Nằm trong quần thể di tích Quận Ba Đình – Chùa Hòe Nhai nổi tiếng về hình ảnh pho tượng Vua sám hối. Đây là pho tượng độc nhất vô nhị trong điêu khắc Phật Giáo. Ngôi cổ tự nghìn năm tuổi không chỉ mang đậm giá trị về lịch sử, văn hoá mà còn là một minh chứng cho sự gắn bó giữa Phật Giáo với lịch sử dân tộc. Chuyên mục Danh lam Thánh tích kỳ này xin mời quý vị cùng PSTV khám phá ngôi chùa đặc biệt – Chùa Hoè Nhai, phố Hàng Than Quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Chùa Hòe Nhai gắn liền với dấu ấn của thiền phái Tào Động, một trong hai thiền phái lớn từ Trung Hoa truyền vào nước ta. Cùng với đó là tên tuổi thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt và hành trình hoằng truyền Đạo Pháp của Ngài ở thế kỳ XVIII tại Việt Nam.
Theo sử sách ghi lại, năm 1667 trên đường trở về Việt Nam nơi sơ phát tâm xuất gia tại chùa Nhẫm Dương, ngài Thủy Nguyệt đã dừng chân tại chùa Hòe Nhai một thời gian để hoằng pháp. Ngài chính là tổ khai sáng Thiền phái Tào Động chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) ở phố Hàng Than (Ba Đình – Hà Nội). Đệ tử được Ngài truyền pháp là Chân Dung Tông Diễn.
Thiền sư Thủy Nguyệt, hiệu Thông Giác Đạo Nam, sinh năm Đinh Sửu (1637), quê ở làng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình), con nhà họ Đặng. Dưới thời vua Lê Hy Tông (1676 – 1705), Thiền sư Thủy Nguyệt sang phương Bắc, tham học với Hòa thượng Trí Giáo Nhất Cú, tổ thứ 35 của dòng Thiền Tào Động (Trung Hoa). Ngài là tổ thứ 36 của Thiền phái Tào Động Trung Hoa và là Đệ nhất tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam.
Với tôn chỉ của dòng thiền Tào Động là vô sở đắc, vô sở ngộ, chân tâm nhất như, tu chứng nhất như, dòng thiền này đã có nhiều vị thiền sư đóng góp cho việc phát triển Phật giáo thời bấy giờ.
Các thiền sư nối tiếp nhau đã góp sức tu tạo chùa Hòe Nhai ngày càng khang trang tố hảo; nhất là đã đào tạo được các đệ tử thuần thành, hết lòng thực hiện các Pháp Sự lợi ích quốc gia, bảo tồn mạng mạch Phật Pháp. Người tiêu biểu phải kể đến công lao to lớn của ngài là vị Tổ thứ hai của chùa Hòe Nhai, đó là Sư Tổ Tông Diễn Chân Dung Đại Tuệ Thiền Sư. Khi ngài đang trụ trì chùa Hòe Nhai thì cũng là lúc vua Lê Hy Tông ra lệnh phế bỏ tăng lữ, chùa chiền.
Vào thời kỳ này, tình hình xã hội Đàng Ngoài tương đối yên ổn. Phật giáo từ sau khi nhà Trần suy vi đã dần lui về trong dân gian, ít ảnh hưởng đến triều chính. Mặt khác, Nho giáo phát triển mạnh và phê phán, bài xích Phật giáo. Trong bối cảnh đó, khi vua Lê Hy Tông nhận được sớ các quan tâu lên vua về những điều sai phạm, phá giới của một số Tăng lữ đã ra quyết sách hạn chế Phật giáo, “Phế bỏ Tăng lữ”. Vua hạ lệnh đuổi chư Tăng, bắt phải hoàn tục hoặc phải lên rừng núi để tu.
