BẮC NINH: CHÙA DÂU: CỘI NGUỒN CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM – DANH LAM THÁNH TÍCH

 

⚜️ Trên những nẻo đường đất nước, từ sâu thẳm non thiêng ra tận biển đảo xa xôi, từ Lũng Cú ở Hà Giang cho đến cực Nam của Tổ quốc, hình ảnh ngôi chùa đã trở nên thân thuộc trong nếp sống dân tộc. Ngôi chùa được xây dựng trước là để thờ Phật, sau là nơi tu học và hoằng truyền Phật pháp. Lịch sử hình thành và kiến tạo của mái già lam đã song hành cùng những bước thăng trầm của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Và còn đó, kiến trúc đặc sắc của mỗi ngôi chùa in dấu mỗi thời đại, mỗi vùng miền, giúp mọi người nhận chân về sự giác ngộ của các bậc chân tu, về nguồn cội, về bản sắc văn hóa Việt đã hình thành và được gìn giữ suốt mấy nghìn năm.
⚜️ Khi Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, thời bấy giờ gọi là Giao Chỉ, trung tâm Phật giáo đầu tiên đã được hình thành ở Luy Lâu, tức vùng Dâu, nay là Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Lúc đầu, Phật giáo được truyền đến nước ta thông qua các thường gia người Ấn. Khi họ đến Giao Chỉ buôn bán, họ ở lại nước ta một thời gian khá dài. Trong thời gian họ lưu lại Giao Chỉ, họ thờ Phật, đốt trầm, đọc kinh và cúng dường những pháp Phật nho nhỏ mà họ mang theo. Rồi họ còn chỉ bày cho người dân nước ta các thuật về canh nông, về y thuật, và đương nhiên là họ cũng chia sẻ cả những giáo lý và tín ngưỡng Phật giáo. Chính vì thế mà người Việt lúc bấy giờ được biết đến đạo Phật, và thực hành những tín ngưỡng thờ cúng của Phật giáo. Tiếp theo đó là các vị Tăng sĩ Ấn Độ theo các thuyền buôn đến Việt Nam để truyền bá Chánh pháp. Họ đã dừng chân tại Luy Lâu, xây dựng chùa chiền để thờ cúng và giáo hóa người dân. Cho nên, lúc đấy, có nhiều chùa tháp đã được xây dựng tại Luy Lâu, trong đó có chùa Dâu.
⚜️ Chùa Dâu được xem là ngôi chùa cổ xưa nhất của Việt Nam, và cũng là nơi khởi nguồn của tín ngưỡng thờ Tứ pháp – 4 vị nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, được hình thành từ sự kết hợp giữa Văn hóa Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt.
⚜️ Về tên gọi, sở dĩ ngôi chùa được gọi là chùa Dâu, vì xưa kia ngôi chùa nằm giữa vùng đồng bằng trồng dâu nuôi tằm để giăng tơ, dệt lụa. Ngoài ra, sự phát triển của ngôi chùa còn gắn với truyền thuyết về Phật mẫu Man Nương và hệ thống Phật Tứ pháp. Chùa Dâu còn được gọi là chùa Cả, Pháp Vân tự, Cổ Châu tự, Diên Ứng tự. Hiện thời, người dân vẫn quen gọi là chùa Dâu – cái tên thể hiện nét đặc trưng trong lao động sản xuất của buổi đầu văn minh nông nghiệp.
⚜️ Chùa Dâu tọa lạc bên bờ sông Dâu, nay là xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi chùa đã được khởi công xây dựng từ năm 187 đến năm 226 dưới thời Thái thú Sĩ Nhiếp. Hai vị Tăng sĩ người Ấn là ngài Khâu Đà La và ngài Ma Ha Kỳ Vực đã đến Giao Chỉ, ở lại chùa Pháp Vân. Chính ngài Khâu Đà La đã truyền pháp, giáo hóa cho bà Man Nương ở tại chùa này. Năm 580, Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi đến Giao Châu, trụ trì chùa Dâu, mở ra Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam – Thiền phái Tì ni đa lưu chi.
⚜️ Điểm nổi bật nhất tại chùa Dâu là tháp Hòa Phong. Ngôi tháp tọa lạc tại giữa sân chùa. Chân tháp vuông, tầng dưới có 4 cửa vòm, 4 tượng Thiên Vương ở bốn góc. Trong tháp có treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Tháp Hòa Phong dùng để tế lễ, cầu trời cho mưa thuận gió hòa. Tháp xưa có tổng cộng 9 tầng. Hiện nay, ngôi tháp chỉ còn 3 tầng dưới, nhưng vẫn sừng sững, uy nghiêm đượm màu lịch sử. Có câu ca dao lưu truyền rằng: “Dù ai đi đâu về đâu Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về, Dù ai buôn bán trăm nghề Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu”
⚜️ Hằng năm, Hội Dâu được tổ chức trong 3 ngày 7,8,9 tháng 4 Âm lịch. Trong đó, ngày lễ chính là ngày 8/4, tức là ngày Đản sinh của Đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni theo truyền thống Phật giáo Việt Nam trước đây. Và ngày này cũng là ngày kỷ niệm Phật mẫu Man Nương sinh hạ nữ nhi.
⚜️ Lịch sử Phật giáo Việt Nam qua hơn 2000 năm phát triển, kiến trúc chùa chiền dần thay đổi theo thời gian. Nhưng dẫu cho có biến đổi thế nào, thì Chùa Dâu và những giá trị mà ngôi chùa cổ này để lại sẽ vẫn luôn là những tư liệu sống mãi cho người đời sau, tìm về cội nguồn của Phật giáo Việt Nam. 

Phật sự Tản Viên tổng hợp

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares