Một ngôi cổ tự được mệnh danh là đại danh lam chốn Kinh Bắc. Nơi đây đã từng có một vị hoàng thái hậu và rất nhiều thành viên hoàng tộc quyết định rời bỏ chốn hoàng cung để quy y cửa Phật. Ngoài ra, tại ngôi cổ tự còn lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia quý giá. Đó chính là chùa Bút Tháp – ngôi cổ tự lừng danh chốn Kinh Bắc.
Chùa Bút Tháp – Ninh Phúc Thiền tự
Ninh Phúc Thiền tự nằm bên bờ con sông Đuống hiền hòa, chùa tọa lạc tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ninh Phúc Thiền tự có nhiều tên gọi nhưng phổ biến nhất là chùa Bút Tháp được vua Tự Đức đặt vì chiếc tháp Báo Nghiêm nổi tiếng, trông tựa như cây bút lông.
Tương truyền thuở xưa, đàn chim nhạn ở các núi này thường bay về đậu trên ngọn tháp đá của chùa. Cảnh thiền, đất lành, chim đậu, và tên Chùa Nhạn Tháp cũng được hình thành từ đó.
Người ta gọi bút tháp là chùa Vua, bởi các thành viên hoàng tộc, là những người đã góp phần hưng công, xây dựng nên ngôi chùa có một không hai này. Và người góp công nhiều nhất chính là hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.
Cuộc đời hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc
Tương truyền, bà thông minh từ nhỏ, rất hiếu học. Mới 9, 10 tuổi đã đọc thông, viết thạo cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, đọc làu kinh sử, giỏi văn thơ. Tuy nhiên Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, trải qua 1 cuộc đời đầy truân chuyên, chồng bị xử trảm, bị cha là Trịnh Tùng ép lấy vua Lê Thần Tông.
Bà sớm có tâm nguyện nương nhờ cửa Phật, nhờ tiếng Kinh câu Kệ tìm sự giải thoát cho tâm hồn. Hoàng Thái Hậu quyết định cho đại trùng tu chùa Bút Tháp rồi chính thức xuất gia tại đây. Các công chúa hoàng tử hoàng thân cũng theo về.
Có thời bà đã đỉnh lễ quy y tại Ninh Phúc Thiền tự và được thiền sư Chuyết Chuyết ban cho bà pháp danh là Pháp Tính. Từ đó bà vừa tu luyện vừa được dịp học hỏi nghiên cứu sâu xa thêm về kinh điển của nhà Phật. Tại ngôi chùa này, bà đã quyết định cho đại trùng tu chùa Bút Tháp rồi chính thức xuất gia tại đây. Các công chúa hoàng tử hoàng thân cũng theo về.
Hiện nay tại bên phải nhà tổ vẫn có ban thờ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, công chúa Lê Thị Ngọc Duyên… là những người đã có công lớn trong việc hưng công, trùng tu xây dựng ngôi chùa.
Nhắc đến Ninh Phúc Thiền tự là nhắc đến những đỉnh cao có một không hai của nền điêu khắc VN thế kỷ 17. Đó chính là bảo vật quốc gia pho tượng Quán Âm nghìn mắt nghìn tay.
Truyền thuyết kể, nghệ nhân họ Trương được hoàng thái hậu giao trọng trách, tạc một pho tượng Phật Bà vừa thể hiện được triết lý sâu xa của đạo Phật, vừa thể hiện tài trí của người phụ nữ. Sau 9 tháng ẩn mình trong rừng sâu, núi đá, người nghệ nhân Trương Thọ Nam mới hoàn thành bản phác thảo. Và sau 9 năm lao động cùng các cộng sự, tuyệt phẩm Phật Bà nghìn mắt nghìn tay mới được hoàn thành hoàn thành vào mùa Thu năm Bính Thân (1656) thời Lê Trung Hưng. Năm 2012, tuyệt tác tượng Quán Thế Âm nghìn mắt, nghìn tay đã được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Tại ngôi chùa Bút Tháp, bên cạnh bảo vật tượng Quán Thế Âm còn có 3 bảo vật quốc gia được Nhà nước công nhận năm 2020 là: Ba pho tượng Tam Thế Phật, Tòa cửu Phẩm liên hoa và hương án. Đó là ba pho tượng Tam thế. Điều quý giá nhất có lẽ là mỗi một bức tượng thờ, đều thấm đẫm tâm hồn Việt.
Một trong những yếu tố góp phần làm giá trị nghệ thuật của pho tượng là hoa văn trang trí và mật ý nhằm truyền tải những khát vọng ngàn đời của người Việt. Ba pho tượng có dáng ngồi theo tư thế nhập thiền trên tòa sen. Bên dưới là bệ tượng hình khối vuông, thắt ở giữa với kết cấu ước lệ ba tầng. Hình thức thể hiện dung dị, khoáng đạt. Những hoa văn ở bệ tượng, đài sen tuy có nét tương đồng với một số chùa, nhưng vẫn mang nét riêng và độc đáo so với thời trước và thời sau. Cũng trong ban Tam Bảo chùa Bút Tháp còn có tượng Thập bát La Hán với nhiều kích cỡ, dáng điệu.
Pho tượng Tuyết Sơn
Pho tượng Tuyết Sơn ở chùa Bút Tháp là một trong những pho tượng Tuyết Sơn đẹp nhất Việt Nam. Pho tượng tạc minh họa lại thời kỳ Đức Phật Thích Ca tu khổ hạnh trước khi tìm được con đường giác ngộ. Tượng có ý nghĩa như để nhắc nhở nhà sư và Phật tử cách thức tu hành rằng: dù khó khăn gian khổ thế nào cũng không thể thắng được ý chí của con người, có đói khổ cũng phải giữ được thân tâm trong sạch, không để các cám dỗ vật chất làm lu mờ ý chí.
Tuy nhiên, con đường tu khổ hạnh là tự hành xác, ép bản thân phải chịu đau khổ cũng không phải là con đường để đạt tới giác ngộ. Sau giai đoạn này đức Phật Thích Ca đã tìm ra được con đường tu để đạt tới giác ngộ, giải thoát đó là con đường trung đạo. Hình tượng Tuyết Sơn xuất hiện vừa mang tính chất giáo dục, vừa mang tính chất tưởng nhớ ân đức của đức Phật Thích Ca.
Ngay sau thượng điện, là cây cầu đá dẫn tới Tích Thiện Am, nơi đặt tòa Cửu phẩm liên hoa được xem như nguyên vẹn và đẹp nhất hiện nay. Tích thiện Am có ba tầng, mười hai mái, hai tầng trên có bốn mặt mái thu hẹp dần khi lên cao. Toàn bộ các tầng mái được lợp ngói mũi hài, đầu dao đắp hình rồng, vân hóa.
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, tòa Cửu phẩm liên hoa của chùa Bút Tháp được dựng từ thời Thiền Sư Huyền Quang, Đệ tam tổ của thiền phái Trúc Lâm. Tuy nhiên, cho tới nay, ngôi tháp của thời Trần không còn để lại một dấu tích nào. Đối với tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp hiện nay, là công trình được dựng từ giữa thế kỷ 17.
Cửu phẩm liên hoa cao 9 tầng, có 8 mặt đều nhau, 9 đài sen tượng trưng cho 9 phẩm bậc vãng sinh ở cõi Tây phương Cực lạc, nơi Đức Phật A Di Đà là giáo chủ. Với ý nghĩa như vậy, nên cổ nhân xưa đã bài trí bố cục thờ tự bên cạnh tòa cửu phẩm liên hoa 2 pho tượng Phật A Di Đà với hình tượng giải thoát giữa thế gian.
Thành tựu tu hành đạt đến quả vị của pháp môn Tịnh Độ gồm chín phẩm, mỗi phẩm tương ứng với một đài sen và được phân thành các phẩm Thượng, Trung, Hạ ứng với những quả vị vãng sinh khác nhau. Những đài sen càng cao, bông sen nở ra thì phẩm trật càng cao, càng thanh khiết càng gần với tâm cốt lõi của Phật tính.