“Theo Đại đức Tâm Hoan trụ trì chùa Hòe Nhai, thì đời vua Lê Hy Tông, Ngài đã ban một sắc lệnh hà khắc là đuổi hết các nhà sư lên rừng. Điều này khiến cho cảnh chùa chiền thời đó bị bỏ hoang, nền Phật giáo nước nhà rơi vào thảm cảnh cùng cực nhất. Vì thế, đã có rất nhiều Tăng, Ni ở các chùa phải hoàn tục”, tại các ngôi chùa hầu như thiếu vắng bóng dáng tu sĩ, chùa chiền hoang phế, Phật giáo rơi vào giai đoạn khủng hoảng, có thể nói đây cũng là pháp nạn trong Phật giáo Việt Nam.
Trước sự kiện xảy ra bất công này, một trong những vị hòa thượng đắc đạo, là thế hệ thứ hai của phái Tào Động tại Việt Nam, Ngài Chân Dung Tông Diễn (còn gọi là Thiền sư Tổ Cua) vốn là một danh tăng có tiếng tại Thăng Long, vì không muốn nền đạo pháp lâu đời
trên đất Việt bị hủy hoại nên đã tìm cách dùng lý lẽ phải trái phân định cho vua hiểu đúng vai trò của Phật giáo và các Tăng sĩ. Nhân biết giai đoạn này chư Tăng không được ưu thế, nên Hòa thượng Tông Diễn cải trang làm người dân thường đến dâng ngọc cho vua. Sau này người đời thường gọi “Ngọc khai hóa”, nhưng thực chất bên trong là tờ sớ nhằm giải bày cho vua Lê Hy Tông hiểu đúng giá trị những gì mà Phật giáo đem lại. Sư Tông Diễn giải bày: “Phật giáo tuy không phải ngọc, nhưng từ xưa đã được nghe, Phật giáo lấy trí đức làm đầu không gì sánh bằng, nên có câu, trí cao trời người trọng, đức lớn quỷ thần kinh. Nước ta, từ đời Lý, Trần các vua hết sức coi trọng Phật giáo, vì thế mà người theo đạo Phật dốc lòng phò vua giúp nước, nên quốc gia hưng thịnh. Đạo Phật với lối sống lục hòa, chính tín và nhân quả, khiến người người biết thương yêu, kính trọng nhau, bỏ điều xấu làm việc tốt, xem ra đạo Phật nếu biết dùng thì có lợi cho quốc gia còn hơn cả ngọc quý. Vậy tại sao nay đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã tắc”.
Sau khi nghe xong lời tấu trình, cảm nhận sự hợp lý, từ đó nhà vua chuyển ý thay đổi thái độ với Phật giáo, vua Lê Hy Tông đã rút lại quyết định mà trước kia đã từng ban hành lệnh đối với Tăng sĩ. Đồng thời để tỏ lòng ăn năn, sám hối vì những hành động trước kia, vua đã cho tạo hình bức tượng “Vua sám hối” bằng hình ảnh vua quỳ xuống cõng Đức Phật trên lưng.
Bức tượng kép với hình tượng Đức Phật trên được khắc họa với vẻ mặt từ bi, tay bắt ấn trang nghiêm, bên dưới là hình tượng vua quỳ xuống, hai tay ngửa lên thể hiện sự tôn kính, quy phục, ăn năn hối lỗi.
Chữ sám hối theo Phật giáo là phải cải đổi, chừa không tái phạm, điều này được ví như khi thấy bao rác thì điều cần thiết là phải dọn rác chứ không phải chỉ thấy rồi để đó. Cũng vậy, biết sai mà nhận diện rồi chuyển hóa hành vi, đây là đúng theo nghĩa chữ sám hối, là một điều tích cực chúng ta cần phải làm trong cuộc sống, không chỉ ở nghi thức mà cần có sự thay đổi cho tốt hơn.
Đây còn là bài học khuyên chúng ta ở bất kỳ vị trí nào trong xã hội thì điều kiện cần thiết là tự biết nhận ra lỗi lầm của bản thân và thật tâm sửa đổi là điều đáng quý. Một thông điệp với ý nghĩa đầy tính nhân văn và cũng là bài học về sự giáo dục đạo làm người, biết sai và sửa sai để đời sống tốt đẹp hơn.
