Mùa đông lạnh giá cuối năm 2023, Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Nghi Lan (Yilan Performing Arts Center) lần đầu cho ra mắt màn biểu diễn “Bản Thanh xướng kịch[1] Kinh Hoa Nghiêm” hết sức độc đáo, thông qua buổi diễn hợp xướng giao hưởng mà diễn giải lại tinh thần của Kinh Hoa Nghiêm theo phong cách hiện đại.
Buổi ra mắt lần này được phối hợp biểu diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Ái Lạc Yilan (Yilan Philharmonic Orchestra), Dàn hợp xướng Thập lục Đài Bắc, Dàn hợp xướng Lan Vũ và Dàn hợp xướng Sonar do Giáo sư Tạ Nguyên Phú chỉ huy, cùng với sự phối hợp của các ca sĩ như bà Lê Dung Anh, bà Chiêm Triết Quân, ông Lâm Văn Tuấn và ông Hứa Đức Sùng. Trước giờ biểu diễn giáo sư Tạ Đại Ninh, người biên kịch cho vở diễn, sẽ đứng lên trình bày và giới thiệu quá trình sáng tác cũng như tinh thần của vở kịch lần này.
Buổi biểu diễn Thanh xướng kịch Kinh Hoa Nghiêm
Theo Giáo sư Tạ Nguyên Phú, viện trưởng Viện Công nghệ Sáng tạo thuộc Đại học Phật Quang, giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc Giao hưởng Nghi Lan, ý tưởng sáng tác một bản thanh xướng kịch về các kinh điển quan trọng của Phật giáo bắt đầu khoảng hai năm trước. Ý tưởng này chủ yếu được lấy cảm hứng từ tinh thần “Phật giáo tại nhân gian” của Đại sư Tinh Vân, giáo sư hy vọng có thể diễn giải lại ý nghĩa các kinh điển quan trọng của Phật giáo theo cách hiện đại hơn và đa dạng hơn. Trong quá trình phương Tây chuyển mình sang nền văn minh cận đại, nền âm nhạc của họ từng sáng tạo ra một loại hình biểu diễn đặc biệt là thanh xướng kịch, chuyên diễn giải lại “Kinh Thánh” rất hay. Vì vậy tôi đã nghĩ liệu mình có thể mượn ý tưởng này phối hợp cùng với nhạc giao hưởng hiện đại để biểu diễn các kinh điển của Phật giáo, giúp cho mọi người có cái nhìn và cách tiếp cận Kinh Phật một cách gần gũi hơn.
Ý tưởng này được thực hiện hóa lần đầu tiên vào năm ngoái với lựa chọn là Kinh Pháp Hoa. Vở Thanh xướng kịch Kinh Pháp Hoa đã được hoàn thành sáng tác và là tác phẩm đầu tiên của chuỗi vở thanh xướng kịch các kinh điển Phật giáo. Buổi biểu diễn cũng được tổ chức lần đầu vào cuối năm 2022, và đón nhận rất nhiều bình luận tích cực.
Với thành công của tác phẩm đầu tiên, Viện trưởng Tạ chia sẻ đội ngũ sáng tác sau nhiều lần thảo luận đã quyết định kiên trì nỗ lực và tinh tấn hơn nữa, tiếp tục sáng tác vở Thanh xướng kịch Kinh Hoa Nghiêm, bộ Kinh Đại Thừa tráng lệ nguy nga nhất trong các bộ Kinh. Đồng thời đội ngũ sáng tác còn mời giáo sư danh dự của Đại học Phật Quang, giáo sư Tạ Đại Ninh và nhà soạn nhạc danh tiếng thế giới, giáo sư Thái Thịnh Thông lần lượt đảm nhận vai trò biên kịch lời và phổ nhạc cho vở kịch. Có thể nói nhờ có sự hợp tác của hai vị giáo sư mới có sự ra đời của tác phẩm lần này.
Theo Giáo sư Tạ Đại Ninh, người viết lời kịch, Kinh Hoa Nghiêm là một bộ Đại Kinh có tư tưởng vô cùng thâm huyền và tráng lệ, việc biểu đạt chính xác tinh thần và tư tưởng nội hàm sâu sắc của bộ Kinh này là một thách thức rất lớn. Vì các nghiên cứu của Giáo sư Tạ chủ yếu là về triết học Trung Quốc, ngoài ra ông cũng từng có nhiều năm nghiên cứu thâm nhập Kinh Hoa Nghiêm và tư tưởng Hoa Nghiêm Tông, vì vậy giáo sư hiểu cấu trúc cơ bản của bộ Kinh Hoa Nghiêm chủ yếu nằm ở việc biểu đạt “Thế giới trong con mắt của Đức Phật”. Đồng thời thông qua tinh thần “Tâm, Phật, chúng sinh cả ba không sai khác” thử nhìn từ góc độ tâm Bồ Đề của nhân địa, mà sáng tạo nên toàn bộ vở kịch lần này, tất cả xuất phát từ một điểm đó là Bồ Tát phát Bồ Đề Tâm mà hiển bày thế giới trong con mắt của Phật.