Tòa tháp được xem như một cối kinh khổng lồ, điêu khắc tinh xảo. Những mảng chạm khắc về thế giới Cực Lạc và hình tượng các vị tổ truyền đăng trên thân tháp cửu phẩm chùa Bút Tháp đã đem đến cho Cửu Phẩm Liên Hoa Việt Nam những lớp ý nghĩa đa tầng. Được đặt tại Am Tích Thiện, về mặt hình tượng thì tòa Cửu Phẩm Liên Hoa mang ý nghĩa về nghệ thuật và kiến trúc nhưng đối với đời sống dân gian thì tòa tháp đã trở thành điểm tựa tâm linh, nơi khuyến tấn người dân sống lành, tích thiện để nguyện cầu sự an lạc, giải thoát, thiết lập cõi Tịnh Độ tại nhân gian.
Ngoài những bảo vật quốc gia trên, chùa Bút Tháp còn có chiếc hương án trên 300 năm tuổi được lưu giữ tại chùa.
Thiền sư Chuyết Chuyết
Tương truyền, chùa Bút Tháp được khởi công xây dựng từ thế kỷ 13, nhưng phải đến thế kỷ 17 khi thiền sư Chuyết Chuyết về trụ trì thì chùa mới có vị thế của một ngôi chùa vua. Bởi vậy mà các công trình kiến trúc điêu khắc ở đây đều được những người thợ xuất sắc nhất đương thời thực hiện, trở thành đỉnh cao mẫu mực cho đến tận ngày nay.
Năm 1644, thiền sư Chuyết Chuyết viên tịch khi công tác trùng tu chùa Bút Tháp còn dang dở. Để tưởng nhớ công ơn của bậc cao tăng, vào năm Đinh Hợi niên hiệu Phúc Thái 5 (1647) đời vua Lê Chân Tông, thiền sư Minh Hành đệ tử của sư tổ Chuyết Chuyết cùng các Phật tử đã cho xây dựng tháp Báo Nghiêm để đặt xá lợi của sư tổ Chuyết Chuyết.
“Mênh mông biển lúa xanh rờn
Tháp cao sừng sững trăng vờn bóng cao
Một vùng phong cảnh trước sau
Bức tranh thiên cổ đậm màu nước non”
Ngôi tháp Báo Nghiêm trong chùa Bút Tháp được xem như mẫu mực của nghệ thuật điêu khắc và ghép đá.
Trải qua thời gian nắng mưa và cả sự tàn phá của chiến tranh chùa Bút Tháp vẫn giữ được nét cổ kính trầm mặc và gần như giữ nguyên được mặt bằng kiến trúc và điêu khắc thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Chùa Bút Tháp được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc với những công trình kiến trúc được bố trí cân xứng, chặt chẽ, hài hòa với thiên nhiên.
Ngoài cùng là tam quan, tiếp đó là gác chuông 2 tầng 8 mái. Khu trung tâm gồm 7 nếp nhà nằm ngang, được bố trí theo 1 trục đường thần đạo dài 150m lần lượt là tiền đường, thiêu hương, thượng điện, tích thiện am, nhà trung và hậu đường.
Từ xa nhìn lại, ngôi chùa nổi bật với một ngôi tháp bằng đá cao 5 tầng, như một cây bút sừng sững giữa vùng đồng bằng rộng lớn. Năm 2013, chùa Bút Tháp đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
KẾT LUẬN
Khi đến đây, du khách có thể đưa tay lần lên những dấu vết chạm trổ nghệ thuật hay xoay tòa cửu phẩm liên hoa tụng kinh niệm Phật, mà trong lòng dâng lên niềm kính phục đối với những người nghệ nhân Việt Nam xưa cũng như là tinh hoa Phật giáo nước nhà. Chính vì vậy mà Chùa Bút Tháp trở thành một điểm thu hút đông đảo Phật tử, du khách thập phương đến chiêm bái và vãn cảnh.
Phật Sự Tản Viên thực hiện