Học giả Cung Khắc Lược nhận định về việc này: “Trong triết học nhà Phật, nghĩa gốc của chữ tu là sửa, con người hàng ngày thế nào rồi cũng đụng chạm đến đời sống của chúng sinh hoặc làm những điều bị ngăn cấm. Vua Lê Hy Tông đã vi phạm một điều rất lớn là phá đạo, trong khi đạo Phật luôn chủ trương đường lối không dùng sự thủ tiêu và tàn nhẫn, đó là một cách “cai trị” mà không cần vũ trang, đó là Phật trị”.
Về tổng thể, bức tượng cao hơn 3m, được đặt phía bên trái của chính điện. Bức tượng Vua sám hối được bày trí chính giữa, phía hai bên là vua Đế Thích, hai vị vua của thiên giới đã phát nguyện hộ trì Phật pháp tại nhân gian. Với những nét chạm trổ đơn giản theo phong cách Đại Việt cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, tạo nên thần thái cho cả hai bức tượng. Toàn bộ tượng đều được sơn son thếp vàng, chỉ có vài chỗ vì trải qua thời gian có phần bong tróc, tuy nhiên nước sơn tượng vẫn giữ được màu sắc khá đẹp.
Ngoài ra, bức tượng này còn được gọi là “Dị tượng”, tức là tượng lạ vì chưa từng có bức tượng nào mang ý nghĩa thế này. Hoặc một tên gọi khác là “Dĩ thân vi thân sàng”, tức là lấy thân làm sàng ngồi, để nói lên tấm lòng của vị vua Lê Hy Tông đối với Phật giáo.
Năm 2006, nhân dịp UNESCO công nhận lễ Phật đản là lễ hội tôn giáo thế giới, nhiều công trình văn hóa Phật giáo đặc sắc khắp châu Á được nhắc đến, trong đó có pho tượng “Vua sám hối” ở chùa Hòe Nhai. Tượng cũng được ghi vào sách kỷ lục Guinness quốc tế trong lĩnh vực Phật giáo.
Trải qua chiều dài lịch sử, chùa Hòe Nhai đã có trên 30 vị thiền sư, Hòa Thượng kế đăng trong đó có các Hòa Thượng đỗ đạt chân khoa bảng nhưng không màng quan chức mà chỉ nhất tâm xuất gia.
Đây cũng là ngôi chùa xuất thân của hai vị Quốc sư: Đạo Nam Quốc Sư, Thông Giác Thủy Nguyệt Thiền Sư – Sơ Tổ Tông Tào Động Việt Nam và Đại Tuệ Quốc Sư, Chân Dung Tông Diễn Thiền sư – Nhị tổ Tông Tào Động Việt Nam.
Cùng 3 vị Tăng thống là:
– Tăng Thống Tịnh Giác Từ Sơn Hành Nhất Thiền Sư.
– Tăng Thống Hải Điện Mật Đa Thiền Sư.
– Tăng Thống Khoan Dực Phổ Chiếu Thiền Sư
Ngoài ra, chùa Hòe Nhai là ngôi chùa mà tổ Vĩnh Nghiêm – Thiền gia pháp chủ Hòa thượng Thích Thanh Hanh (1840 – 1936) đã sơ tâm cầu Đạo năm 10 tuổi.
Ngôi cổ tự này cũng chính là nơi ở khi cuối đời của Đức đệ nhất Pháp chủ GHPGVN cố Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897 – 1993). Ngài là vị Pháp chủ đầu tiên của GHPGVN, đã có công đứng ra cùng Chư tôn đức vận động thành lập nên Giáo hội hơn 4 thập kỷ trước, ở một quốc gia đa sắc tộc, hệ phái; thống nhất tất cả 9 hệ phái và cả Nam tông, Bắc tông cùng tụ hội dưới một mái nhà chung.
