Hội nghị nhằm thúc đẩy đối thoại và hiểu biết giữa các cộng đồng Phật giáo, đồng thời giải quyết những thách thức đương đại mà Phật giáo đang phải đối mặt.
Hội nghị Phật giáo châu Á 2024: New Delhi đứng ra làm nước chủ trì
Theo thông báo từ Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ, New Delhi sẽ là nơi tổ chức Hội nghị Phật giáo Châu Á (Asian Buddhist Summit – ABS) đầu tiên vào ngày 5-6 tháng 11, quy tụ các nhà lãnh đạo Phật giáo, học giả và những tu sĩ nổi tiếng từ khắp châu Á. Hội nghị với chủ đề “Vai trò của Phật Pháp trong việc củng cố châu Á” được tổ chức bởi Bộ Văn hóa Ấn Độ phối hợp cùng Liên đoàn Phật giáo quốc tế (International Buddhist Confederation – IBC).
Mục tiêu của hội nghị: đối thoại và giải quyết các thách thức hiện nay
Hội nghị nhằm thúc đẩy đối thoại và sự hiểu biết giữa các cộng đồng Phật giáo, đồng thời giải quyết các thách thức mà Phật giáo đang đối mặt hiện nay. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những chủ đề quan trọng bao gồm: nghệ thuật Phật giáo, kiến trúc, di sản, ý nghĩa của các di tích Phật giáo cũng như vai trò của Phật Pháp trong nghiên cứu khoa học và hạnh phúc cộng đồng.
Tổng thống Ấn Độ sẽ tham dự sự kiện
Sự kiện dự kiến sẽ có sự góp mặt của Tổng thống Ấn Độ với vai trò khách mời danh dự, điều này đã góp phần khẳng định tầm quan trọng của hội nghị. Bên cạnh đó, nó được diễn ra trong khuôn khổ, dưới tinh thần của hai chính sách “Hành động hướng Đông” (Act East) và Neighborhood First (tạm dịch: Ưu tiên các nước lân cận) của Ấn Độ, từ đó nhấn mạnh lợi ích cộng đồng, tính toàn diện cũng như phát triển tâm linh trong khu vực châu Á.
Triển lãm đặc biệt: “Ấn Độ là cây cầu Giáo Pháp kết nối châu Á”
Hội nghị cũng sẽ có một triển lãm đặc biệt mang tên India as the Dhamma Setu (Bridge) Connecting Asia (tạm dịch:Ấn Độ là cây cầu giáo pháp kết nối châu Á), giới thiệu kho tàng di sản phong phú về Phật giáo của quốc gia này. Sự kiện lần này là một phần trong những nỗ lực liên tục của Ấn Độ về việc bảo tồn và phát triển văn hóa Phật giáo, bao gồm các sáng kiến như Mạng lưới du lịch Phật giáo, Hội nghị Phật giáo Toàn cầu 2023 và Hội nghị Quốc tế về Di sản Phật giáo.
Lịch sử gắn liền với Phật giáo
Mối liên kết chặt chẽ giữa Ấn Độ và Phật giáo có từ thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, khi Thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm (Siddhartha Gautama) đạt được giác ngộ và bắt đầu truyền bá giáo lý của mình. Bên cạnh đó, nhân vật lịch sử A Dục Vương (Emperor Ashoka) cũng đóng vai trò quan trọng không nhỏ trong việc phổ biến Phật giáo rộng rãi khắp châu Á, cũng như việc dùng giáo lý Phật Đà làm nền tảng cho công cuộc trị quốc mình.
Ảnh hưởng sâu sắc của Phật Pháp đối với các nền văn hóa châu Á
Hội nghị nhấn mạnh sức ảnh hưởng sâu sắc của Phật Pháp đối với các nền văn hóa châu Á, đồng thời làm nổi bật mối liên kết của Phật giáo trong xã hội hiện đại. Thông qua các cuộc thảo luận và trao đổi văn hóa, Hội nghị Phật giáo Châu Á mong muốn được góp phần giúp cho một thế giới bền vững, hòa bình và đong đầy tình yêu thương hơn nữa.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn tham khảo: The Print