nhất đến nay trên đất nước ta, là một điển hình của nghệ thuật tạo hình ở thế kỷ XIII – XIV, trên đất Nam Định.

Về niên đại lịch sử xây dựng chùa, các tư liệu chính sử và bi ký cho biết chùa được xây dựng năm 1262 đời vua Trần Thánh Tông, như trong sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết: “Nhâm Tuất, Thiệu Long] năm thứ 5 [262],… Mùa xuân, tháng 2,… Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một khu cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh”. Các tài liệu khác như Việt sử thông giám cương mục, Đồng Khánh dư địa chí, Hoàng Việt địa dư nhất thống chí, Nam Định dư địa chí… đều có ghi chép tương tự.

Tương truyền vào thời Lý đều cho xây dựng mỗi làng một ngôi chùa trong đó có chùa Phổ Minh ở Hương Tức Mặc. Đây cũng chính là ngôi chùa tương truyền trong dân gian có “Vạc Phổ Minh” được xếp vào một trong “An nam tứ đại khí”, bởi vậy có câu truyền tụng rằng: Tháp Báo Thiên – ‎Vạc Phổ Minh – ‎Chuông Quy Điền – ‎Chùa Quỳnh Lâm. Tuy nhiên, qua nhiều biến đổi lịch sử dân tộc, Vạc hiện nay không còn nhưng ngôi chùa vẫn lưu giữ được chân trụ đá kê Vạc Phổ Minh. 

 Năm 1262, khi nhà Trần dựng cung Trùng Quang và cung Trùng Hoa ở gần chùa có thể đã cho xây dựng và mở rộng chùa Phổ Minh chứ đây không phải năm chùa được xây dựng. Có nhiều tư liệu xác định về điều này, chẳng hạn tấm bia Phổ Minh thiền tự bi dựng năm 1668 thời Hậu Lê có viết:

“Nhà Lý xây dựng chùa, họ Trần điểm tô. Nhớ xưa đền đài nguy nga, trấn giữ. Có đỉnh vàng ngàn cân, Quy mô sáng sủa, trăm thước phù đồ”…

Nhiều câu đối treo ở chùa Phổ Minh cũng ghi nhận thời điểm ngôi chùa được xây dựng thời Lý và được trùng tu mở rộng vào thời Trần, như tại nhà Tiền Đường của chùa có câu đối được dịch nghĩa như sau:

Vua Lý mở đầu, một tiếng truyền xưa bảo khí, 

Tháp Trần nổi tiếng, năm ba dấu vết khởi thiền lâm.

Những tư tưởng mang màu sắc nhập thế của Phật giáo nhà Trần được thể hiện thông qua những áng văn, kệ tụng, câu đối… còn lưu lại của các vị Thiền sư đời Trần

Kiến trúc chùa Phổ Minh

Chùa Phổ Minh quay hướng Tây, trên một khu đất rộng, bằng phẳng, với tổng chiều dài lên đến 225m, chiều rộng gần 90m. Tổng thể chùa gồm nhiều hạng mục, dàn trải theo trục Đông – Tây. 

Mở đầu lối vào chùa là tam quan, với những bậc thềm và đôi chồn đá thời Trần. Tam Quan chùa qua nhiều thời kỳ hiện xây theo kiểu kiến trúc thời Nguyễn muộn, có dạng thức 2 tầng 4 mái chồng diêm, đầu hồi bít đốc có trụ biểu. Hiện vật giá trị nhất ở Tam Quan chùa Phổ Minh là đôi sấu đá thời Trần còn lại. Sau tam quan, một con đường lát gạch dẫn tới tháp

Tháp Phổ Minh

Tháp Phổ Minh là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu thời Trần còn tồn tại gần 800 năm và là một ngôi tháp tiêu biểu của thiền phái Trúc Lâm, Yên Tử. Chính vì vậy chùa Phổ Minh còn gọi là chùa Tháp hay chùa Tháp Phổ Minh.

Tháp Phổ Minh dựng năm 1305, là kiến trúc thời vua Trần Anh Tông và được bảo tồn khá nguyên vẹn đến ngày nay. 

Tháp có 14 tầng, cao 19,51m. Hai tầng tháp dưới cùng xây bằng đá có chạm khắc hoa văn cánh sen, hoa văn sóng nước. Đỉnh tháp có một khối đá tạo dáng hình bông sen nhiều lớp cánh.