Tại Đại hội thành lập GHPGVN, sau 3 lần khước từ chức vụ Pháp chủ, Ngài đành nhận mệnh tăng sai với yêu cầu thực hiện các yêu cầu thiết yếu của Phật giáo lúc bấy giờ như:
- Được mở Trường Cao cấp Phật học tại ba miền Nam, Trung, Bắc và các Trường Cơ bản Phật học tại các Tỉnh;
- Tăng, ni được phép xuất gia tu học tại các cơ sở tự viện;
- Tín đồ phật tử được tự do đi chùa lễ bái, sinh hoạt tín ngưỡng tại các cơ sở tự viện trong cả nước.
Khi bế mạc Đại hội, vào yết kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Trưởng lão lập lại ba đề nghị trên và đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng chấp thuận, sẽ thực hiện theo tôn ý và nguyện vọng của Hòa thượng cũng như của giáo đồ Phật giáo Việt Nam.
Dưới sự chứng minh của Ngài và lãnh đạo của Trung ương Giáo hội, đến năm 1988 Nhà nước cũng thay đổi chính sách về tăng, ni nên bộ mặt chung của GHPGVN đặc biệt tại miền Bắc có nhiều cải thiện rõ rệt. Không chỉ giai đoạn sau năm 1981, Ngài mới đóng góp
Phật giáo mà từ thập niên 1950 ngài đã cùng Chư tôn đức lèo lái con thuyền Phật giáo ở miền Bắc trong giai đoạn có nhiều khó khăn.
Đối với các Tông phái Phật giáo, Ngài và các môn đồ cũng có công rất lớn trong việc gìn giữ duy trì các Tổ đình thiền phái Tào Động tại Hà Nội như Hòe Nhai, Quảng Bá, Phổ Giác, Thiên Trúc, Ngũ Xã… Về phương diện Pháp môn tu hành Ngài hoằng dương cả 2 Pháp môn như Tu Phản Văn – pháp tu rất uyên áo thâm sâu từ kinh Thủ Lăng Nghiêm và cả pháp môn Tịnh độ gần gũi với các hàng căn cơ. Đức Đệ Nhất Pháp chủ không những là hành giả Phật giáo lỗi lạc, nhà tu hành nổi tiếng mà đặc biệt ngài còn dạy được rất nhiều đồ đệ nổi tiếng trong phương diện tu tập như các Hòa thượng: Thích Trung Quán, Thích Tâm Châu, Thích Tuệ Đăng, Thích Thanh Khánh, Thích Phúc Trí,.. Ni trưởng Hải Triều Âm… đây cũng là việc hết sức hiếm có trong thời cận hiện đại.
Đúc kết đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, xin trích mấy vần thơ trong điếu văn của Trung ương GHPGVN tại tang lễ ngài năm 1993 do Hòa thượng Thích Phổ Tuệ bấy giờ là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp bút:
“Việc làm ích nước lợi dân
Cao Tăng Đinh Lý Lê Trần tái sinh”
Thực vậy cuộc đời phạm hạnh với các công hạnh lớn của Ngài như phản chiếu hình ảnh các cao tăng từ Đinh-Lê-Lý-Trần hồi Phật giáo còn thịnh trị, các bậc ấy như còn “tái lai” để giúp đỡ Phật giáo Việt Nam qua được những giai đoạn thăng trầm trong tiến trình phát triển.
Trong quá trình giữ ngôi vị Pháp chủ (11/1981 – 12/1993), Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận luôn quan tâm đến các hoạt động của Giáo hội, chú chăm lo công tác đào tạo tăng ni, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước cho các Phật tử…
Trên ngôi vị Pháp Chủ tối cao, cố Đại lão Hòa thượng đã tỏa sáng gương lành, ân đức bao trùm tăng ni, Phật tử cả nước, làm hải đăng định hướng cho GHPGVN. Qua những lời khuyến hóa thâm nghiêm, nhân hậu, hàm tàng bao ý nghĩa xây dựng và phát triển ngôi nhà GHPGVN ngày càng phát triển, trang nghiêm, hưng thịnh trong lòng dân tộc trên các lĩnh vực.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng đất nước, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khách.