Kịch bản này đã thay đổi một chút cấu trúc của toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm. Phần một vở kịch là “Phẩm Nhập Pháp giới” kể lại câu chuyện Thiện Tài đồng tử tham dự Pháp hội Hoa Nghiêm và thể hội được tinh thần của Pháp hội. Phần hai là “Hành Bồ Tát đạo” kể lại quá trình Thiện Tài đồng tử đi tham học nơi các thiện tri thức, đồng thời giảng giải cụ thể về cách hành Bồ Tát Đạo theo như tinh thần của Pháp hội Hoa Nghiêm. Với cách diễn giải tình tiết câu chuyện như vậy, vở kịch đã thể hiện được tư tưởng tinh hoa của bộ kinh điển này. Đây quả là một sự kết hợp hoàn mỹ giữa Phật giáo, kinh điển, văn học, âm nhạc và nghệ thuật, sự kết hợp này cũng đã đem lại cho khán giả một bữa tiệc tinh thần đa chiều.
Buổi biểu diễn Thanh xướng kịch Kinh Hoa Nghiêm
Theo Viện trưởng Tạ, thử nghiệm này vẫn đang trong giai đoạn ban đầu, tất cả mọi mặt từ hình thức trình diễn vở kịch, phong cách ngôn ngữ cho đến giai điệu, kết cấu âm thanh,… đều không ngừng được thảo luận và sửa đổi. Bất kể sáng tác nào thuộc thể loại này cũng khó có thể hoàn thiện mỹ mãn trong một thời gian ngắn được, nhưng dù sao đi nữa thanh xướng kịch kinh điển Phật giáo chắc chắn là một sự thử nghiệm mang tính lịch sử. Ông hy vọng rằng thử nghiệm này có thể tiến tới một thể loại âm nhạc mới, “Kịch Phật giáo”. Ngoài ra viện trưởng Tạ còn đặc biệt bày tỏ, nếu như thế hệ này của chúng ta có thể diễn giải trí tuệ Phật giáo thông qua việc sáng tạo một loại ngôn ngữ biểu đạt mới, thì đó mới chính là biểu hiện của tiếp nối tuệ mạng của Phật. Và công việc này chắc chắn cần có sự chung tay góp sức của tất cả đạo hữu đồng tu mới có thể hoàn thành viên mãn được.
Viện trưởng Tạ cũng chia sẻ, những sáng tác này được cải tiến không ngừng, tùy theo cơ duyên mà được đưa ra biểu diễn bằng nhiều cách khác nhau. Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai những tác phẩm này có thể dần dần được quảng bá đến đại chúng, chỉ cần các đạo hữu có nhu cầu chúng tôi sẵn sàng tổ chức lưu diễn mọi nơi. Đồng thời công việc sáng tác vẫn theo tiến độ một năm ra một sản phẩm mới, hiện tại chúng tôi đang trong công tác chuẩn bị vở kịch mới cho năm sau, dự kiến sẽ lấy chủ đề là Kinh Niết Bàn với tình tiết câu chuyện “Sinh Công thuyết Pháp, đá ngu gật đầu” của Cao tăng Trúc Đạo Sinh để diễn giải tinh thần Kinh Niết Bàn. Chư vị đồng tu nếu có hứng thú với buổi kịch trong cuối năm 2024 có thể bắt đầu mong chờ từ bây giờ.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn: Kamalan News Net
[1]Thanh xướng kịch (tiếng Anh: oratorio, phát âm tiếng Ý: [oraˈtɔːrjo] là một tác phẩm âm nhạc lớn dành cho dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng và nghệ sĩ độc tấu. Trong khi opera là nhạc kịch thì thanh xướng kịch hoàn toàn là một tác phẩm hòa nhạc – mặc dù thanh xướng kịch đôi khi được dàn dựng như vở opera, và vở opera đôi khi được trình diễn dưới hình thức hòa nhạc. Trong một thanh xướng kịch, dàn hợp xướng thường đóng vai trò trung tâm và thường có rất ít hoặc không có sự tương tác giữa các nhân vật, cũng như không có đạo cụ hoặc trang phục phức tạp. Đặc biệt, sự khác biệt quan trọng nằm ở chủ đề của tác phẩm. Tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Thanh_x%C6%B0%E1%BB%9Bng_k%E1%BB%8Bch