Đế tháp được thiết kế hoàn toàn bằng đá xanh, mỗi cạnh dài 5,20m. Xây kiểu một bông hoa sen có cánh, cánh nhỏ từ giữa nghiêng dần về góc tháp biểu tượng một đài sen nâng kiệu. Phần dưới bệ đá được tạo dáng cong theo hai phía khiến người xem dễ lầm tưởng do đá bị lún nhưng thực chất xây dựng để tạo đà cho hơn 10 tầng phía trên đều có độ cong tương tự.

Tháp được xây bằng gạch đỏ mở 4 cửa ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Xung quanh tháp có tường bao quanh, mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng Long thập tam niên” (tức năm Hưng Long thứ 13/1305) và khắc họa hình rồng nổi ở thời Trần. Chính giữa các tường có cửa để ra vào tháp, được trang trí bằng những đôi rồng đá. Dưới chân tháp Phổ Minh là 2 cây hương lớn (hay còn gọi là cột kinh) được làm bằng đá, tạo tác tinh xảo theo hình hoa sen.

Tuy nhiên, vào những năm đầu thế kỷ XX, khi tu sửa lại, người ta đã sử dụng vật liệu xi măng bao quanh bề ngoài của tháp, làm mất đi những hoa văn trên viên gạch.

Cả tòa Tháp được đặt trong một mặt bằng nền hình vuông kích thước (9,1×9,l)m, cốt nền hạ thấp hơn mặt nền sân 0,45m, xung quanh được xây lan can cao khoảng 1m được mở lối đi ở giữa bốn phía có Trụ hai bên, đỉnh Trụ làm hình búp sen, mỗi bên lối đi đều có Rồng đá thành bậc giống ở Tiền Đường.

Tại nơi đây, lưu giữ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tương truyền rằng, sau khi Kim thân Phật Trần Nhân Tông viên tịch, vua nối ngôi Trần Anh Tông đã sai người làm kiệu bát cống bằng đá và xây tòa tháp lên trên, sau đó đặt 7 trong số 21 viên xá lợi của Vua cha vào hòm đá quý, đưa vào trong tháp Phổ Minh ở trước cửa chùa.

Dân gian có câu ca được cho là lời nói của Phật hoàng:

Dù ai tranh bá đồ vương, 

Trẫm xin gửi lại nắm xương chùa này.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Người là vị vua có công trong hai lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông (1285, 1288) và là vị Tổ thứ Nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trước khi lên trên núi Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành, vào năm 1299, Vua Trần Nhân Tông đã về Chùa Phổ Minh tu hành một thời gian. Sau khi sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, Vua Trần Nhân Tông đã ở tại Chùa Phổ Minh Hoằng pháp. Năm 1303, Vua Trần Nhân Tông đã cho mở hội Vô Lượng, giảng kinh giới thí và ban phát tiền cho người nghèo trong thời gian tại đây. 

Với quan niệm: “Phật tại tâm”, Phật giáo nhà Trần đã dẫn dắt chúng sinh theo tinh thần “Phật tại thế gian, bất ly thế gian”, “phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư

Phật” góp phần tạo nên tư tưởng hộ quốc an dân tồn tại phổ biến trong mỗi người tu theo thiền phái Trúc Lâm. Đó là tinh thần nhập thế tích cực nổi trội của Phật giáo thời Trần

Hệ thống thờ tự chùa Phổ Minh

Chùa Phổ Minh thờ Phật giống như các ngôi chùa khác. Hệ thống thờ tự bài trí theo pháp môn Tịnh Độ Tông – Thời Tây Phương Tam Thánh phía trên cùng. Đặc biệt, đây là nơi thờ phụng và có mối liên hệ mật thiết tới Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, đưa chùa Phổ Minh trở thành một trung tâm tôn giáo lớn của quốc gia Đại Việt.

Hiện nay, trong chùa đang thờ 3 vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra dưới triều Trần. Trong đó, chính giữa là tượng Vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn (tư thế nằm nghiêng), đầu gối lên tay trái, tay phải duỗi thẳng đặt lên người, cả bức tượng được đặt trong 1 khám thờ khối hình chữ nhật.

Bên trái tượng Trần Nhân Tông là tượng Pháp Loa – Đệ Nhị Tổ Trúc Lâm và bên phải là tượng Huyền Quang – Đệ Tam Tổ Trúc Lâm. Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ ở chùa Phổ Minh có niên đại từ Thế kỷ XVII, được tạo tác bằng chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng. Đây là bảo vật quốc gia được Chính phủ công nhận tháng 1 năm 2023.