Về niên đại xây dựng và trùng tu, có nhiều tài liệu nói khác nhau như bia do Tiến sĩ Hà Tông Mục Soạn thì chùa xây dựng niên hiện Chính hòa thứ 24 (1703), nhưng ở xà nóc nhà Tổ lại ghi trùng tu vào năm Chính Hòa 19 (1698). Bia bên trái chùa ghi năm Kỷ Mão niên hiện Chính Hòa 20 (1699) trùng tu chùa. Do đó có thể nói chùa được trùng tu nhiều lần trong thời gian từ năm 1690 đến năm 1920.
Về kiến trúc xưa kia, phạm vi chùa Hòe Nhai khá lớn, song qua nhiều lần sửa chữa, mỗi lần chùa một hẹp dần lại và chùa còn hiện trạng như hiện nay. Tuy nhiên chùa vẫn còn khá rộng rãi, u tịch, thoang thoảng mùi hương các loại hoa với những đường đi lối lại, các khoảnh sân nho nhỏ dưới những tán cổ thụ xanh tốt quanh năm. Bước vào chùa, để lại sau lưng cái ồn ã, náo nhiệt của phố phường đô hội, tâm hồn ta như được thư thái, nhàng hơn.
Chùa Hòe Nhai được xây dựng trên diện tích khoảng 3.000m2, cửa nhìn ra hướng Tây, ngoài cùng là Tam quan kiểu hoa biểu bốn trụ, đây là điển hình của kiến trúc thời Nguyễn, được thiết kế theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, phía trước là tòa tiền đường, chính diện gồm 3 gian, 5 dọc và 3 gian nằm ngang phía sau là nhà tổ, tất cả gồm 9 gian tạo thành khối kiến trúc Phật giáo thống nhất. Hệ thống thiết kế góc mái cong được đắp nổi hình linh thú, tạo cảm giác như đôi cánh nâng ngôi chùa bay lên. Có lẽ đây cũng là ý tưởng kiến trúc của tư tưởng đương thời muốn đề cao Phật pháp, một yếu tố thoát tục. Hai bên chùa là dãy nhà bao lấy Chánh điện ở phía trước, tạo thành vòng tròn khép kín là nhà mẫu và thờ Ngài Địa Tạng. Phía sau là nhà Tổ và Tăng phòng, còn lại xung quanh bao bọc bởi hành lang, đặc biệt ở sân chùa trước tòa Tam bảo có ba ngọn tháp.
Trong đó có tòa tháp Ấn Quang, xây dựng ngày 20/7/1963 để tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức – người đã vì Pháp vong thân ngày 11/06/1963 để phản đối chính sách đàn áp của Đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm.
Nếu nhìn tổng thể, chúng ta sẽ nhận thấy kiểu thiết kế mang biểu tượng Mandala. Thượng điện ngày nay còn lưu lại những bức chạm hình tứ linh cùng các cửa võng sơn son thếp vàng. Tòa tiền đường của chùa còn thiết kế với 2 tầng 8 mái, kiến trúc trang trí hầu như đều đặt vào các “y môn” của Phật điện và gian thờ phụ. Ngoài ra, trong chùa còn có tạo tác hình Phật tọa thiền trên tòa sen làm tăng thêm chất tĩnh lặng của thiền môn. Các tượng pháp được sắp xếp mang ý nghĩa nhân quả, hạnh tu sâu sắc. Chùa có 68 bức tượng thuần hậu được làm nhiều chất liệu như gỗ quý, đất nện, đồng hun được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Về mỹ thuật, chùa còn lưu giữ những bức hoành phi từ thời trung đại như bức hoành phi bốn chữ “Thiên Long Hiến Thụy” nghĩa là trời rồng cúng dàng, hiện điềm tốt. Trên bàn thờ đức Ông có điểm đặc biệt khác hơn so với các chùa thông thường là đặt ở vị trí bên phải, ở đây cũng có bức hoành phi “Công mạc trắc”, nghĩa là công đức không thể đo lường. Phía hậu cung bên phải là bàn thờ tự đức Quán Âm Tống tử, đứng hai bên có hai vị Thiên Vương được tạo hình thái là vua chúa Việt Nam, phản ánh ý nghĩa của thời đại và hoàn toàn mang nét văn hóa người Việt. Phía trên có bức hoành phi với chữ “Quần sinh phổ lợi”, tức là có lợi ích cho tất cả chúng sanh. Hai bên hậu cung điện Phật có thờ Thập điện Diêm Vương, mượn hình tượng ẩn dụ cảnh tượng cõi địa ngục nhằm răn đe người ác, cảnh tỉnh mọi người không làm điều ác để tránh rơi vào địa ngục.
Về di vật cổ, chùa Hòe Nhai hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá có giá trị lịch sử, nghệ thuật. Các di vật cổ quý hiếm như: khánh đồng cao 1m, rộng 1.5m được đúc từ năm Long Đức thứ 3 (1734) đời vua Lê Thuần Tông, trống đồng đúc vào thời vua Tự Đức (1848-1883) nhà Nguyễn. Bên cạnh đó, chùa còn giữ được một đạo sức phong do vua Lê Hiển Tông phong cho thiền sư Trần Văn Chức vào năm 1750.
Trong chùa có 28 tấm bia, cổ nhất là tấm bia dựng vào năm Chính Hòa thứ 24 (1703) ghi rõ vị trí chùa ở phường Hòe Nhai tại Đông Bộ Đầu, tức bến Đông. Theo nội dung trên văn bia khắc ghi: “Chùa Hồng Phúc ở Hà thành, núi Nùng như vạt áo, sông Nhị như dải lưng, hồ Trúc Bạch chắn ngang, dòng Tô Lịch vòng lại, đây thật là chốn tùng lâm lâu đời của đất Thăng Long”. Chính nhờ tấm bia đá này mà giới sử học ngày nay đã xác định được vị trí trận chiến thắng ngày 29/01/1258 của dân tộc ta mà sử cũ gọi đó là chiến thắng Đông Bộ Đầu đánh đuổi giặc Nguyên, giải phóng kinh thành là ở gần chùa Hòe Nhai này.
Tương truyền trước đây, những người thi đỗ đạt thường đến chùa trồng một cây Hòe để làm kỷ niệm bởi một đời cây dài bằng một đời người. Cũng có thuyết giải thích rằng, theo điển cố quy hoạch kinh đô cổ thì “đông Hòe, tây Liễu”, đường phố phía đông kinh thành trồng cây Hòe, đường phố phía tây trồng cây Liễu. Nay gần chùa Hòe Nhai còn một đường phố cắt ngang phố Hàng Than mang tên phố Hòe Nhai.
Chùa hiện nay được tu bổ khang trang sạch đẹp và là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương cũng như khách du lịch trong, ngoài nước. Đặc biệt là vào các dịp đầu xuân năm mới, những ngày lễ, tết tại chùa có tổ chức nhiều nghi lễ phật giáo trang trọng và linh thiêng thu hút hàng nghìn lượt khách đến lễ phật, vãn cảnh chùa.
Trải qua nghìn năm thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, gìn giữ những giá trị tâm linh, lịch sử cùng nét kiến trúc cổ kính mang đậm hồn cốt của văn hoá Việt. Chùa Hoè Nhai là điểm dừng chân ghé thăm, tu học của tín đồ Phật tử, nhân dân thập phương. Nằm giữa lòng đô thị phồn hoa, huyên náo nhưng chỉ cần bước qua cửa Tam Quan, ta sẽ thấy được sự bình yên, tịch mịch nơi chốn già lam cổ kính. Cảm nhận được hơi thở lịch sử còn đọng lại trên các pho tượng cổ, trên các tấm văn bia như 1 lời khẳng định cho sự nối tiếp và hoằng truyền. Chùa Hòe Nhai vẫn đứng đó tiếp nối những giá trị của văn hóa người Việt Nam. Nếu có dịp, xin mời quý vị ghé chân nơi đây, để cảm nhận và khám phá dấu tích tâm linh huyền nhiệm này. Chương trình danh lam thánh tích kỳ này xin khép lại tại đây, xin kính chào và hẹn gặp lại.