Tiếp nối tòa tháp, tòa tiền đường, thiêu hương và thượng điện, ba tòa nối nhau theo hình chữ công, hai bên là hai dãy hành lang, nối vào dãy nhà tổ ở phía sau, tạo nên thế bao kín cho ngôi chùa theo lối kiến trúc “nội công ngoại quốc”. 

Phía sau Tam Bảo, lưu giữ mộ công chúa Mạc Ngọc Lâm được xây bằng gạch, dựng dưới hình thức tháp một tầng. Chùa Phổ Minh đã được tu bổ trong nhiều thời khác nhau, bởi vậy lưu giữ rất nhiều nhiều dấu tích tiêu biểu thời Trần như: Đôi trụ trước tháp, đôi chồn ở tam quan, đôi rồng ở thềm bậc chùa chính, chuông đồng, khánh đồng,… Chùa Phổ Minh là một di tích nổi tiếng, có nhiều giá trị nghệ thuật, lịch sử và phong cảnh.

Bộ cửa 4 cánh làm bằng gỗ lim nguyên khối có chạm khắc hình rồng, hình lá đề. Bởi ngôi chùa lưu dấu hình ảnh một vị vua của đất nước, bởi vậy những họa tiết Rồng: Biểu tượng cho vương quyền, còn lá đề là biểu tượng cho thần quyền hiện đang đặt ở gian giữa nhà Tiền đường.

Cùng với đó, bên trong quần thể chùa có những cây cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm. Trong đó, có hai cây Muỗm cổ thụ được công nhận là cây Di sản được xác định trên 300 năm tuổi.

Theo tư liệu, hai cây Muỗm cổ thụ có hình dáng bề thế, thân tròn đều, đường kính của cây ở độ cao 1m là 143cm và 114cm, chiều cao vút ngọn là 18,5 và 19m, có nhiều cành lớn tán xòe rộng.

Hiện nay, mặc dù đã trải qua hơn 300 năm, nhưng hai cây Muỗm trong khuôn viên chùa Phổ Minh vẫn sinh trưởng và phát triển tốt; quả sai trĩu, ngọt bùi.

Thay đổi về quy mô, kiến trúc

Từ khi xây dựng đến nay trải qua gần 800 năm với nhiều biến động lịch sử, ngôi chùa có những thay đổi về quy mô, kiến trúc nhưng nét đẹp thì không hề mai một. 

Chùa Phổ Minh luôn được coi là đại danh lam của nước Việt xưa nay; không biết bao người đã đến nơi đây và trào dâng cảm xúc, như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) trong bài Du Phổ Minh tự (Thăm chùa Phổ Minh) có câu rằng:

Pháp giới ưng đồng thiền quảng đại, Hương nhân do thuyết địa anh linh. Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại. Thức đắc vô hình thắng hữu hình. (Cõi pháp một vùng Thiền rộng lớn, Người làng vẫn bảo đất thiêng linh. Xa xăm cổ đỉnh này đầu tá, Mới biết vô hình thắng hữu hình),

Chùa Phổ Minh cùng với Đền Trần thuộc thôn Tức Mặc,  phường Lộc Vượng (TP Nam Định) đã tạo thành một khu di tích không những có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và Chùa Phổ Minh là Di tích quốc gia đặc biệt.

Cùng với ngày lễ lớn tại Cụm Di Tích Đền Trần vào dịp tháng giêng âm lịch, chùa Phổ Minh hàng năm còn tổ chức lễ lớn tưởng nhớ ngày Giỗ Phật Hoàng Trần Nhân Tông vào ngày 3/11 âm lịch, đã hút đông đảo Phật Tử và nhân dân về tham dự, trở thành nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. 

Kết luận

Chùa Phổ Minh – Chốn thiền môn cổ kính, chứa đựng những giá trị mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hoá, kiến trúc của nhà Trần – triều đại hưng thịnh bậc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. 

Đây là một địa điểm du lịch tâm linh đặc biệt không chỉ để Phật Tử, nhân dân thập phương tới chiêm bái mà còn giúp mỗi quý vị được trở về với cội nguồn Giáo Pháp của dân tộc. Ôn lại lịch sử về vị Phật của đất nước Đại Việt để cùng thúc liễm thân tâm, tu học hướng tới giác ngộ giải thoát ngay trong đời sống thực tại. 

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares